Bài 1: Hàng hóa hay vàng - lựa chọn nào an toàn?

10:56 | 04/06/2021 Print
(TBTCVN) - Trong cơ chế thị trường, đồng tiền để yên là đồng tiền chết, đồng tiền đưa vào đầu tư (để sinh lời) là đồng tiền sống. Nhưng nếu chọn sai kênh đầu tư (để bị lỗ lớn), thì còn “chết” hơn là để yên. Do vậy, chọn kênh đầu tư luôn luôn là câu hỏi của nhiều người mong muốn có lời giải đáp.

12

Thời gian qua, giá vàng trong nước liên tục chênh lệch với thế giới lên đến 5 đến 6 triệu đồng/lượng nên đầu tư vào vàng cũng dễ rủi ro.

Việc lựa chọn kênh đầu tư có một số điểm cần lưu ý. Nguyên tắc chung để lựa chọn là: Trong tự nhiên, nước chảy từ cao xuống thấp; trên thị trường, đồng tiền sẽ chuyển từ kênh có lãi suất thấp lên kênh có lãi suất cao. Ba căn cứ để lựa chọn là: lãi suất (chủ yếu là tốc độ tăng giá) trên các kênh đầu tư trong thời gian qua (bởi “quá khứ là kinh nghiệm”); lượng đoán các yếu tố tác động đến lãi suất trên các kênh trong thời gian tới; xử lý hai căn cứ trên bằng đầu tư.

Đầu tư vào hàng hóa, dịch vụ không dễ vì còn phụ thuộc “duyên”

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có 4 tác động. Tốc độ tăng/giảm giá hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng – là một chỉ tiêu kinh tế vĩ mô quan trọng có liên quan đến lạm phát, tiêu dùng cuối cùng cùng mức sống thực tế, đến tăng trưởng kinh tế, đến lãi suất huy động và cho vay,… Đây cũng là yếu tố hình thành lãi suất sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng, do đó cũng được coi là một kênh đầu tư quan trọng. Đồng thời, CPI cũng là thước đo lạm phát - sự tăng hay mất giá của đồng tiền; được dùng để đo lãi suất trên các kênh đầu tư khác có thực dương hay bị thực âm.

b12
Nguồn: Tổng cục Thống kê; (1) Thông tin thị trường (tính đến 28/5); (2) Ngân hàng

Lạm phát của Việt Nam từ năm 2016 đến 2020 được coi là thành công, vì được kiểm soát theo mục tiêu (CPI bình quân năm 2016 là 2,66%, 2017 là 3,53%, 2018 là 3,54%, 2019 là 2,79%, 2020 là 3,23%). Trong 5 tháng 2021, tính sau 5 tháng tăng 1,43%, bình quân 5 tháng tăng 1,29%. Đó là tốc độ tăng thấp so với cùng kỳ nhiều năm trước và so với mục tiêu đề ra cho cả năm.

Tuy tăng thấp, nhưng chưa thể chủ quan, thỏa mãn, vì có một số yếu tố làm cho lạm phát trong những tháng tới và cả năm vẫn có thể tăng cao. Những yếu tố này có từ nước ngoài, khi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng trong hơn 1 năm qua (với lượng tiền đưa ra lưu thông khoảng 20 nghìn tỷ USD, bằng gần 1/4 tổng GDP toàn cầu, với mức lãi suất cơ bản ở mức gần như bằng 0,…), làm cho giá cả thế giới tăng cao, gây ra nhập khẩu lạm phát của Việt Nam.

Các yếu tố lạm phát trên thế giới sẽ cộng hưởng với các yếu tố lạm phát từ trong nước, trong đó có sự chuyển động của dòng tiền, khi lãi suất huy động thấp từ nửa cuối năm trước, khi giá bất động sản, giá chứng khoán quá nóng có thể vượt đỉnh sẽ làm cho dòng tiền từ 2 thị trường này chuyển sang thị trường chứng khoán, dịch vụ, tạo sức ép đến CPI.

Tuy vậy, đầu tư vào hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng không dễ, vì rất rộng với quá nhiều mặt hàng thường có sự tăng/giảm giá trái chiều, vì giá thuê địa điểm bán hàng vẫn ở mức rất cao, vì sản xuất, kinh doanh còn phụ thuộc vào nhiều thứ, nhất là “cái duyên” bán hàng,… Do vậy, đầu tư vào kênh này còn phải tính đến rất nhiều thứ, không dễ có được lãi suất cao.

Vàng – “Hầm trú ẩn” liệu có an toàn?

Vàng có 3 đặc tính. Đây là một loại hàng hóa đặc biệt, nhất là khi không được thay đồng tiền trong việc mua/bán hàng hóa, tài sản. Có người nói vàng không sinh lời là không chuẩn, khi có hàng nghìn công ty, cửa hàng kinh doanh mua/bán vàng trên cả nước, khi có lãi/lỗ thông qua việc mua/bán bằng đồng tiền trên thị trường? Hơn nữa, vàng ở Việt Nam phụ thuộc phần lớn vào thế giới cả về lượng và giá phần lớn, còn một phần do nhu cầu ở trong nước, khi lượng vàng ở trong dân doanh ước tính hiện có khoảng 500 tấn. Nhu cầu vàng đã có từ khá lâu, nay lại càng cao, khi giá trong nước chênh với giá thế giới lên đến 5 - 6 triệu đồng/lượng.

Mặt khác, vàng cũng là loại tài sản có tính thanh khoản cao so với nhiều kênh khác. Biến động thực tế ở Việt Nam có tính chu kỳ (cỡ 10 năm 1 lần đạt “đỉnh”: 1991 - 1992 với “đỉnh” khoảng 200 nghìn đồng/chỉ; 2021 - 2002 với “đỉnh” khoảng 500 nghìn đồng/chỉ; 2010 - 2011 với “đỉnh” khoảng 4,9 triệu đồng/chỉ; 2020 với đỉnh 6,2 triệu đồng/chỉ). Đồng thời, đây cũng là “hầm trú ẩn an toàn” khi thế giới có sự biến động lớn, trong đó chủ yếu do lạm phát cao, USD giảm giá,…

Trong 5 tháng đầu năm 2021, giá vàng bình quân ở trong nước tăng khá cao so với cùng kỳ (19,24%), trong đó tháng 5 so với tháng 4 tăng 1,68%, khi giá vàng thế giới cuối tháng 5 vượt qua mốc 1.908 USD/ounce, ở trong nước vượt qua mốc 57,4 triệu đồng/lượng. Giá vàng đang được dự báo sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới với nhiều yếu tố tác động.

Trên thế giới, giá USD giảm (USD-Index xuống dưới 90 điểm), khi lạm phát ở Mỹ tháng 4 cao gấp gần 2 lần định hướng, khi FED vẫn duy trì nới lỏng tiền tệ; khi kế hoạch ngân sách Mỹ năm 2022 trị giá hơn 6.000 tỷ USD cùng với dự kiến kế hoạch cơ sở hạ tầng trị giá 1.700 tỷ USD; khi giá các đồng tiền kỹ thuật số giảm sâu,…

Ở trong nước, giá vàng không chỉ tăng theo giá thế giới, hơn nữa hiện vẫn còn cao hơn giá thế giới (khoảng trên 3,5 triệu đồng/lượng), mà còn do tác động của các yếu tố khác. Lãi suất gửi tiết kiệm bị giảm, ở mức thấp, chuyển từ thực dương sang thực âm; mới đây tăng dần trở lại nhưng sức hấp dẫn còn thấp. Sự chuyển động của dòng tiền từ các kênh khác sang kênh vàng. Thị trường bất động sản rất “nóng”, có dấu hiệu bong bóng, chỉ số chứng khoán tăng mạnh, đã đạt “đỉnh” cao kỷ lục nhưng có ngày tăng xen kẽ có ngày giảm; giá tiền ảo lao dốc.

Tuy nhiên, giá vàng khó vượt quá đỉnh cũ (thế giới là 2087 USD/ounce, trong nước là 62,5 triệu đồng/lượng). Nói như thế cho thấy, giá vàng sẽ tăng, nhưng sẽ không lớn như một số dự báo trên thế giới hiện nay (như 3.000 - 5.000 USD/ounce trên thế giới và 70 - 100 triệu đồng/lượng ở trong nước).


Phương Dung

Phương Dung

© Thời báo Tài chính Việt Nam