Sớm ban hành thông tư hướng dẫn để công khai, minh bạch

09:30 | 12/05/2021 Print
(TBTCVN) -Luật sư Nguyễn Tiến Lập (Văn phòng luật sư NH Quang & Cộng sự) cho rằng, trong thời gian qua, hoạt động quản lý thu chi tài chính công tác tổ chức lễ hội, tiền công đức… phần nào bị buông lỏng.Việc ban hành thông tư hướng dẫn hoạt động này là rất cần thiết và không thể chậm trễ hơn nữa.

8

Vẫn còn nhiều tranh luận, mâu thuẫn và cả sai phạm trong việc quản lý, sử dụng tiền công đức tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng.

Tránh sự quản lý tuỳ nghi của từng địa phương và cơ sở

Bộ Tài chính đang dự thảo và lấy ý kiến đóng góp rộng rãi trong nhân dân thông tư hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội. Bày tỏ quan điểm xung quanh việc góp ý cho dự thảo thông tư này, Luật sư (LS) Nguyễn Tiến Lập cho rằng, Nghị định 110/2018 của Chính phủ về tổ chức quản lý lễ hội đã giao Bộ Tài chính hướng dẫn vấn đề quản lý tài chính. Do đó, việc ban hành thông tư này theo ông là không thể chậm trễ hơn nữa, nhất là khi thời gian qua có nhiều bất cập trong việc quản lý thu, chi tài chính cho vấn đề này, gây bức xúc trong dư luận.

Đây không phải là pháp luật điều chỉnh một vấn đề xã hội mới phát sinh mà là vấn đề đã tồn tại từ lâu. Đó là một mặt, người dân có xu hướng tham gia ngày càng đông vào các hoạt động lễ hội, đặc biệt khi gắn với đền, chùa và các hành lễ tôn giáo, tâm linh. Mặt khác, họ cũng ngày càng sẵn sàng đóng góp tiền của nhiều hơn cho các hoạt động làm công đức.

Theo LS. Nguyễn Tiến Lập, việc người dân công đức là quyền dân sự chính đáng của cá nhân nên Nhà nước không cần quản lý, can thiệp bằng công cụ pháp luật. Tuy nhiên, về phía bên nhận, dù là ban tổ chức lễ hội hay người chủ trì quản lý đền, chùa thì rất cần thiết phải có những quy chế, nguyên tắc cần được tuân thủ. Lý giải vấn đề, vị luật sư này cho rằng, đó là hoạt động mang tính công cộng, gắn với lợi ích công, hoàn toàn không phải việc tư. Dù là ai thì khi quản lý tiền của người khác giao cho, cần phải có trách nhiệm không chỉ ghi công hay xác nhận về kế toán mà còn phải giải trình về việc sử dụng có đúng mục đích của người góp tiền hay không? Kế đó, người được Nhà nước cho phép nhận và quản lý tiền tài trợ, công đức thì cũng phải có nghĩa vụ tạo điều kiện cho việc giám sát của cơ quan chức năng để bảo đảm sự công khai, minh bạch, không vụ lợi và tham nhũng.

Nhìn nhận vấn đề như vậy để thấy trong thời gian vừa qua, hoạt động này phần nào bị buông lỏng và phó mặc cho sự điều chỉnh của tập quán truyền thống hay sự quản lý tuỳ nghi của từng địa phương và cơ sở.

Tạo sự minh bạch

Trong dự thảo thông tư này, Bộ Tài chính đã quy định rõ hướng dẫn về quản lý thu, chi tài chính. Cụ thể, đối với quản lý tiền trong hòm công đức: Cơ sở quản lý di tích căn cứ tình hình thực tế để quyết định số lượng hòm công đức đặt tại di tích, bảo đảm thuận lợi cho việc công đức. Hòm công đức đảm bảo mỹ quan, bền vững và phù hợp với di tích; được niêm phong và sử dụng tối thiểu 2 loại khóa, chìa của mỗi khóa được giao cho cơ sở quản lý di tích và trưởng ban quản lý di tích quản lý độc lập. Tiền công đức, tài trợ cho di tích được sử dụng để chi: hương hoa, lễ vật, phẩm vật, đèn nhang tại di tích; tuyên truyền, phổ biến về nguồn gốc, giá trị di sản văn hóa của di tích; chi bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích; chi đầu tư xây dựng các hạng mục công trình phục vụ cho hoạt động của di tích; chi các hoạt động từ thiện gắn với di tích...

Thời gian qua, nhiều tổ chức, cá nhân lợi dụng việc quyên góp, ủng hộ công đức gây nhũng nhiễu xã hội, tư lợi cá nhân. Vì vậy, Bộ Tài chính có quy định hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác lễ hội, tiền công đức… được đánh giá là sẽ góp phần đưa hoạt động trên vào quy củ, nề nếp.

Dự thảo thông tư cũng quy định, việc công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội mang tính tự nguyện. Không được ép buộc tổ chức, cá nhân đóng góp, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội; không được coi việc công đức, tài trợ là điều kiện để tổ chức lễ hội hoặc cung cấp quyền tham gia, tham quan, du lịch, nghiên cứu lễ hội, di tích; không được quy định mức bình quân, mức tối thiểu công đức, tài trợ cho tổ chức lễ hội, di tích và hoạt động lễ hội.

Bình luận về điều này, LS. Lập cho rằng, nguyên tắc không ép buộc tài trợ hay đóng góp công đức là đương nhiên và điều này đã được khẳng định bằng nhiều quy định của luật chứ không cần chờ đến hướng dẫn bằng thông tư. Tuy nhiên, vấn đề ở chỗ khi quy định cụ thể để thi hành, thông tư này cần nói rõ hơn việc cấm có sự ép buộc dưới bất cứ hình thức và cấp độ nào, tức hạn chế sự lạm dụng và biến tướng. Chẳng hạn như tuy không ép buộc công đức, nhưng lại đặt ra các điều kiện nhất định để làm khó hay gây bất lợi cho người không đóng góp khi tham gia lễ hội. Hay việc kêu gọi đóng góp thái quá bằng cách làm phiền về tâm lý nếu như không chấp nhận.

Còn về quy định khuyến khích đóng góp bằng hình thức điện tử như chuyển khoản ngân hàng, theo LS. Lập, đó là điều bình thường trong bối cảnh các phương thức thanh toán điện tử, mobile banking đang phát triển mạnh ở Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, nên để tuỳ nghi cho các ban tổ chức lễ hội hay chính quyền cơ sở ở từng địa phương quy định phù hợp với các điều kiện và hoàn cảnh cụ thể.

Khuyến khích công đức không dùng tiền mặt

Dự thảo hướng dẫn quản lý, thu chi tài chính cho công tác tổ chức lễ hội và tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đề xuất người làm công đức, tài trợ bằng cách: bỏ tiền vào hòm công đức; đưa cho bộ phận tiếp nhận công đức tại di tích; chuyển tiền vào tài khoản của cơ sở quản lý di tích mở tại ngân hàng thương mại, Kho bạc Nhà nước. Trong đó, khuyến khích công đức bằng tiền theo hình thức chuyển khoản, phương thức điện tử.

Thảo Miên

Thảo Miên

© Thời báo Tài chính Việt Nam