Đầu tư cho chương trình giáo dục phổ thông dựa trên cân đối ngân sách

11:09 | 31/05/2021 Print
Mới đây, cử tri tỉnh Hậu Giang đề nghị phân bổ nguồn kinh phí thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông đến năm 2025 cho tỉnh. Bộ Tài chính cho biết, địa phương cần rà soát nhu cầu mua sắm thiết bị, các dự án đầu tư trên địa bàn theo khả năng cân đối của ngân sách.

trường học

Các tỉnh phải rà soát, xác định danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng theo đúng quy định để thực hiện. Ảnh: TL.

Cử tri tỉnh Hậu Giang cho biết, tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông của tỉnh giai đoạn 2020 - 2021 đến năm 2024 - 2025 khoảng hơn 1.923 tỷ đồng. Cử tri tỉnh này kiến nghị Bộ Tài chính kịp thời phân bổ nguồn kinh phí trên cho tỉnh triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 - 2025.

Bộ Tài chính cho biết, ngày 29/10/2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1436/QĐ-TTg phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Theo đó đã quy định về nguồn vốn thực hiện giai đoạn 2021 - 2025: Căn cứ quy mô cần đầu tư xây dựng theo mục tiêu của giai đoạn 2021 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương rà soát, cân đối, lựa chọn các mục tiêu ưu tiên đầu tư theo lộ trình đổi mới giáo dục mầm non và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông phù hợp với khả năng cân đối ngân sách nhà nước, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo xây dựng kế hoạch tổng thể và kế hoạch hàng năm; chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện đề án; hướng dẫn chi tiết cơ cấu các nguồn vốn để triển khai thực hiện đề án đến từng cấp học. Đồng thời, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì rà soát, thống kê, xác định nhu cầu đầu tư, mua sắm thiết bị của từng địa phương; tổng hợp và xác định số lượng phòng học cần kiên cố hóa, danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng, mua sắm thiết bị theo từng giai đoạn.

Ngoài ra, Luật Đầu tư công quy định phân loại dự án đầu tư công như sau: Dự án có cấu phần xây dựng là dự án đầu tư xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng dự án đã đầu tư xây dựng, bao gồm cả phần mua tài sản, mua trang thiết bị của dự án; dự án không có cấu phần xây dựng là dự án mua tài sản, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, mua, sửa chữa, nâng cấp trang thiết bị, máy móc và dự án khác không quy định tại điểm a khoản này.

Tại Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2021 quy định: tiếp tục sử dụng nguồn thu từ hoạt động xổ số kiến thiết ưu tiên cho các mục tiêu đầu tư phát triển theo quy định tại Nghị quyết số 86/2019/QH14 của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2020 và bổ sung thêm đầu tư mua sắm thiết bị dạy học phục vụ đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Trên cơ sở đó, Bộ Tài chính đề nghị UBND tỉnh Hậu Giang phối hợp với Giáo dục và Đào tạo để rà soát, xác định danh mục công trình cần được đầu tư xây dựng, nhu cầu mua sắm thiết bị của chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn theo khả năng cân đối của ngân sách nhà nước, theo đúng quy định tại Quyết định số 1436/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Nghị quyết số 128/2020/QH14 của Quốc hội, Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam