Điều chỉnh chính sách tài chính, thúc đẩy phát triển tài sản trí tuệ

10:23 | 12/05/2021 Print
(TBTCO) - (TBTCVN) - Giai đoạn vừa qua, ngân sách đã hỗ trợ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở trung ương gần 195 tỷ đồng, song mới chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu.

Bưởi Phúc Trạch có giá bán tăng từ 30 đến 35% nhờ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Bưởi Phúc Trạch có giá bán tăng từ 30 đến 35% nhờ được bảo hộ chỉ dẫn địa lý.

Do đó, thời gian tới rất cần một cơ chế quản lý mới, khắc phục những bất cập trong quản lý tài chính, thúc đẩy sự phát triển đối với chương trình này.

Ngân sách đầu tư gần 195 tỷ đồng phát triển tài sản trí tuệ

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở trung ương từ Bộ Khoa học và Công nghệ là gần 195 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí quản lý, nhiệm vụ thường xuyên là hơn 21,6 tỷ đồng và kinh phí hỗ trợ từ NSNN để thực hiện nhiệm vụ cấp quốc gia là hơn 173 tỷ đồng. Kinh phí đối ứng để thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia là 55,6 tỷ đồng.

Trong tổng số nhiệm vụ cấp quốc gia ở trung ương, có 6 nhiệm vụ tuyên truyền, đào tạo về sở hữu trí tuệ; 16 nhiệm vụ áp dụng, khai thác sáng chế; 21 nhiệm vụ xây dựng, quản lý chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu cộng đồng cho các sản phẩm chủ lực địa phương; 1 nhiệm vụ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài…

Nguồn kinh phí từ Chương trình phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương trong giai đoạn 2016 - 2020, thống kê chưa đầy đủ (từ 46 địa phương gửi báo cáo), các địa phương đã huy động, bố trí gần 366 tỷ đồng để thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho doanh nghiệp, cộng đồng; bảo hộ sở hữu trí tuệ cho 217 sản phẩm đặc sản địa phương, sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Ngoài ra, chương trình đã được xã hội hóa, bổ sung được nhiều nguồn lực từ các doanh nghiệp, hội nghề nghiệp, hợp tác xã khi tham gia chương trình như in ấn, gắn tem nhãn, bao bì sản phẩm được bảo hộ, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm bảo hộ khi đưa ra thị trường…

Các hoạt động tuyên truyền, phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ đã được triển khai, duy trì thường xuyên, liên tục và có chiều sâu trên các phương tiện thông tin đại chúng; đã góp phần tạo chuyển biến tích cực nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về sở hữu trí tuệ.

Cơ chế quản lý tài chính kinh phí thực hiện chương trình đã giúp nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý tài chính công trong triển khai thực hiện các nhiệm vụ. Đồng thời, cơ chế tài chính đã giúp nâng cao tính kỷ luật trong quá trình quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chương trình. Việc phân bổ các nguồn lực cũng được bảo đảm, công khai, minh bạch.

Kinh phí mới đáp ứng 20% nhu cầu

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, cơ chế quản lý tài chính thực hiện chương trình vẫn còn hạn chế, vướng mắc, như: Kinh phí cấp cho chương trình còn thiếu so với kế hoạch dự kiến. Nguồn kinh phí từ trung ương hàng năm chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu hỗ trợ từ doanh nghiệp, các nhà khoa học, hiệp hội… Kinh phí đối ứng của cộng đồng, doanh nghiệp, các chủ thể quyền sở hữu trí tuệ thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế. Đặc biệt là công tác bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm chung của cộng đồng, sản phẩm sáng tạo của các nhà sáng chế không chuyên, sáng chế nông dân.

Bên cạnh đó, các hoạt động về phát triển sở hữu trí tuệ cần có tính độc đáo, khác biệt để tạo ra lợi thế kinh doanh, phương án phát triển sản phẩm cần phải triển khai ngay, nhưng qua quy trình đặt hàng, tuyển chọn, phê duyệt, bố trí kinh phí phải tuân thủ quy trình đã đôi khi làm mất cơ hội kinh doanh.

Để khắc phục những tồn tại nêu trên, Bộ Tài chính đã hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về quản lý tài chính thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030.

Theo dự thảo thông tư, kinh phí thực hiện chương trình được bảo đảm từ các nguồn: NSNN; nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của chương trình do địa phương quản lý; các nguồn kinh phí khác. Nguyên tắc hỗ trợ kinh phí từ nguồn NSNN và huy động các nguồn tài chính khác cũng được quy định rõ tại dự thảo thông tư này.

Cụ thể, đối với đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên, NSNN hỗ trợ 100% kinh phí thực hiện nhiệm vụ. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, NSNN hỗ trợ một phần kinh phí trên cơ sở khả năng thu của đơn vị (tỷ lệ NSNN hỗ trợ tối đa không quá 70% tổng dự toán kinh phí thực hiện nhiệm vụ). Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư, đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên; các đơn vị sự nghiệp ngoài công lập, doanh nghiệp và các tổ chức khác, thì đơn vị tự đảm bảo kinh phí để thực hiện nhiệm vụ, NSNN không hỗ trợ kinh phí.

Hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của địa phương được hỗ trợ

Công tác hỗ trợ bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm đặc thù, chủ lực của địa phương, sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chương trình. Thông qua hoạt động này, đã có hơn 500 sản phẩm nông nghiệp chủ lực, đặc thù của địa phương được hỗ trợ. Ngoài ra, có hàng trăm sản phẩm được hỗ trợ từ chương trình của các địa phương, chủ yếu hỗ trợ cho các sản phẩm chủ lực cấp tỉnh, sản phẩm làng nghề, sản phẩm đặc thù, truyền thống dưới dạng nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể… hàng trăm sản phẩm được hỗ trợ từ các nguồn kinh phí khác và xã hội hóa. Nhờ bảo hộ sở hữu trí tuệ, giá trị nhiều sản phẩm chủ lực của địa phương đã tăng cao, như: nước mắm Phú Quốc tăng từ 30 - 50%; bưởi Phúc Trạch tăng từ 30 - 35%; cam Vinh tăng lên hơn 50% sau khi sản phẩm được bảo hộ chỉ dẫn địa lý…

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam