Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính: Vẫn còn dư địa kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra

11:13 | 21/05/2021 Print
(TBTCVN) - ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì CPI mỗi tháng còn lại vẫn còn nhiều dư địa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%.

9

Nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4%.

Trước những lo ngại lạm phát tăng cao do một số hàng hóa thiết yếu thời gian qua liên tục đà tăng giá, ông Nguyễn Anh Tuấn – Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính cho biết, nếu giả định chỉ số giá tiêu dùng (CPI) các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì CPI mỗi tháng còn lại vẫn còn nhiều dư địa để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Tuy nhiên, dự báo vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Theo đó, sẽ tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động.

PV: Những biến động tăng giá đối với một số hàng hóa thiết yếu thời gian qua, cùng với diễn biến lạm phát nhiều nước trên thế giới tăng, ảnh hưởng từ khủng hoảng địa chính trị tại một số khu vực, đã dấy lên những lo ngại về áp lực lạm phát ngày càng tăng. Đây có phải là những yếu tố gây áp lực lớn lên mặt bằng giá trong thời gian tới không, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Những diễn biến tăng giá một số hàng hóa thiết yếu và diễn biến lạm phát nhiều nước trên thế giới trong năm 2021 đã được Bộ Tài chính và các bộ, ngành dự báo trong kịch bản điều hành giá và báo cáo Thủ tướng Chính phủ ngay từ cuối năm 2020. Tuy đây là áp lực lớn lên mặt bằng giá trong nước nhưng đây là nhân tố đã được tính toán trong các kịch bản điều hành giá, nên cũng đã có giải pháp để chủ động điều hành giá trong nước nhằm kiểm soát lạm phát cả năm 2021 bình quân ở mức dưới 4%.

pv
Ông Nguyễn Anh Tuấn

Trong đó, một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá như: Nhu cầu mua sắm tăng theo quy luật vào dịp đầu năm chuẩn bị Tết Nguyên đán khiến mặt bằng giá tháng 1, tháng 2 ở mức cao; giá gạo trong nước tăng; giá mặt hàng xăng dầu, LPG tăng. Một số mặt hàng có giá tăng do nguyên liệu đầu vào cũng như nhu cầu tăng như thức ăn chăn nuôi, vật liệu xây dựng (đặc biệt là giá thép)... Trong thời gian tới, một số mặt hàng dự báo có thể tiếp tục có biến động tăng theo giá thế giới như giá nhiên liệu, đáng chú ý là xăng dầu, thép, thức ăn chăn nuôi. Giá gạo trong nước có khả năng nhích tăng nhẹ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều yếu tố làm giảm áp lực lên mặt bằng giá, như: giá vé máy bay, giá vé tàu hỏa, dịch vụ du lịch trọn gói giảm do dịch Covid-19; giá các dịch vụ bưu chính không tăng giá hoặc giảm nhẹ; giá một số mặt hàng thực phẩm dự kiến thời gian tới có thể ổn định hoặc giảm nhẹ do nguồn cung trong nước dồi dào. Bên cạnh đó, công tác quản lý, điều hành giá tiếp tục được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá chỉ đạo quyết liệt, các bộ, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bình ổn thị trường, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Nhờ vậy, nguồn cung hàng hóa tiêu dùng thiết yếu đảm bảo tốt, thị trường bình ổn, kể cả trong giai đoạn dịch bệnh bùng phát và thực hiện giãn cách xã hội.

PV: Dư luận gần đây lo ngại việc tăng nóng của mặt hàng thép đã ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và tiêu dùng, Bộ Tài chính đã có biện pháp gì để góp phần chặn đà tăng của mặt hàng này?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trong vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính luôn cập nhật diễn biến giá thép xây dựng và thông tin kịp thời tại báo cáo Ban Chỉ đạo điều hành giá. Trong các kịch bản điều hành giá quý I/2021 và các tháng còn lại của năm 2021 đã tính đến các diễn biến tăng giá vật liệu xây dựng, trong đó có giá thép. Theo quy định tại Luật Giá, mặt hàng thép xây dựng không nằm trong danh mục các mặt hàng Nhà nước định giá, bình ổn giá, đây là mặt hàng doanh nghiệp tự định giá. Vì vậy, cần ưu tiên các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu; kiểm tra, ngăn chặn và xử lý kịp thời hiện tượng lợi dụng tăng giá nguyên liệu đầu vào để tăng giá bất hợp lý.

Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo thực hiện một số giải pháp cụ thể liên quan đến các bộ, ngành. Vừa qua, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ đã giao: Bộ Công thương nghiên cứu có các biện pháp thúc đẩy tăng năng lực sản xuất thép thành phẩm trong nước; nghiên cứu điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường. Bộ Xây dựng chủ động nghiên cứu, hướng dẫn thay đổi công nghệ xây dựng giảm tải lượng thép tiêu thụ trong các công trình xây dựng.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã yêu cầu Bộ Công thương báo cáo gấp về tình hình sản xuất, nhập khẩu, tiêu thụ thép năm 2020 và những tháng đầu năm 2021; nguyên nhân giá thép tăng đột biến và đề xuất các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, ổn định sản xuất...

PV: Không chủ quan bởi áp lực lạm phát năm 2021 vẫn hiện hữu và sẽ tăng dần từ nay đến cuối năm. Chắt lọc những kinh nghiệm trong điều hành giá thành công thời gian qua, với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo điều hành giá, Bộ Tài chính có giải pháp gì để thực hiện kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra, thưa ông?

Ông Nguyễn Anh Tuấn: Trên cơ sở việc đánh giá dự báo xu hướng các mặt hàng quan trọng thiết yếu là trọng tâm của công tác quản lý, điều hành giá trong năm 2021, kết hợp với đánh giá về lạm phát cơ bản của Ngân hàng Nhà nước, theo ước tính của Bộ Tài chính, nếu giả định CPI các tháng còn lại tăng đều một tỷ lệ như nhau thì trong những tháng còn lại, CPI mỗi tháng vẫn còn nhiều dư địa (theo tính toán phân tích dự báo của Cục Quản lý giá thì dư địa tăng 0,84% mỗi tháng) để đảm bảo mục tiêu kiểm soát dưới 4%. Do vậy, có thể thấy nếu không có những yếu tố quá đột biến xảy ra, việc kiểm soát CPI bình quân cả năm 2021 ở mức khoảng 4% là vẫn trong tầm kiểm soát của Chính phủ, của Ban Chỉ đạo điều hành giá.

Tuy nhiên dự báo vẫn còn tiềm ẩn rủi ro đối với công tác kiểm soát lạm phát đến từ tình hình thế giới. Do đó, để thực hiện việc kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ diễn biến mặt bằng giá những tháng đầu năm và đề xuất giải pháp điều hành giá những tháng còn lại. Theo đó, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã có ý kiến chỉ đạo về công tác quản lý, điều hành giá.

Trong đó tập trung các biện pháp: Tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động. Tập trung vào việc hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa giữ ổn định mặt bằng giá để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, vừa hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, chủ động, phối hợp chặt chẽ nghiêm túc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá; tăng cường kiểm tra chuyên ngành, chuyên đề về giá, giám sát giá cả thị trường, kịp thời tham mưu cho các cấp có thẩm quyền điều hành giá cả cho phù hợp với nguyên tắc thị trường và điều hành kinh tế vĩ mô...

PV: Xin cảm ơn ông!

Kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021

"Thời gian tới, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Kiểm soát lạm phát cơ bản trong năm 2021 để tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung. Ngoài ra, tiếp tục theo dõi sát diễn biến cung cầu, giá cả thị trường các mặt hàng thiết yếu nhất là đối với một số mặt hàng thiết yếu có nhu cầu tiêu dùng cao vào dịp nghỉ lễ, cao điểm du lịch. Các bộ, ngành, địa phương chủ động chuẩn bị các nguồn hàng dự trữ đáp ứng nhu cầu tiêu dùng để tránh tình trạng khan hiếm đẩy giá tăng; tăng cường dự báo, phân tích giá cả, chủ động xây dựng kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án điều hành giá phù hợp từng giai đoạn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát…"


Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính

Minh Anh (thực hiện)

Minh Anh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam