Hướng dẫn chính sách tài chính cho tinh giản biên chế

11:19 | 20/05/2021 Print
Theo dự thảo thông tư của Bộ Tài chính, kinh phí tinh giản biên chế với các đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP được bố trí từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp (trừ một số trường hợp).

tiền

Trường hợp chưa có đề án tinh giản biên chế thì các đơn vị sử dụng dự toán chi ngân sách được giao để chi thực hiện. Ảnh: TL.

Bộ Tài chính vừa hoàn thiện dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư số 31/2019/TT-BTC hướng dẫn việc xác định nguồn kinh phí và việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Theo đó, dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 1, Điều 2 Thông tư số 31/2019/TT-BTC như sau: Đối với các cơ quan được cấp có thẩm quyền cho phép thực hiện cơ chế tự chủ tài chính như đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) tự bảo đảm chi đầu tư và chi thường xuyên hoặc ĐVSNCL tự bảo đảm chi thường xuyên; các cơ quan khác đang được áp dụng cơ chế đặc thù, thì sử dụng từ nguồn kinh phí của đơn vị để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế, theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Đối với ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư; ĐVSNCL tự đảm bảo chi thường xuyên, sử dụng từ nguồn thu và nguồn kinh phí hợp pháp khác của ĐVSNCL, theo quy định tại Nghị định số 16/2015/NĐ-CP và các nghị định của Chính phủ quy định về cơ chế tự chủ trong các lĩnh vực, để thực hiện các chính sách tinh giản biên chế, theo quy định tại Nghị định số 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP.

Người lao động được các ĐVSNCL tuyển dụng lần đầu từ ngày 29/10/2003 trở đi, thuộc đối tượng tinh giản biên chế, quy định tại Điểm c, d Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 2 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và khoản 1, Điều 1 Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, thì kinh phí để thực hiện chính sách tinh giản biên chế cho đối tượng này lấy từ nguồn kinh phí thường xuyên của đơn vị sự nghiệp.

Theo dự thảo thông tư, kinh phí thực hiện chính sách tinh giản biên chế đối với các đối tượng quy định tại Khoản 4 Điều 6 Nghị định số 108/2014/NĐ-CP và Khoản 4 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP được bố trí từ nguồn Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp các bộ, cơ quan trung ương, địa phương chưa xây dựng đề án tinh giản biên chế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, nếu có đối tượng thực hiện tinh giản theo quy định tại Nghị định 108/2014/NĐ-CP, Nghị định số 113/2018/NĐ-CP và Nghị định số 143/2020/NĐ-CP, thì sử dụng dự toán chi ngân sách nhà nước được giao để chi thực hiện chính sách tinh giản biên chế.

Các bộ, ngành, địa phương chịu trách nhiệm về đối tượng tinh giản biên chế theo quy định, đồng thời phải tổng hợp các đối tượng tinh giản này vào trong Đề án tinh giản biên chế của đơn vị mình, báo cáo kết quả thực hiện theo quy định./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam