Còn gần 12% kế hoạch vốn đầu tư công chưa được phân bổ

23:04 | 29/05/2021 Print
Theo báo cáo từ Bộ Tài chính, hiện vẫn còn trên 54.836 tỷ đồng vốn đầu tư công thuộc kế hoạch vốn năm 2021 chưa được các bộ, ngành, địa phương triển khai phân bổ, chiếm 11,89% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.

Phân bổ vốn đầu tư

Việc chậm phân bổ vốn đầu tư sẽ gây ảnh hưởng đến việc giải ngân nguồn vốn này. Ảnh minh họa: H.T

Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, tổng số vốn đầu tư đã được phân bổ là 406.463,67 tỷ đồng, đạt 88,11% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ đã giao (461.300 tỷ đồng). Nếu tính cả số kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương mà các địa phương đã giao tăng so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao là trên 49.078 tỷ đồng thì số vốn đã được phân bổ là 455.541,97 tỷ đồng, đạt 98,75% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ đã giao.

Trong đó, vốn ngân sách trung ương là 169.626,7 tỷ đồng, đạt 82,34% kế hoạch vốn Thủ tướng Chính phủ giao. Vốn cân đối ngân sách địa phương là 285.915,265 tỷ đồng, đạt 111,99% kế hoạch vốn Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ giao (255.300 tỷ đồng).

Đáng chú ý, cho đến thời điểm này, đối với nguồn vốn ngân sách trung ương vẫn còn 34 bộ và 37 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn được giao. Một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ kế hoạch vốn chưa triển khai phân bổ khá cao như: Bộ Thông tin và Truyền thông (94,77%), Ban quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc (88%), Ban quản lý Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam (85,21%), Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh (82,16%), Bộ Khoa học và Công nghệ (77,11%), Bộ Y tế (75,91%), Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (74,47%), tỉnh Phú Thọ (84,3%), tỉnh Hưng Yên (56,35%), Bắc Ninh (53,06%).

Nguyên nhân được chỉ ra là do các bộ, cơ quan trung ương và địa phương mới giao kế hoạch vốn đợt 1, số vốn còn lại chưa phân bổ cho các dự án chưa đủ điều kiện bố trí vốn kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 21/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ do các dự án khởi công mới chưa có trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025; các dự án quá thời gian thực hiện với quy định (đang trình Thủ tướng Chính phủ xử lý); các dự án, nhiệm vụ quy hoạch chưa đủ thủ tục; các dự án ODA chưa ký hiệp định hoặc đang điều chỉnh hiệp định.

Đối với nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương, hiện có 43 địa phương giao kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương tăng so với Thủ tướng Chính phủ giao từ nguồn thu sử dụng đất, nguồn tăng thu, nguồn xổ số kiến thiết của địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn 15 địa phương chưa phân bổ hết kế hoạch vốn cân đối ngân sách địa phương, trong đó, một số địa phương có tỷ lệ vốn chưa phân bổ khá cao như: An Giang (43,33%), Cần Thơ (40,55%).

Đối với các dự án sử dụng vốn nước ngoài, nhiều bộ, địa phương chưa bố trí đủ, kịp thời vốn đối ứng theo cam kết, ảnh hưởng lớn đến thực hiện và giải ngân vốn nước ngoài.

Nhiều dự án ODA vay Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Quỹ Phát triển nông nghiệp quốc tế (IFAD) được giao kế hoạch vốn nhưng chưa hoàn thành thủ tục gia hạn Hiệp định vay do thủ tục phức tạp, đòi hỏi phải điều chỉnh chủ trương đầu tư và báo cáo Chủ tịch nước, trong khi pháp luật hiện hành không quy định về thời gian xử lý hồ sơ của Chủ tịch nước.

Để đẩy nhanh tiến độ phân bổ vốn đầu tư công, giúp cho công tác giải ngân nguồn vốn được nhanh chóng, mang lại hiệu quả cao cho xã hội, Bộ Tài chính tiếp tục kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương khẩn trương hoàn thiện việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2021 và thực hiện nhập kế hoạch vốn trên hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (Tabmis).

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam