TP.Hồ Chí Minh: Gỡ vướng trong thanh toán tạm ứng vốn đầu tư công

14:18 | 28/05/2021 Print
Số dư tiền tạm ứng vốn đầu tư công do KBNN TP.Hồ Chí Minh quản lý là 11.231 tỷ đồng, trong đó quá hạn trên 3 nghìn tỷ đồng, chiếm 27%. Nếu so với kế hoạch vốn đầu tư công 36 nghìn tỷ đồng trong năm nay, số dư tạm ứng là khá cao, do vậy cần sớm giải tỏa ách tắc này.

anh moi

KBNN TP làm việc với các ban, ngành liên quan để giải tỏa ách tắc vốn đầu tư công năm 2021. Ảnh: Gia Cư

Vướng nhất vẫn là khâu đền bù, giải phóng mặt bằng

Theo quy định hiện hành, trong vòng 1 tháng trước khi bàn giao mặt bằng thi công các dự án đầu tư, ban bồi thường giải phóng mặt bằng phải hoàn thiện hồ sơ chi trả tiền bồi thường, tái định cư cho người dân có đất bị thu hồi, trong 3 tháng phải chuyển tiền vào tài khoản tạm giữ do chủ đầu tư quản lý và phải thực hiện thanh toán trong vòng 12 tháng tiếp theo.

Trong trường hợp người dân chưa chịu nhận tiền đền bù giải phóng mặt bằng sau 16 tháng nếu không giải ngân được số tiền đền bù khi không đạt được thỏa thuận thì chủ đầu tư có trách nhiệm phải làm thủ tục thu hồi chuyển trả số tiền tạm ứng trên vào ngân sách nhà nước.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải, Giám đốc Kho bạc Nhà nước (KBNN) TP.Hồ Chí Minh, thời gian qua sở dĩ có số dư tiền tạm ứng vốn đầu tư công cao và tỷ lệ quá hạn chiếm tới gần 30% chủ yếu vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng, đền bù tái định cư tại các dự án. Nhiều dự án thậm chí kéo dài từ năm này sang năm khác do không thỏa thuận được tiền đền bù tái định cư giữa các ban bồi thường giải phóng mặt bằng (BTGPMB) với người dân đã gây khó cho KBNN trong quản lý, kiểm soát nguồn chi vốn đầu tư công.

Phân tích, lý giải những nguyên nhân, ông Nguyễn Xuân Tùng, Trưởng phòng Kiểm soát chi vốn địa phương, KBNN Thành phố (TP) cho rằng, đa phần số tiền tạm ứng quá hạn là do người dân trong các dự án không chịu di dời, không đồng ý mức tiền bồi thường, dự án do tranh chấp, dự án do chỉ đạo cấp có thẩm quyền phải điều chỉnh nhiều lần hoặc phát sinh do thanh tra, kiểm toán, khiếu kiện… đã phát sinh, tồn tại khá nhiều rủi ro bất cập.

Về phía các ban BTGPMB, đa số cũng cho rằng quy định hiện hành được quy định trong Thông tư 08 và Thông tư 52/TT-BTC của Bộ Tài chính khống chế về thời gian thực hiện các bước bồi thường, giải phóng mặt bằng thu hồi đất tái định cư đối với các dự án đã nảy sinh một số bất cập, làm cho các ban BTGPMB lúng túng, bị động.

Chẳng hạn nhiều dự án giải quyết mâu thuẫn kéo dài, khoản tiền đền bù lúc đầu được gửi vào tiết kiệm ngân hàng để tạo lãi suất cho người dân, sau đó hết thời gian quy định lại chuyển sang tài khoản tạm giữ của chủ đầu tư, khi thỏa thuận xong số tiền bồi thường để tiến hành chi trả cho người dân lại không có khoản tiền bù đắp lãi suất ngân hàng.

Có những dự án vừa mới quá thời hạn phải thu hồi tạm ứng, khi có phát sinh do thay đổi bổ sung thiết kế, thay đổi quy định mức giá bồi thường tiền thu hồi đất lại phải thực hiện lại các thủ tục pháp lý để tạm ứng, không có sẵn khoản tiền gửi để chi trả kịp thời cho người dân. Điều này sẽ tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện BTGPMB và làm ảnh hưởng đến tiến độ chung của các dự án.

Theo Quyết định 28/QĐ-UBND của UBND TP.Hồ Chí Minh quy định về việc ký hợp đồng và thanh toán trọn gói đối với tất cả các dự án đầu tư thực tế cũng nảy sinh bất cập gây khó cho các ban quản lý, các chủ đầu tư, bởi chỉ ách tắc một khâu trong BTGPMB cũng sẽ làm chậm tiến độ chung của dự án, làm chậm tiến độ, hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công.

Cần có sự điều chỉnh hợp lý

Qua tìm hiểu tại các ban BTGPMB cũng như các chủ đầu tư tại các dự án đầu tư công hầu hết đều có chung kiến nghị nên kéo dài thời gian khống chế thực hiện tạm ứng, thu hồi tạm ứng thanh toán vốn đầu tư công, đồng thời có quy định chặt chẽ hơn đối với từng trường hợp cụ thể như dự án phát sinh để kéo dài tình trạng phải tạm ứng, thanh toán vốn trong nhiều năm, qua nhiều cấp, nhiều ngành.

Đặc biệt nên có phân loại cụ thể các nhóm dự án, quy mô, đặc thù, sự phức tạp, tính cấp bách của từng dự án để có những quy định chi tiết hơn về thời gian làm thủ tục tạm ứng, thanh toán vốn đầu tư công.

Theo ông Nguyễn Hoàng Hải ,Giám đốc KBNN TP, mặc dù có rất nhiều dự án phát sinh trong khâu BTGPMB, thực hiện quá thời gian quy định trong thực hiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán chi trả tiền BTGPMB gây khó khăn cho công tác kiểm soát, quản lý vốn đầu tư công, nhưng quan điểm của phía KBNN là vẫn phải khống chế thời gian quy định cũng như áp dụng một số biện pháp cương quyết… mục đích là nhằm đốc thúc các đơn vị liên quan quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

“KBNN TP sẽ tham mưu UBND TP xây dựng và ban hành quy chế phối hợp. Ban hành quy định cụ thể và thực hiện chặt chẽ hơn về thời gian thực hiện hồ sơ, tạm ứng, tiền gửi, thanh toán tiền BTGPMB cho các dự đầu tư công. Hướng dẫn các đơn vị, các chủ đầu tư khi gặp khó khăn vướng mắc sẽ có thông báo xin gia hạn về thời gian, có thể thông báo trước thời hạn thực hiện nửa tháng hoặc 1 tháng khi hết hạn quy định về thời gian tạm ứng, thanh toán tiền gửi” – ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, đối với mỗi dự án đều có những khó khăn riêng, chẳng hạn đối với các dự án thuộc khu công nghệ cao do phải thay đổi địa danh hành chính từ quận 9 lên TP. Thủ Đức cũng tốn một khoản thời gian làm lại, bổ sung thủ tục hồ sơ. Vì vậy, trong quá trình triển khai các dự án các chủ đầu tư, các ban quản lý cần thường xuyên cập nhật báo cáo tiến độ, tính khả thi để KBNN có cơ sở để xem xét, thực hiện linh hoạt hơn trong thực hiện tạm ứng, thanh toán tiền BTGPMB cho các dự án./.

Mục đích của việc khống chế thời gian làm thủ tục hồ sơ, tạm ứng, thanh toán tiền BTGPMB là nhằm đốc thúc các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện quyết liệt hơn, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam