Thống nhất thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP miễn, giảm, hoàn thuế

18:32 | 01/06/2021 Print
(TBTCO)- Để tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp, Tổng cục Hải quan có văn bản (số 2687/TCHQ-TXNK ngày 1/6/2021) chỉ đạo các cục hải quan tỉnh, thành phố thống nhất trong thực hiện Nghị định 18/2021/NĐ-CP (Nghị định 18) về mien, giảm, hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

TCHQ

Tổng cục Hải quan cho biết, nội dung hướng dẫn của Nghị định 18 liên quan đến chính sách thuế, thủ tục miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Hiện nay, một số thủ tục miễn thuế, giảm thuế, hoàn thuế, không thu thuế cũng đang được quy định tại Thông tư 06/2021/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 8/3/2021) và Tổng cục Hải quan đã có công văn (số 969/TCHQ-TXNK ngày 1/3/2021) hướng dẫn thực hiện.

Để thực hiện thống nhất những quy định mới của Nghị định 18/2021/NĐ-CP, Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện như sau:

Chính sách thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu

Thứ nhất, đối với thuế gia công lại trong nội địa.

Theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan, người nộp thuế có hợp đồng gia công theo quy định tại Nghị định 69/2018/NĐ-CP được giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhập khẩu hoặc bán thành phẩm được gia công từ hàng hóa nhập khẩu để thuê tổ chức, cá nhân khác trong nội địa gia công lại một hoặc một số công đoạn, hoặc toàn bộ các công đoạn thì được miễn thuế nhập khẩu đối với hàng hóa nhập khẩu giao gia công lại nếu đáp ứng quy định về cơ sở xác định hàng hóa được miễn thuế (tại khoản 2 Điều 10 Nghị định 134/2016/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP).

Trường hợp sản phẩm gia công xuất khẩu được sản xuất từ nguyên liệu, vật tư trong nước có thuế xuất khẩu thì khi xuất khẩu phải nộp thuế đối với phần trị giá nguyên liệu, vật tư trong nước cấu thành trong sản phẩm xuất khẩu theo mức thuế suất của nguyên liệu, vật tư.

Về thủ tục hải quan, Tổng cục Hải quan hướng dẫn, trường hợp bên thuê gia công lại và bên nhận gia công lại đều là doanh nghiệp (DN) nội địa (không phải DN chế xuất, DN trong khu phi thuế quan) khi giao nguyên liệu, vật tư, máy móc, thiết bị đi gia công lại và khi nhận lại sản phẩm, bán thành phẩm gia công các DN không phải thực hiện thủ tục hải quan nhưng phải lưu giữ các chứng từ liên quan đến việc giao nhận nguyên liệu, vật tư, sản phẩm, máy móc, thiết bị theo quy định của Bộ Tài chính về chế độ kế toán.

Thứ hai, đối với thuế gia công lại trong khu phi thuế quan hoặc nước ngoài.

Tổng cục Hải quan nêu rõ, trường hợp người nộp thuế giao một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhập khẩu hoặc bán thành phẩm được gia công từ hàng hóa nhập khẩu để thuê tổ chức, cá nhân khác tại khu phi thuế quan hoặc nước ngoài gia công lại thì hàng hóa nhập khẩu, bán thành phẩm giao gia công lại được miễn thuế xuất khẩu (theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều 10 được nêu tại khoản 4 Điều 1 Nghị định 18/2021/NĐ-CP).

Sản phẩm thuê gia công lại ở nước ngoài nhập khẩu trở lại Việt Nam phải nộp thuế nhập khẩu (theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị định 134/2016/NĐ-CP). Sản phẩm thuê gia công lại tại khu phi thuế quan nhập khẩu vào nội địa Việt Nam phải nộp thuế nhập khẩu (theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định 134/2016/NĐ-CP).

Về thủ tục hải quan đối với trường hợp DN nội địa thuê DN chế xuất gia công (bao gồm cả gia công lại), Tổng cục Hải quan hướng dẫn thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 76 Thông tư 38/2015/TT-BTC được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC.

Chính sách đối với sản phẩm gia công xuất khẩu tại chỗ

Tổng cục Hải quan hướng dẫn, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông quan sản phẩm xuất khẩu tại chỗ, người xuất khẩu tại chỗ phải thông báo cho cơ quan hải quan thông tin về tờ khai hải quan của sản phẩm nhập khẩu tại chỗ tương ứng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu (theo mẫu số 22 Phụ lục VII ban hành kèm theo Nghị định 18/2021/NĐ-CP) qua đường bưu chính hoặc nộp trực tiếp tại chi cục hải quan nơi làm thủ tục hải quan hoặc Scance đính kèm chứng từ điện tử trên Hệ thống V5 (sau khi Hệ thống V5 nâng cấp chức năng này).

Trường hợp quá 15 ngày, người xuất khẩu tại chỗ không thông báo thông tin tờ khai hải quan của sản phẩm nhập khẩu tại chỗ tương ứng đã hoàn thành thủ tục nhập khẩu cho cơ quan hải quan thì người xuất khẩu tại chỗ phải đăng ký tờ khai hải quan mới (mã loại hình A42) để kê khai, nộp thuế đối với nguyên liệu, vật tư nhập khẩu đã sử dụng để sản xuất sản phẩm xuất khẩu tại chỗ theo mức thuế suất và trị giá tính thuế của nguyên liệu, vật tư nhập khẩu tại thời điểm đăng ký tờ khai hải quan mới...

Người xuất khẩu tại chỗ được xử lý số tiền thuế nộp thừa theo quy định tại Điều 60 Luật Quản lý thuế 38/2019/QH14, Điều 10 Thông tư 06/2021/TT-BTC.

Trường hợp DN không kê khai, nộp thuế thì cơ quan hải quan căn cứ hồ sơ của vụ việc cụ thể để thực hiện ấn định thuế (theo quy định tại Điều 17 Nghị định 126/2020/NĐ-CP).../.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam