Bộ Tài chính tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19

16:49 | 30/05/2021 Print
(TBTCVN) - Để tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã tiếp tục đề xuất giảm 29 khoản phí, lệ phí đến hết năm nay. Điều đó thể hiện quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp vượt “bão” Covid-19.

Nhờ sự tiếp sức kịp thời từ Chính phủ, doanh nghiệp đã tự tin để vượt “bão Covid-19”.

Nhờ sự tiếp sức kịp thời từ Chính phủ, doanh nghiệp đã tự tin để vượt “bão Covid-19”.

Giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí

Tiếp tục hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bộ Tài chính đã có công văn xin ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan kéo dài thời gian giảm phí, lệ phí quy định tại Thông tư số 112/2020/TT-BTC đến hết ngày 31/12/2021.

Vào đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện và tác động tiêu cực đến nhiều mặt của đời sống kinh tế - xã hội của nước ta, Bộ Tài chính đã chủ động, tích cực, chủ trì phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ rà soát để ban hành 21 thông tư điều chỉnh giảm 29 khoản phí, lệ phí. Trong đó, có nhiều mức phí, lệ phí giảm cao như: giảm 70% các mức thu lệ phí đăng ký doanh nghiệp; giảm 67% mức thu phí công bố thông tin doanh nghiệp; giảm từ 50 - 70% mức thu phí thẩm định cấp sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động bưu chính; giảm 50% mức thu phí cấp giấy phép hoạt động của tổ chức tín dụng, phí thẩm định dự án đầu tư xây dựng và 20/22 khoản phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán... Các thông tư giảm phí, lệ phí có hiệu lực thi hành đến hết năm 2020.

Tuy nhiên, trước tình hình vẫn tiếp tục khó khăn, Bộ Tài chính lại đề xuất và được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, đã phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan xây dựng và ban hành thông tư quy định kéo dài thời gian giảm các khoản phí, lệ phí này đến hết ngày 30/6/2021.

Tiếp tục hoàn thiện thể chế

Cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính. Trong đó, đặc biệt cải cách các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp..., góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Như vậy, trước bối cảnh ngày một khó khăn như hiện nay, Bộ Tài chính lần thứ ba đề xuất, xin ý kiến các bộ, cơ quan có liên quan kéo dài thời gian giảm 29 khoản phí, lệ phí đến hết năm 2021. Ước tính, số giảm thu từ phí, lệ phí này trong cả năm 2021 là khoảng 2.000 tỷ đồng.

Trên thực tế, hiện nay có rất nhiều khoản thuế đang được gia hạn, giảm để hỗ trợ các doanh nghiệp. Ví dụ như: Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay trong năm 2021 hỗ trợ ngành hàng không, với số tiền ước tính giảm khoảng 900 tỷ đồng. Hay như việc cho phép được tính vào chi phí được trừ của doanh nghiệp, tổ chức các khoản chi ủng hộ, tài trợ cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19 khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp áp dụng cho năm 2020 và 2021, ước tính số tiền thuế doanh nghiệp được giảm nghĩa vụ khoảng 170 tỷ đồng/năm. Mới đây nhất, Bộ Tài chính đã trình và Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2021/NĐ-CP về tiếp tục gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất trong năm 2021 cho các đối tượng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19; ước tính số tiền thuế, tiền thuê đất được gia hạn khoảng 115.000 tỷ đồng.

Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp

Trên thực tế, không chỉ đến thời điểm khó khăn của 2 năm gần đây, Chính phủ, Bộ Tài chính mới quan tâm gỡ khó cho doanh nghiệp liên quan đến thực hiện các chính sách thuế, mà các chính sách thuế đã được giảm nhanh và sâu ở Việt Nam. Nếu như thời điểm trước ngày 1/1/2014, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp quy định thuế suất áp dụng chung là 25%, thì từ ngày 1/1/2014 đã áp dụng thuế suất phổ thông là 22% và từ ngày 1/1/2016 là 20%. Riêng doanh nghiệp có quy mô nhỏ (tổng doanh thu năm trước liền kề không quá 20 tỷ đồng), được áp dụng thuế suất 20% từ ngày 1/7/2013, sớm hơn so với lộ trình nêu trên. Như vậy, chỉ tính riêng về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp đã được điều chỉnh giảm dần từ 32% xuống 28%, 25%, 22% và nay là 20% với doanh nghiệp lớn và 17% với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa chi phí tính thuế và chi phí thực tế ngày càng thu hẹp.

Chỉ tính riêng trong năm 2020, để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra, Bộ Tài chính đã đề xuất và triển khai thực hiện kịp thời các giải pháp miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách nhà nước. Ước tính, năm 2020 đã gia hạn cho khoảng 185 nghìn lượt người nộp thuế; miễn, giảm thuế, phí, lệ phí cho khoảng trên 6 triệu người nộp thuế, với tổng kinh phí được miễn, giảm, gia hạn khoảng 130 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Tài chính, thời gian sắp tới, để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn và thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, Bộ Tài chính đang tiếp tục theo dõi sát tình hình thực tế để nghiên cứu việc xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ tiếp theo.

Với quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp, cùng với việc xây dựng, triển khai các giải pháp về chính sách nêu trên, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính và đẩy mạnh hiện đại hoá toàn diện các lĩnh vực của ngành Tài chính. Trong đó, đặc biệt cải cách các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp... góp phần kiến tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, tạo điều kiện để doanh nghiệp hoạt động ổn định và phát triển.

Sự thấu hiểu, sẻ chia với cơ quan giữ “tay hòm chìa khóa”

Dường như không chỉ “người trong cuộc” mới thấu hiểu những khó khăn trăm bề trong điều hành ngân sách của Bộ Tài chính thời điểm như hiện nay, nên Bộ Tài chính nhận được sự động viên, ủng hộ, chia sẻ từ các chuyên gia kinh tế, nhà quản lý, các doanh nghiệp.

Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI, có thể được coi là “người trong cuộc”, khi thấu hiểu “sức khỏe” của doanh nghiệp hơn ai hết. Ông cho rằng, việc giảm các loại phí, lệ phí trong thời gian qua đã có tác động khá tích cực đến hoạt động của nghiệp. Đặc biệt, việc giảm mạnh các phí liên quan thành lập, công bố thông tin doanh nghiệp, thẩm định sửa đổi, bổ sung giấy phép hoạt động… đã hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh khó khăn.

Với chức năng là cơ quan giám sát tài chính - ngân sách, ông Nguyễn Hữu Quang – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nhận định, trong bối cảnh thu ngân sách gặp rất nhiều khó khăn, đồng thời phải thực hiện nhiều nhiệm vụ chi cho an sinh xã hội và cấp bách phát sinh, thì việc giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí “là cố gắng rất lớn của Chính phủ, Bộ Tài chính”.

Ai cũng biết rằng, một mức thuế suất hợp lý sẽ giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để mở rộng sản xuất kinh doanh, giảm bớt phụ thuộc vào vốn vay ngân hàng, tiết kiệm được chi phí, từ đó giảm giá thành, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút vốn đầu tư, quay trở lại có đóng góp cho nền kinh tế và cho ngân sách. Nhưng đó là trong điều kiện bình thường, còn ở thời điểm đặc biệt, lại cần những chính sách đặc biệt.

Trong thẩm quyền của mình, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành rà soát và quyết định giảm nhiều khoản phí, lệ phí với mức giảm “sốc”, có khoản lên đến 70%. Cũng có ý kiến đề nghị nên giảm mạnh hơn nữa các khoản thuế, phí, tuy nhiên, ở vị trí giữ “tay hòm chìa khóa” vẫn cần phải giải cho được bài toán cân đối ngân sách, để có nguồn thực hiện cho các nhiệm vụ chi theo dự toán, chi cho an ninh quốc phòng, chi cho con người và các khoản chi cấp bách phát sinh. Do đó, giải pháp giãn, hoãn nhiều khoản thuế được cho là phù hợp nhất.

Về lâu dài, cùng với sự hỗ trợ “đúng, trúng và đủ” của Nhà nước, thì các doanh nghiệp cũng cần chuyển dịch mô hình kinh doanh và chi phí để tăng sức bền, thích nghi với “trạng thái bình thường mới”.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam