Cần sớm hoàn thiện quản lý tài chính đối với viện trợ không hoàn lại của nước ngoài

16:31 | 21/05/2021 Print
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý rộng rãi của nhân dân về dự thảo Thông tư hướng dẫn quản lý tài chính nhà nước đối với nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước.

viện trợ không hoàn lại

Vốn viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước phải được kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước. Ảnh: Đức Minh

Cần thiết phải xây dựng dự toán vốn viện trợ nước ngoài

Theo đại diện Cục Quản lý nợ và Tài chính đối ngoại - Bộ Tài chính cho biết, dự thảo thông tư gồm 3 chương, 27 điều và 5 phụ lục. Trong đó, chương về quy định cụ thể có 6 điều hướng dẫn chi tiết về lập kế hoạch tài chính nguồn vốn viện trợ (bao gồm: kế hoạch tài chính vốn viện trợ 5 năm, 3 năm; dự toán thu, chi vốn viện trợ chi thường xuyên hàng năm; điều chỉnh bổ sung dự toán thu chi vốn viện trợ hàng năm; nhập và phê duyệt dự toán vốn viện trợ hàng năm trên TABMIS).

Đại điện Cục QLN&TCĐN cho rằng, việc quy định cụ thể về xây dựng dự toán vốn viện trợ nước ngoài là cần thiết để triển khai thực hiện, vì theo quy định tại các nghị định số 50, 56 và 80 được ban hành năm 2020, vốn viện trợ nước ngoài thuộc nguồn thu ngân sách nhà nước (NSNN) phải được kiểm soát chi tại Kho bạc Nhà nước và phải lập dự toán theo quy định của Luật NSNN năm 2015.

Bên cạnh đó, các cơ quan chủ quản, chủ khoản viện trợ chưa quen với công tác xây dựng dự toán vốn viện trợ nước ngoài. Nguyên do là, trước khi 3 nghị định trên được ban hành, các chủ khoản viện trợ thực hiện chế độ quản lý tài chính theo Thông tư số 225/2010/TT-BTC (thông tư này không quy định bắt buộc phải xây dựng dự toán vốn viện trợ).

Thêm vào đó, việc xây dựng dự toán vốn viện trợ có tính chất đầu tư chưa có quy định cụ thể tại văn bản nào dẫn đến thực trạng chủ dự án lúng túng trong triển khai thực hiện.

Hơn nữa theo đại diện Cục QLN&TCĐN cho rằng, việc xây dựng dự toán viện trợ chi thường xuyên nếu không quy định cụ thể tại dự thảo thông tư mà tham chiếu theo quy định của Luật NSNN và các thông tư hướng dẫn về xây dựng dự toán hàng năm sẽ khiến các cơ quan chủ quản, chủ khoản viện trợ khó theo dõi.

Nghiêm cấm sử dụng tài khoản cá nhân để tiếp nhận nguồn viện trợ nước ngoài

Theo cơ quan soạn thảo, dự thảo thông tư có 1 mục hướng dẫn khá chi tiết về kiểm soát chi, giải ngân, thanh toán, hoạch toán vốn viện trợ nước ngoài với các điều như: Nguyên tắc, mở tài khoản; giải ngân và thanh toán; tiếp nhận vốn viện trợ; hạch toán, chuyển nguồn; điều chỉnh hạch toán NSNN;…

Điểm nhấn quan trọng trong mục này là nêu rõ các nguyên tắc quản lý tài chính đối với vốn viện trợ. Theo dự thảo, Bộ Tài chính thực hiện quản lý thu, chi ngân sách trung ương đối với các nguồn viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương (bao gồm cả nguồn ngân sách trung ương ghi chi bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương).

Sở Tài chính, Kho bạc Nhà nước tại địa phương thực hiện quản lý thu, chi ngân sách địa phương đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách địa phương và phối hợp với Bộ Tài chính thực hiện ghi thu, ghi chi ngân sách địa phương đối với các khoản viện trợ thuộc nguồn thu ngân sách trung ương ghi chi bổ sung có mục tiêu cho địa phương. Bảo đảm công khai, minh bạch và đề cao trách nhiệm của chủ dự án, cơ quan chủ quản trong tiếp nhận, quản lý, sử dụng hiệu quả vốn viện trợ.

Dự thảo thông tư cũng nêu rõ, nghiêm cấm việc dùng tài khoản cá nhân, thuê mượn hoặc nhờ tài khoản của cơ quan, đơn vị khác để tiếp nhận nguồn vốn viện trợ nước ngoài tài trợ cho các dự án.

Các khoản viện trợ theo hình thức phía Việt Nam trực tiếp quản lý điều hành được kiểm soát chi qua hệ thống Kho bạc Nhà nước.

Các chủ tài khoản viện trợ chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng vốn viện trợ theo đúng các quy định của pháp luật Việt Nam và các điều ước, thỏa thuận, viện trợ đã ký kết.

Kiểm soát chi đối với viện trợ khẩn cấp phát sinh như thế nào?

Cơ quan soạn thảo nhận được nhiều ý kiến đồng tình về điều khoản quy định về kiểm soát chi các khoản viện trợ khẩn cấp bằng tiền để cứu trợ và khắc phục hậu quả thiên tai tiếp nhận tại Nghị định số 50/2020/NĐ-CP, nhất là các khoản viện trợ khẩn cấp phát sinh trong năm sau thời điểm lập dự toán ngân sách, hoặc không kịp bổ sung trong năm. Tuy nhiên vẫn cần có phương hướng giải quyết phù hợp.

Đơn cử, Kho bạc Nhà nước nhất trí với phương án, để giải quyết tình huống khoản viện trợ khẩn cấp chưa có hoặc chưa đủ dự toán thì vẫn được tiếp nhận, kiểm soát chi nhưng chưa kiểm soát dự toán, sau khi dự toán được phê duyệt, thực hiện ghi thu ghi chi và quyết toán vào NSNN. Tuy nhiên, theo quy định của Luật NSNN thì các khoản chi chỉ được thực hiện có dự toán được cấp có thẩm quyền được giao.

Cơ quan soạn thảo cho rằng, Luật NSNN năm 2015 và các văn bản hướng dẫn liên quan, việc bổ sung dự toán vốn viện trợ đối với các dự án viện trợ mới phát sinh trong năm phải báo cáo Chính phủ để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong kỳ hợp Quốc hội gần nhất.

Như vậy, đối với khoản viện trợ thực hiện tiếp nhận theo Nghị định số 50, để thực hiện kiểm soát chi theo quy định về điều chỉnh số liệu hạch toán NSNN tại dự thảo thông tư thì khoản viện trợ khẩn cấp phải được trình bổ sung dự toán vốn viện trợ trong năm (việc này rất khó thực hiện vì Quốc hội chỉ họp 2 lần trong 1 năm). Trường hợp, cho phép tiếp nhận và thực hiện viện trợ trước, chưa kiểm soát dự toán thì chưa phù hợp với quy định của Luật NSNN. Chính vì vậy, cơ quan soạn thảo cần xin ý kiến để tháo gỡ khó khăn về nội dung này.


Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam