Dự kiến mức chi hoạt động trợ giúp xã hội

16:36 | 02/06/2021 Print
Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Trong đó, dự thảo đã quy định rõ nội dung và mức chi cho hoạt động này.

bảo trợ xã hội

Tổ chức, cá nhân sử dụng và quản lý vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội là đối tượng của thông tư này. Ảnh: TL.

Đối tượng áp dụng thông tư này là các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân sử dụng và quản lý vốn sự nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước để thực hiện chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

Thông tư này không áp dụng đối với các nguồn kinh phí sau: nguồn hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước và nguồn vốn đầu tư phát triển.

Dự thảo thông tư cũng quy định cụ thể nguồn kinh phí để thực hiện, gồm: kinh phí thực hiện chi trả trợ cấp xã hội hàng tháng đối với đối tượng bảo trợ xã hội thuộc diện hưởng trợ cấp hàng tháng, kinh phí hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng tại cộng đồng...; kinh phí thực hiện chăm sóc, nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ tại cơ sở trợ giúp xã hội ngoài công lập được bố trí trong dự toán chi bảo đảm xã hội của cơ quan lao động – thương binh và xã hội; kinh phí từ ngân sách trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương.

Dự thảo thông tư cũng quy định rõ nội dung và mức chi. Theo đó, thực hiện chi cho: công tác tuyên truyền; chi văn phòng phẩm, in ấn hoặc mua mẫu hồ sơ, sổ sách, tài liệu phục vụ cho công tác quản lý; chi xét duyệt đối tượng; chi đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng cao năng lực cán bộ...

Đối với chi cho tuyên truyền, theo dự thảo thông tư, chi hỗ trợ biên tập các nội dung truyền thông tại cộng đồng có mức: 100.000 đồng/tin, bài từ 350 từ đến dưới 600 từ; 120.000 đồng/bài từ 600 từ trở lên. Mức chi trả nhuận bút cho tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả; thù lao cho người tham gia thực hiện các công việc liên quan đến tác phẩm báo chí, xuất bản phẩm... theo Nghị định số 18/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Việc lập dự toán ngân sách 5 năm, kế hoạch tài chính – ngân sách nhà nước 3 năm và hàng năm, phân bổ, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí sự nghiệp triển khai thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thực hiện theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn luật.

Hàng năm, cùng với thời điểm lập dự toán ngân sách nhà nước, các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện Nghị định số 20/2021/NĐ-CP lập dự toán kinh phí thực hiện, tổng hợp trong dự toán chi ngân sách nhà nước của cơ quan, đơn vị mình, trình các cấp có thẩm quyền theo quy định.

Quy trình lập dự toán, chấp hành dự toán và quyết toán kinh phí từ ngân sách nhà nước thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Kế toán và các văn bản hướng dẫn luật./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam