Cân bằng yếu tố sức khỏe xã hội và sức khỏe nền kinh tế

16:10 | 14/05/2021 Print
(TBTCVN) - Trước làn sóng Covid-19 mới, nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp mạnh để phòng dịch. Điều đó sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, người dân.

8

Phòng, chống dịch bệnh nhưng vẫn đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trả lời cho câu hỏi các địa phương cần làm gì để đảm bảo phát triển kinh tế trong tình hình mới, phóng viên TBTCVN đã phỏng vấn GS. TS Andreas Stoffers - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom Vietnam.

PV: Hiện tại, dịch Covid-19 đã quay trở lại ở một số địa phương tại Việt Nam. Ông có dự báo gì về ảnh hưởng của đợt dịch lần này tới hoạt động kinh tế của Việt Nam không, thưa ông? Có những nguy cơ gì đối với nền kinh tế Việt Nam, thưa ông?


GS. TS Andreas Stoffers: Tác động của đợt bùng phát virus Sars-Cov2 mới là tương đối rõ ràng, có thể kể đến như: giãn cách xã hội theo khu vực; hạn chế di chuyển giữa các tỉnh; cũng như yêu cầu tạm dừng hoạt động đối với một số loại hình kinh doanh dịch vụ như quán ăn đường phố, spa, massage là những biện pháp của Chính phủ, dẫn đến tình trạng thất nghiệp (tạm thời) và sụt giảm trong kinh doanh.

pv
GS. TS Andreas Stoffers

Dù vậy, tính đến thời điểm này, các hoạt động phòng, chống Covid-19 của các cơ quan chức năng đang đi đúng hướng. So với việc phong tỏa các thành phố lớn như Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh, những động thái kể trên là thận trọng nhưng không quá nguy hại đến nền kinh tế. Tuy nhiên, khu vực dịch vụ, mảng đóng góp hơn 30% vào cơ cấu GDP năm 2020 của Việt Nam, sẽ tiếp tục chịu tác động nặng nề nhất từ ảnh hưởng tiêu cực của dịch Covid-19, đặc biệt là đối với một số lĩnh vực chính trong ngành dịch vụ (như lưu trú, thực phẩm, logistics), du lịch và hàng không. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng du lịch từ 7 đến 8% từ năm 2021 đến năm 2030, như Thủ tướng Chính phủ đã đề xuất sẽ khó có thể đạt được trong năm nay.

Tác động tiêu cực đối với nền kinh tế quốc gia rất rõ ràng. Một vài ảnh hưởng có thể thấy ngay trước mắt như: Nguy cơ gia tăng tỷ lệ thất nghiệp ở một số tỉnh như Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Thái Bình… Đà suy sụp của một số lĩnh vực thuộc nhóm ngành dịch vụ (du lịch, lưu trú, thực phẩm, hàng không,…) có thể tiếp tục nếu không có diễn biến mới. Tốc độ tăng trưởng GDP của quý II/2021 có thể thấp hơn so với quý trước.

Tôi cho rằng, việc Chính phủ Việt Nam phải tung ra một gói kích thích kinh tế mới là ít có khả năng, khi một số gói hỗ trợ của năm 2020 như tái cơ cấu khoản vay, gia hạn nộp thuế vẫn đang trong giai đoạn thực hiện.

PV: Ông đánh giá thế nào về những nỗ lực chống dịch hiện tại của Chính phủ và các địa phương?

GS. TS Andreas Stoffers: Tôi cho rằng, “cẩn tắc vô áy náy”. Cần có những biện pháp mạnh để ngăn chặn Covid-19, nhưng cũng không thể đóng băng cả nền kinh tế. Nhìn chung, theo tôi các biện pháp của Chính phủ mới là tương đối tốt, nhất là khi sự hoảng loạn đã gần như không có và niềm tin của đại bộ phận người dân (vào nỗ lực của Chính phủ) vẫn được duy trì ở mức cao. Dù sao đi nữa, Chính phủ cần tìm ra các giải pháp, ít nhất là trong lĩnh vực y tế, để cải thiện cũng như mở rộng năng lực hiện có trong phòng chống dịch và chăm sóc sức khỏe.

Thách thức lớn nhất đối với Việt Nam còn nằm trong mối liên hệ với kinh tế toàn cầu. Nếu nền kinh tế toàn cầu có được sự tăng trưởng, mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn cho Việt Nam, nhất là khi nước bạn đã ở một vị trí thuận lợi hơn các quốc gia khác trong năm 2020. Điểm quan trọng bên cạnh một chính sách kinh tế cởi mở và tự do như năm trước sẽ là cân bằng tất cả các yếu tố liên quan trong khủng hoảng Covid-19, bao gồm sức khỏe của xã hội và sức khỏe của nền kinh tế quốc gia. Nếu chúng ta chỉ chú ý đến điểm đầu tiên (sức khỏe theo nghĩa đen), thì những tác động tiêu cực, như sự đói nghèo, cũng có thể dẫn đến mất mát không cần thiết. Theo tôi, Việt Nam đã hoàn thành mục tiêu kép này khi không hủy hoại nền kinh tế năm 2020. Đó là lựa chọn đúng và Việt Nam nên tiếp tục theo hướng đi này trong năm nay.

PV: Ứng phó với làn sóng dịch Covid-19 mới, nhiều địa phương đã thực hiện các biện pháp mạnh để phòng dịch, theo đó sẽ có ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp, người dân. Theo ông, các địa phương cần làm gì để đảm bảo phát triển kinh tế trong tình hình mới?

GS. TS Andreas Stoffers: Những điều có thể làm trong những ngày và tuần sắp tới, tôi cho rằng, cẩn thận là cần thiết, nhưng không nên áp đặt hạn chế di chuyển quá mức cần thiết giữa các nơi. Cần có một mức độ tự do trong khuôn khổ dành cho thương mại, sản xuất, hậu cần và kinh doanh. Tiếp đó, cần tăng cường giải ngân vốn đầu tư công đã được phê duyệt từ năm trước trong gói giải cứu của Chính phủ.

Đồng thời, kết nối doanh nghiệp số hóa để thực thi số hóa kinh doanh ở các tỉnh; hoặc thuê tạm thời các dịch vụ làm việc trực tuyến cho các đơn vị kinh doanh. Đây có thể là sự hỗ trợ đắc lực trong thời điểm này với nhu cầu của doanh nghiệp.

Cuối cùng là thực thi các chính sách gia hạn khoản vay, nộp thuế,… như đã được thực hiện trong gói hỗ trợ năm 2020 của Chính phủ.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mở cửa biên giới với các chuyên gia và nhà đầu tư một cách thận trọng


“Tôi đề xuất mở cửa biên giới quốc tế cho các chuyên gia và nhà đầu tư nước ngoài vào trong nước. Tất nhiên là cần phải có các biện pháp phòng, chống dịch (bao gồm cả cách ly) một cách cẩn thận. Cá nhân tôi cho rằng, điều này là cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Việt Nam” - GS. TS Andreas Stoffers nhấn mạnh.

Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam