Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước: Kỳ vọng tiến độ sẽ nhanh hơn trong nửa cuối năm 2021

10:41 | 07/05/2021 Print
(TBTCVN) - Kết thúc giai đoạn 2016 – 2020, còn 89 doanh nghiệp (DN) chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Dự kiến các DN này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch. Do nhiều yếu tố, trong đó có tác động của dịch Covid-19, tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn trong 4 tháng đầu năm 2021 vẫn chậm.

Trong nửa cuối năm, tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn được kỳ vọng sẽ nhanh hơn.

Trong nửa cuối năm, tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn được kỳ vọng sẽ nhanh hơn.

Tuy nhiên, trong nửa cuối năm, tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn được kỳ vọng sẽ nhanh hơn, với việc kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế phục hồi và các quy định, quy chế mới thông thoáng hơn.

4 tháng, thoái vốn mới thu về 2.165 tỷ đồng

Báo cáo về tình hình thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN) trong 4 tháng đầu năm 2021, Cục Tài chính doanh nghiệp (TCDN – Bộ Tài chính) cho biết đã nhận được báo cáo phê duyệt phương án cổ phần hóa 2 DN thuộc Tổng công ty Lương thực Miền Bắc, với tổng giá trị DN là 202 tỷ đồng, trong đó phần vốn của Tổng công ty Lương thực Miền Bắc là 119 tỷ đồng.

Đồng thời, trong 4 tháng đầu năm các đơn vị vẫn tiếp tục triển khai công tác để thực hiện xác định giá trị DN để cổ phần hóa theo quy định. Cụ thể, Cục TCDN nhận được quyết định phê duyệt giá trị DN của Công ty TNHH MTV Đầu tư, xây dựng và kinh doanh dịch vụ Quảng Ngãi. Ngày 8/2/2021, Tổng công ty Phát điện 2 (EVNGENCO2) đã phối hợp với Sở Giao dịch Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HOSE) và Tư vấn tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng của Công ty mẹ EVENGENCO2.

Kết thúc giai đoạn 2016 – 2020, còn 89 DN chưa hoàn thành kế hoạch cổ phần hóa. Dự kiến các DN này sẽ tiếp tục triển khai cổ phần hóa theo kế hoạch.

Về thoái vốn, lũy kế 4 tháng đầu năm đã thoái với giá trị 286,6 tỷ đồng, thu về 2.165 tỷ đồng. Trong đó, đã thoái tại 3 đơn vị thuộc Quyết định số 908/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ với giá trị 52,5 tỷ đồng, thu về 84,1 tỷ đồng. Thoái vốn tại 9 DN thuộc Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tập đoàn Viettel, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, VNPT, Tổng công ty Thái Sơn với tổng giá trị là 234,1 tỷ đồng, thu về 2.081,3 tỷ đồng.

Đối với công tác bàn giao vốn về SCIC (Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước), lũy kế 4 tháng đầu năm, SCIC đã tiếp nhận quyền địa diện chủ sở hữu của 3 DN của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là Công ty cổ phần Du lịch và xúc tiến đầu tư, Công ty cổ phần XNK Vật tư thiết bị ngành in và Công ty cổ phần Phim Giải phóng, với tổng giá trị phần vốn nhà nước chuyển giao là 218 tỷ đồng.

Cùng trong thời gian này, số thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp về Quỹ Hỗ trợ sắp xếp DN là 193 tỷ đồng. Số dự kiến thu từ cổ phần hóa, thoái vốn nộp vào ngân sách nhà nước năm 2021 là 40.000 tỷ đồng theo dự toán năm 2021.

Kiến nghị Thủ tướng có công văn đôn đốc cổ phần hóa, thoái vốn

Để tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN thời gian tới, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định về tiêu chí phân loại DNNN và DN có vốn nhà nước thực hiện chuyển đổi sở hữu, sắp xếp lại, thoái vốn. Đồng thời, đề nghị Văn phòng Chính phủ tham mưu cho Thủ tướng Chính phủ có công văn chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại DN.

Theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục TCDN, trước tình hình thoái vốn quý I chậm, Bộ Tài chính kiến nghị với Chính phủ ra văn bản đôn đốc, chỉ đạo, trên tinh thần nhấn mạnh trách nhiệm của người đứng đầu phải quyết tâm thực hiện. Mặc dù, việc triển khai cũng phải tùy thuộc vào kết quả khống chế được Covid-19, bởi nếu dịch bệnh vẫn đe dọa thì sẽ khó thoái vốn do việc đấu giá phải thực hiện trực tiếp.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục TCDN cũng cho rằng, kết quả thoái vốn phụ thuộc vào thời điểm và phụ thuộc vào diễn biến trên thị trường chứng khoán cũng như mức độ quan tâm của nhà đầu tư. Hơn nữa, danh mục đang đầu tư hiệu quả thì phải tính toán căn cơ hơn. “Hy vọng trong quý III, quý IV, tiến độ công tác cổ phần hóa, thoái vốn sẽ nhanh hơn vì việc xác định giá trị DN thông thoáng hơn, gắn trách nhiệm với tổ chức thẩm định giá. Thứ hai là quy chế bán đấu giá bảo đảm theo cơ chế thị trường nên hoạt động đấu giá sẽ thu hút được nhiều nhà đầu tư hơn” - ông Đặng Quyết Tiến cho biết.

Đối với cổ phần hóa, hiện vấn đề trong cổ phần hóa DN lớn là phải tiến hành khâu chuẩn bị rất thận trọng, cơ sở pháp lý phải chặt chẽ để không thất thoát tài sản nhà nước. Nếu không chặt chẽ, khi phê duyệt phương án cổ phần hóa sẽ phát hiện ra thì lại phải dừng để làm lại, khi đó sẽ rất phức tạp và mất nhiều thời gian.

Hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa


Về việc hoàn thiện cơ chế chính sách về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước (DNNN), hiện nay Cục Tài chính doanh nghiệp đang triển khai xây dựng theo tiến độ 3 đề án. Trong đó, về rà soát, tổng kết, báo cáo Chính phủ việc sửa đổi, bổ sung Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) và các văn bản hướng dẫn có liên quan, ngày 31/3 Bộ Tài chính đã có công văn lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp về dự thảo nghị định; đồng thời đăng tải lên trang thông tin điện tử của Bộ Tài chính và Cổng thông tin điện tử Chính phủ để lấy ý kiến rộng rãi.

Về việc chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng Đề án “Cơ cấu lại DNNN, trọng tâm là tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước giai đoạn 2021 - 2025”, hiện Bộ Tài chính đang tổng hợp, giải trình ý kiến tham gia của các cơ quan, đơn vị để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Bên cạnh đó, Cục Tài chính doanh nghiệp cũng đang xây dựng 6 thông tư hướng dẫn các nghị định của Chính phủ về cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN.

Dương An

Dương An

© Thời báo Tài chính Việt Nam