Tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh có tăng trong giai đoạn tới?

11:15 | 01/06/2021 Print
Bộ Tài chính cho biết đang khẩn trương phối hợp với các cơ quan liên quan tính toán, xác định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia cho TP. Hồ Chí Minh ở mức độ hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối ngân sách và đảm bảo sự hài hòa giữa các vùng miền.

tiền

Giai đoạn 2017-2021, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia TP. Hồ Chí Minh được hưởng là 18%. Ảnh: TL.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh ngày 13/5/2021, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến kết luận: Cơ bản đồng ý với đề xuất của thành phố về chủ trương báo cáo các cấp có thẩm quyền tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2022 - 2025, tạo điều kiện cho thành phố có nguồn lực phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Đảng, Nhà nước.

Giao Bộ Tài chính khẩn trương chủ trì, phối hợp với thành phố và các cơ quan liên quan đề xuất điều chỉnh tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách theo hướng khoa học, hợp lý, hài hòa và công bằng trong tổng thể, gắn với việc thành phố cần tăng cường tự chủ kinh phí thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội trên địa bàn; có trách nhiệm sử dụng nguồn thu được để lại tăng thêm để tập trung cho đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa, kết nối liên vùng; báo cáo Chính phủ để trình Quốc hội xem xét, quyết định cùng với dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022.

Trên thực tế, trong giai đoạn 2017 - 2021, tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia TP. Hồ Chí Minh được hưởng là 18%, được xác định trên cơ sở: dự toán thu NSNN được xây dựng căn cứ vào pháp luật thuế, phí, lệ phí và tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 của thành phố; dự toán chi ngân sách của thành phố được xây dựng căn cứ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ theo các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (chi đầu tư theo Nghị quyết số 1023/NQ-UBTVQH13 ngày 28/8/2015, chi thường xuyên theo Nghị quyết số 266/2016/ UVTVQH14 ngày 04/10/2016).

Đối với năm 2022, việc xác định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia cho thành phố, bên cạnh cơ sở tính toán dự toán thu, chi ngân sách như nêu trên, còn phải đảm bảo nguyên tắc vừa khuyến khích phát triển các vùng kinh tế trọng điểm, vừa hỗ trợ các địa phương còn khó khăn để khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền không quá lớn, đảm bảo công bằng và an sinh xã hội.

Thực hiện ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ, hiện nay Bộ Tài chính đang khẩn trương phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, UBND TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan có liên quan tính toán, xác định tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia cho thành phố ở mức độ hợp lý, phù hợp với khả năng cân đối NSNN và đảm bảo sự phát triển hài hòa giữa các vùng miền trong cả nước.

Đặc biệt là trong bối cảnh cân đối NSNN năm 2021 và các năm tiếp theo của giai đoạn 2022 - 2025 còn rất nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19 và các yếu tố bất thường khác (bão lũ, thiên tai, biến đổi khí hậu,...), do đó cần xin ý kiến các cơ quan liên quan để trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét trình cấp có thẩm quyền./.

Kim Cúc

Kim Cúc

© Thời báo Tài chính Việt Nam