Tháo gỡ vướng mắc xử phạt vi phạt về hải quan khi thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP

10:36 | 17/05/2021 Print
(TBTCO)- Tổng cục Hải quan đã có hướng dẫn các cục hải quan tỉnh, thành phố về việc tháo gỡ vướng phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan và các quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

hải quan

Cán bộ hải quan kiểm tra tờ khai nhập khẩu của DN để phục vụ công tác xử lý vi phạm. Ảnh: Hải Anh

Làm rõ khái niệm “khai sai so với thực tế”

Các cục hải quan tỉnh, thành phố gặp vướng mắc trong trường hợp khi kiểm tra chi tiết hồ sơ, nhưng trước khi kiểm tra thực tế hàng hóa doanh nghiệp (DN) khai sửa đổi về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa. Như vậy, DN có bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định Nghị định 128/2020/NĐ-CP?

Ngoài ra, đối với trường hợp chi cục ban hành thông báo dừng hàng qua khu vực giám sát hải quan để kiểm tra thực tế hàng hóa: Sau thời điểm chi cục ban hành thông báo dừng hàng qua khu vực giám sát hải quan nhưng trước thời điểm kiểm tra thực tế hàng hóa mà DN khai sửa đổi bổ sung thông tin tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế nhưng không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp. Trường hợp này DN có bị xử phạt hay không?

Với vướng mắc nêu trên, các cục hải quan tỉnh, thành phố đề nghị hướng dẫn, làm rõ về cụm từ “không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp". Trường hợp khai sai so với thực tế về lượng, tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, xuất xứ, mã số hàng hóa nhập khẩu thuộc đối tượng chịu thuế dẫn đến thừa số tiền thuế phải nộp hoặc giảm số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu có thuộc quy định dẫn trên không ?

Giải đáp khúc mắc của các cục hải quan tỉnh, thành phố, Tổng cục Hải quan cho hay, quy định tại khoản 12 Điều 4, khoản 2 Điều 10, điểm c khoản 2 Điều 18, Khoản 1 Điều 29 Luật Hải quan thì người khai hải quan phải có trách nhiệm khai đúng thực tế hàng hóa nhập khẩu.

Căn cứ quy định tại Luật Hải quan và quy định tại Thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC, cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra và xác định có hay không có vi phạm pháp luật và xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật. Theo đó, các trường hợp khai bổ sung ngoài thời hạn quy định thì bị xử phạt vi phạm hành chính.

Cụm từ “khai sai so với thực tế” quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 Nghị định 128/2020/NĐ-CP được kế thừa từ Nghị định 127/2013/NĐ-CP (điểm a khoản 2 Điều 7 - vi phạm quy định về khai hải quan) và Nghị định 45/2016/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 127/2013/NĐ-CP (khoản 1, 2 Điều 7- vi phạm quy định về khai hải quan).

Cụm từ “không làm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp” là dấu hiệu để phân định hành vi quy định tại điểm b khoản 1 Điều 8 với các hành vi vi phạm ảnh hưởng đến số thuế phải nộp quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

Theo đó, các trường hợp khai sai có ảnh hưởng đến tiền thuế phải nộp (gồm các trường hợp khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được miễn, giảm, hoàn, không thu; trốn thuế) bị xử phạt theo quy định tại Điều 9, Điều 14 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

Xử phạt vi phạm về kiểm tra chuyên ngành

Trong quá trình thực thi Nghị định 128/2020/NĐ-CP, các cục hải quan tỉnh, thành phố nêu vướng mắc khi áp dụng Khoản 2 Điều 35 Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành phải được lưu giữ tại cửa khẩu cho đến khi được thông quan.

Trường hợp quy định của pháp luật cho phép đưa hàng hóa về địa điểm khác để tiến hành việc kiểm tra chuyên ngành hoặc chủ hàng hóa có yêu cầu đưa hàng hóa về bảo quản thì địa điểm lưu giữ phải đáp ứng điều kiện về giám sát hải quan và hàng hóa đó chịu sự giám sát của cơ quan hải quan cho đến khi được thông quan. Chủ hàng hóa chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ hàng hóa tại địa điểm kiểm tra chuyên ngành hoặc địa điểm lưu giữ của chủ hàng hóa cho đến khi cơ quan hải quan quyết định thông quan”. Điểm a khoản 2 Điều 46 Luật Hải quan quy định: “Hàng hóa kinh doanh tạm nhập, tái xuất phải được lưu giữ tại khu vực cửa khẩu hoặc các địa điểm chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan”.

Quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định 128/2020/NĐ-CP được áp dụng xử phạt đối với các trường hợp vi phạm quy định về lưu giữ hàng hóa không đúng địa điểm quy định tại các quy định nêu trên.

Bên cạnh đó, cơ quan hải quan tỉnh, thành phố cũng gặp vướng mắc đối với việc áp dụng Khoản 1 Điều 18 Nghị định số 128/2020/NĐ-CP: “Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật”.

Thực tế hiện nay, một số trường hợp hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra chuyên ngành, DN đã đưa hàng về bảo quản, quá thời hạn nhưng cơ quan chuyên ngành chưa ban hành kết quả kiểm tra do DN chưa xuất trình hàng hóa để kiểm tra hoặc chưa cung cấp đủ tài liệu kỹ thuật. Như vậy, cơ quan hải quan đã đủ cơ sở để xác định hành vi vi phạm “Xuất khẩu, nhập khẩu hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành mà không có thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành theo quy định của pháp luật” chưa ?

Về vướng mắc nêu trên, Tổng cục Hải quan đề nghị các cục hải quan tỉnh, thành phố căn cứ thực hiện theo công văn 779/TCHQ-PC ngày 09/02/2021 đã xác định cụ thể trường hợp áp dụng quy định tại Điều 18 Nghị định 128/2020/NĐ-CP.

Đồng thời, việc xử phạt vi phạm hành chính phải căn cứ hồ sơ vụ việc cụ thể, kết quả xác minh của cơ quan hải quan theo hướng dẫn tại khoản 5 Điều 32 Thông tư 38/2015/TT-BTC, được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 39/2018/TT-BTC và các quy định về xử phạt vi phạm hành chính để xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật, các nguyên tắc xử phạt vi phạm hành chính quy định tại Điều 3 Luật Xử lý vi phạm hành chính.


Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam