Phân bổ chi thường xuyên năm 2022, tăng tính chủ động cho các đơn vị

10:23 | 06/06/2021 Print
Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên năm 2022, nhằm tăng quyền hạn, trách nhiệm, tính chủ động của các bộ, địa phương trong quản lý ngân sách.

tiền

Định mức phân bổ được xác định theo số biên chế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác xây dựng dự toán. Ảnh: TL.

Khuyến khích địa phương tiết kiệm chi để tăng chi đầu tư

Theo Bộ Tài chính, quan điểm của nghị quyết này nhằm đảm bảo phù hợp với quy định của Luật Ngân sách nhà nước (NSNN) và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan (Luật Đầu tư, Luật chuyên ngành); đảm bảo các mục tiêu quan trọng về ngân sách nhà nước theo Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; đồng thời, tập trung khắc phục những vướng mắc và kế thừa những mặt tích cực của nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2017, đảm bảo khả thi trong tổ chức thực hiện.

Việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 phải phù hợp khả năng cân đối ngân sách và yêu cầu thực hiện cơ cấu lại chi NSNN; tăng quyền hạn và trách nhiệm, tính chủ động của các bộ, ngành, địa phương trong quản lý ngân sách nhà nước.

Ngoài ra, việc thực hiện các nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên NSNN năm 2022 phải khuyến khích địa phương tiết kiệm chi thường xuyên để tăng chi đầu tư, chủ động bố trí dự toán nhiệm vụ chi để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; nhiệm vụ sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đổi mới khu vực sự nghiệp công theo yêu cầu Nghị quyết số 18, 19, 27-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương khóa XII.

Việc ban hành nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ chi thường xuyên NSNN năm 2022 cùng với nguyên tắc, tiêu chí và định mức chi đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2025 là cơ sở Chính phủ trình Quốc hội dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách trung ương (NSTW) năm 2022. Trong đó việc xác định dự toán chi thường xuyên của các bộ, cơ quan trung ương; xác định tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa NSTW và ngân sách địa phương (NSĐP) và số bổ sung cân đối từ NSTW cho NSĐP (nếu có).

Căn cứ nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và quyết định của Thủ tướng Chính phủ, tình hình thực tế của địa phương, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên của NSĐP năm 2022 trình HĐND quyết định, làm cơ sở cho việc xây dựng dự toán chi NSĐP, đảm bảo đúng quy định của Luật NSNN.

Các bộ, ngành phân bổ theo số biên chế được giao

Về nội dung chủ yếu định mức phân bổ chi thường xuyên của NSNN năm 2022, tại dự thảo nghị quyết đã quy định cụ thể đối với các bộ, cơ quan trung ương và các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đối với các bộ, cơ quan trung ương, lĩnh vực chi quản lý nhà nước, đảng, đoàn thể, phần lớn ý kiến của các bộ, cơ quan trung ương đều đánh giá cao việc xây dựng hệ thống định mức phân bổ dựa trên tiêu chí biên chế được giao, tăng tính chủ động của các đơn vị trong việc điều hành hằng năm. Đồng thời, nhiều nhiệm vụ chi mang tính chất chung của tất cả các cơ quan được tính toán gắn với từng biên chế (như: tiêu chuẩn máy móc trang thiết bị, văn phòng phẩm, các chế độ khen thưởng, công tác phí,...).

Với những ưu điểm đó, hệ thống nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ năm 2022 tiếp tục kế thừa giai đoạn trước, được xác định căn cứ theo số biên chế được giao đối với mỗi cơ quan, có phân bậc theo quy mô biên chế, đảm bảo sự công bằng, minh bạch trong công tác xây dựng dự toán.

Về đối tượng áp dụng, cơ bản kế thừa quy định tại Nghị quyết 266/2016/UBTVQH14 và Quyết định 46/QĐ-TTg, như sau: Đối với khối các văn phòng, không áp dụng định mức phân bổ chi thường xuyên theo biên chế được giao; dự toán chi NSNN hằng năm được xác định trên cơ sở các tiêu chuẩn, chế độ chi tiêu và các nhiệm vụ đặc thù của các cơ quan này.

Đối với các cơ quan trung ương còn lại, tiếp tục xây dựng định mức phân bổ tính theo quy mô biên chế phân theo 2 nhóm cơ quan.

Riêng đối với các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù, năm 2021, phương án phân bổ NSTW được thông qua đã yêu cầu các đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù tiết kiệm chi tối thiểu 15% so với năm 2020.

Trên tinh thần yêu cầu các cơ quan, đơn vị có cơ chế tài chính đặc thù tiếp tục triệt để tiết kiệm như các bộ, cơ quan trung ương khác, Bộ Tài chính trình Chính phủ quy định như sau: “Đối với các cơ quan, đơn vị đang áp dụng cơ chế tài chính đặc thù theo quy định của cấp có thẩm quyền, mức bố trí dự toán chi thường xuyên năm 2022 căn cứ quy định về cơ chế tài chính, đánh giá tình hình thực hiện dự toán năm 2021 và yêu cầu tiết kiệm tối thiểu 10% chi thường xuyên (ngoài quỹ lương và các khoản chi cho con người)”.../.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam