Giá thép tăng, kéo chậm giải ngân vốn đầu tư công

16:33 | 07/06/2021 Print
Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với tầm quan trọng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, nếu giá thép và giá các loại vật liệu xây dựng khác tăng cao, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây ngừng trệ sản xuất và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công.

dự án

Nếu giá thép và giá các loại vật liệu xây dựng khác tăng cao, sẽ gây ngừng trệ sản xuất và tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: TL.

Lo ngại ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế

Thời điểm gần đây, giá quặng sắt và một số loại thép thế giới vẫn liên tục tăng, tăng từ 0,2-1,9% tùy loại. Trong nước, theo số liệu mới nhất, giá thép cuộn D6, D8 của các thương hiệu Hòa Phát, Pomina, Việt Nhật, Việt Đức, Việt Ý nếu vào cuối năm 2020 chỉ khoảng 12.000 đồng/kg thì nay đã tăng lên hơn 18.000 đồng/kg (chưa bao gồm thuế VAT), tương ứng tăng 50%.

Đáng lo ngại, khi giá thép tăng đã kéo theo nhiều loại vật liệu xây dựng khác đi lên khiến các nhà thầu điêu đứng. Theo tính toán của một số nhà thầu, tỷ trọng chi phí thép xây dựng chiếm từ 12 - 15% trong tổng giá trị công trình. Nếu giá thép biến động 10%, giá công trình tăng thêm 1%...

Do đó, trong tháng 4, trước diễn biến tăng của giá thép, nhiều doanh nghiệp và Hiệp hội nhà thầu xây dựng Việt Nam đã liên tiếp gửi công văn kiến nghị, cầu cứu Chính phủ và các bộ ngành xem xét, hỗ trợ khi giá thép tăng liên tục. Đặc biệt đối với các dự án đầu tư vốn ngân sách lại phải áp dụng đơn giá vật liệu theo thông báo của các sở xây dựng tỉnh, thành phố mà các thông báo này thì không cập nhật được biến động giá kịp thời nên các nhà thầu cũng phải tự xử lý phần biến động này.

Theo thống kê, chỉ số giá sản xuất nhóm sản phẩm sắt, thép tháng 5/2021 tăng 7,6% so với tháng trước, tăng 40,47% so với cùng kỳ năm trước; nhôm tăng khoảng 50-60%, vật tư điện nước gồm ống nhựa các loại, dây điện tăng khoảng 15-25%... đã ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xây dựng.

Có nhiều ý kiến lo ngại, khi giá vật liệu xây dựng tăng, ảnh hưởng lớn đến tiến độ thi công công trình, từ đó ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện vốn đầu tư toàn xã hội, tăng trưởng kinh tế năm 2021 và các năm tiếp theo. Bởi vì bên cạnh các động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế như cải cách thể chế; tái cơ cấu nền kinh tế; nâng cao năng suất lao động... thì đầu tư công là động lực rất quan trọng trong bối cảnh hiện nay.

Qua tính toán của giới chuyên gia cho thấy, tầm quan trọng đặc biệt của vốn đầu tư công trong dẫn dắt tăng trưởng kinh tế năm 2021 ở chỗ, cứ tăng 1 đồng vốn đầu tư công sẽ kéo theo 1,61 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước. Điều này còn phản ánh tính lan toả của thực hiện đầu tư công tới đầu tư ngoài nhà nước và đầu tư trực tiếp nước ngoài năm 2021 mạnh hơn năm 2019, vì khi đó giải ngân 1 đồng vốn đầu tư công kéo theo 1,42 đồng vốn đầu tư ngoài nhà nước, thấp hơn 0,19 đồng so với năm 2021.

Bên cạnh tính dẫn dắt và tính lan toả của vốn đầu tư công đối với nền kinh tế, bản thân đầu tư công đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế. Theo số liệu tính toán, dự báo giai đoạn 2021-2025 nếu giải ngân vốn đầu tư công tăng thêm 1% so với năm trước thì GDP tăng thêm 0,058%.

Kiểm tra việc thao túng, nâng giá thép

Hiệp hội Thép Việt Nam đã có văn bản khuyến nghị tới doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh sản xuất để bình ổn thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng giá nguyên liệu như hiện nay, việc duy trì được sản xuất của doanh nghiệp cũng được xem là rất khó khăn.

Có thể thấy, giá thép và giá nhiều vật liệu xây dựng tăng đã ảnh hưởng tới tiến độ thực hiện các công trình, dự án nói chung và dự án đầu tư công nói riêng. Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận một thực tế rằng, nguyên nhân giải ngân chậm các dự án đầu tư công không phải có nguyên nhân chính từ việc giá thép tăng cao. Theo Bộ Tài chính, giải ngân kế hoạch vốn 5 tháng của năm 2021 mới đạt trên 102.029 tỷ đồng, bằng 22,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2020 (25,98%).

Việc giải ngân vốn đầu tư công chậm có nhiều nguyên nhân đã được lãnh đạo một số bộ, ngành nhận định. Năm nào cũng vậy, vào đầu năm vẫn có tâm lý “đủng đỉnh” trong việc giải ngân; cộng thêm do ảnh hưởng của dịch Covid-19; do năm ngoái là năm cuối của kế hoạch 5 năm nên tốc độ giải ngân cao… Hơn thế nữa, giai đoạn này chủ đầu tư và nhà thầu mới bắt đầu quá trình chuẩn bị đầu tư như xây dựng kế hoạch đấu thầu, kế hoạch thi công... nên chưa có khối lượng hoàn thành để thanh toán. Vì vậy, tỷ lệ giải ngân đầu tư công thường thấp ở thời điểm những tháng đầu năm.

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với tầm quan trọng của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, nếu giá thép và giá các loại vật tư, vật liệu xây dựng khác tăng cao, có loại tăng đột biến, đồng thời dịch Covid-19 diễn biến phức tạp sẽ gây ngừng trệ sản xuất và thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Nếu Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương không có chính sách và giải pháp kịp thời, phù hợp thì khó thực hiện được mục tiêu tăng trưởng kinh tế đã được Quốc hội đặt ra.

Liên quan đến việc giá thép tăng chóng mặt, ông Ngô Trí Long cho rằng, dù việc tăng giá thép có nguyên nhân khách quan từ thế giới nhưng Việt Nam tăng như vậy là khá cao. Còn quá sớm để nói rằng không có sự “bắt tay” của một số doanh nghiệp ngành thép nhằm đẩy giá lên cao. Hơn nữa, có thể có hiện tượng “té nước theo mưa”, khi các doanh nghiệp đua nhau tăng giá, hoặc có không ít nhà thầu phản ánh về việc gặp khó khi nhà cung cấp “găm hàng” chờ đẩy giá.

Do đó, ông Ngô Trí Long đề nghị: “Cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là quản lý thị trường, chống gian lận thương mại, bảo vệ pháp luật cần có sự vào cuộc mạnh mẽ hơn, kiểm tra, thanh tra, để có minh chứng cụ thể, khách quan hơn về thị trường. Nếu phát hiện có sự thao túng, liên kết cùng nâng giá, cần có biện pháp xử lý bảo đảm thị trường phát triển lành mạnh, công bằng”./.

Tránh phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu

Trả lời báo chí mới đây, ông Đặng Công Khôi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, ngoài các nguyên nhân mang tính chất thời điểm, đột biến, mất cân đối về cung - cầu là nguyên nhân chính dẫn đến việc giá thép biến động bất thường nêu trên, một nguyên nhân khác ảnh hưởng đến cung cầu thép thành phẩm liên quan đến công nghệ xây dựng.

Theo chuyên gia xây dựng, một trong những nguyên nhân khiến lượng thép thiếu hụt là do việc xây dựng tăng nhanh trong những năm gần đây, trong khi đó phương thức xây dựng truyền thống sử dụng nhiều thép sẽ khiến nguồn cung thép trong nước ngày càng quá tải. Ví dụ với công trình xây dựng trên 10 tầng thì dùng bê tông cốt thép sẽ nặng hơn 1,2 -1,5 lần so với phương pháp sử dụng kết cấu thép), trong đó chủ yếu sử dụng thép thanh. Loại thép này dù trong nước đã sản xuất được nhưng số lượng còn hạn chế và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu, dẫn đến phụ thuộc nhiều vào thép nhập khẩu trong khi sản lượng nhập khẩu giảm, dễ mất cân bằng cung cầu thép xây dựng trong nước../.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam