Cải cách kiểm tra chuyên ngành tại cửa khẩu: Đảm bảo tính kế thừa và sự gắn kết giữa các bộ, ngành

09:58 | 24/05/2021 Print
(TBTCVN) - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có văn bản góp ý dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

9

Kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Trong đó, đồng tình với chủ trương tiếp tục cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với những bước đi thận trọng, áp dụng trước với những mặt hàng được xác định cụ thể tại Quyết định 38/QĐ-TTg và đảm bảo tính kế thừa kết quả từ công tác cải cách do các bộ, ngành đã triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ.

Đảm bảo thực hiện quản lý theo chuỗi

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), thời gian qua, Bộ này đã tích cực đóng góp ý kiến đối với dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra nhà nước về chất lượng và kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu và đồng thuận với Tổng cục Hải quan về một số nội dung nêu trong dự thảo nghị định. Đồng thời, cũng bổ sung, góp ý một số vấn đề nhằm đảm bảo tính kế thừa kết quả từ công tác cải cách.

Trước tiên, đối với phạm vi điều chỉnh của dự thảo, Bộ NN&PTNT đồng tình với chủ trương tiếp tục cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ với những bước đi thận trọng, áp dụng trước với những mặt hàng được xác định cụ thể tại phạm vi của Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Quyết định 38/QĐ-TTg ngày 12/01/2021 (Đề án 38). Trong đó, đã đảm bảo tính kế thừa kết quả từ công tác cải cách do các bộ, ngành đã triển khai theo Nghị quyết 19/NQ-CP, Nghị quyết 02/NQ-CP và các chỉ đạo của Chính phủ trong thời gian qua, đặc biệt chú trọng đến các quy trình nghiệp vụ đã triển khai áp dụng trên Hệ thống một cửa quốc gia của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Về trình tự, thủ tục thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng hàng hóa, Bộ NN&PTNT đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung báo cáo đánh giá tác động về việc thực hiện quản lý theo chuỗi (một sản phẩm, hàng hóa một cơ quan quản lý và chịu trách nhiệm) trong hồ sơ ban hành nghị định; cơ chế chia sẻ thông tin đối với hàng hóa nhập khẩu để kịp thời phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành sản xuất trong nước; cơ quan chịu trách nhiệm giải quyết vướng mắc, khiếu nại đối với những lô hàng không đạt yêu cầu.

Áp dụng các phương thức kiểm tra phù hợp

Bộ NN&PTNT cũng góp ý về phương thức kiểm tra và áp dụng các phương thức kiểm tra. Theo đó, Bộ này đồng tình với quan điểm áp dụng đánh giá rủi ro và quản lý chất lượng hàng hóa nhập khẩu theo hàng hóa. Tuy nhiên, Bộ NN&PTNT cũng lưu ý, mỗi loại hàng hóa đều có mức độ rủi ro khác nhau, tiêu chí đánh giá rủi ro khác nhau. Vì vậy việc phân loại, lựa chọn phương thức kiểm tra phải dựa vào đặc tính kỹ thuật của hàng hóa, đặc thù quản lý và yêu cầu quản lý thực tế của mỗi mặt hàng, để có mức độ phân loại rủi ro và chọn phương thức kiểm tra phù hợp.

Trước đó, Bộ NN&PTNT có một số góp ý về việc thay đổi cơ quan đầu mối kiểm tra chuyên ngành, thay đổi trình tự, thủ tục kiểm tra phải được thể hiện ở văn bản quy phạm pháp luật. Trong khi các luật chuyên ngành như: Luật Thú y, Luật Bảo vệ thực vật, Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi, Luật Thủy sản, Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa, Luật An toàn thực phẩm… lại chưa quy định về nội dung này. Do vậy, trong giai đoạn 1, cần thiết phải sửa các luật có liên quan thì mới thực hiện được rốt ráo các nội dung đề án đã xây dựng.

Để quá trình triển khai nghị định, đề án được thuận lợi, sớm đi vào thực tế, đại diện Bộ NN&PTNT khẳng định sẽ phối hợp chặt chẽ với cơ quan hải quan để nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm cho cán bộ hải quan, khi thực hiện thí điểm một đầu mối về kiểm tra chuyên ngành hàng hóa nhập khẩu...

Nhận định tầm quan trọng của việc phối hợp giữa các bộ, ngành trong quá trình góp ý dự thảo nghị định, chia sẻ với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế, PGS. TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, bước xây dựng dự thảo nghị định cũng cần làm cẩn trọng, tỉ mỉ, thì sau này các đối tượng dễ “hấp thụ”, dễ triển khai, thực thi; đồng thời đỡ mất công sức thời gian giải thích, điều chỉnh. Điều quan trọng là sự phối hợp giữa các cơ quan liên quan (Bộ Tài chính với các bộ quản lý chuyên ngành và với tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp là đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản). Nếu phối hợp tốt, gắn kết thường xuyên, hàng ngày thì thông tin từ các cơ quan quản lý chuyên ngành đến cơ quan hải quan sẽ thông suốt, là trợ lực giúp việc thực hiện hoạt động kiểm tra chuyên ngành đạt hiệu quả cao; không để lọt các sản phẩm hàng hóa kém chất lượng vào thị trường. Vì vậy, rất cần sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chuyên ngành khi xử lý các mặt hàng này.

Khẩn trương hiện thực hóa kế hoạch đổi mới kiểm tra chuyên ngành

Tại Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu giai đoạn 2021 – 2023, Bộ Tài chính đã đưa nhiệm vụ xây dựng dự thảo nghị định để thực thi kế hoạch là ưu tiên hàng đầu và đã làm ráo riết, khẩn trương, kịp thời thì mới có thể đảm bảo được tiến độ cũng như thời hạn để đưa đề án cải cách kiểm tra chuyên ngành đi vào nề nếp.

Nam Khánh

Nam Khánh

© Thời báo Tài chính Việt Nam