98 thủ tục hải quan sẽ kết nối dịch vụ công quốc gia

16:36 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) -Thực hiện chủ trương phát triển Chính phủ điện tử, ngành Hải quan đã và đang đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, phấn đấu đến cuối năm 2021 kết nối 98 thủ tục hải quan tham gia dịch vụ công quốc gia nhằm tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong việc thực hiện thủ tục hải quan

Cán bộ Cục Công nghệ thông tin và thông kê hải quan

Cán bộ Cục Công nghệ thông tin và thông kê hải quan hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Tuấn Dũng

Để rõ hơn về nỗ lực triển khai dịch vụ công trực tuyến của ngành Hải quan, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan, Tổng cục Hải quan Ngô Như An.

PV: Ngành Hải quan là đơn vị tiên phong của Bộ Tài chính trong việc thực hiện dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử. Đến nay công tác này đã đạt được kết quả như thế nào, thưa ông?

- Ông Ngô Như An: Bắt đầu từ tháng 3/2017, ngành Hải quan đã nỗ lực rà soát, chuẩn bị về cơ sở hạ tầng công nghệ, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng quy trình thủ tục hành chính (TTHC) và chính thức vận hành Hệ thống HQ36a, mở rộng cung cấp DVCTT trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan.

Ông Ngô Như An

Ông Ngô Như An

Trong giai đoạn này, Tổng cục Hải quan cũng không ngừng tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn, hỗ trợ công chức hải quan trong toàn ngành cũng như cộng đồng DN để thực hiện nộp và xử lý hồ sơ TTHC thông qua các Hệ thống DVCTT. Đặc biệt bộ phận hỗ trợ (helpdesk) luôn thường trực 24/7 để giải đáp vướng mắc mà hỗ trợ DN sử dụng.

Kết quả, tính đến tháng 4/2021, thông qua các hệ thống cung cấp DVCTT (thông quan tự động VNACCS/VCIS, Cổng thông tin một cửa quốc gia, Cổng thanh toán điện tử, Hệ thống HQ36a), ngành Hải quan đã cung cấp DVCTT mức độ 3,4 cho 200/236 TTHC, chiếm 85% tổng số TTHC do ngành Hải quan thực hiện. Trong đó, có 194 thủ tục đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 4 (đạt tỷ lệ 82,2%).

PV: Thưa ông, việc thực hiện DVCTT mang lại những lợi ích quan trọng nào đối với cơ quan hải quan cũng như người dân và DN?

- Ông Ngô Như An: Việc thực hiện các TTHC thông qua DVCTT trong thời gian qua đã mang lại nhiều lợi ích quan trọng, không chỉ đối với người dân, DN, cơ quan hải quan mà còn đặc biệt có ý nghĩa phòng chống dịch Covid-19 trong giai đoạn hiện nay.

Cụ thể, việc thực hiện DVCTT tiết kiệm thời gian và chi phí. Khi thực hiện các TTHC qua các hệ thống DVCTT DN giảm được thời gian đi lại, chờ đợi tại địa điểm thực hiện thủ tục. Đồng thời, các hồ sơ TTHC khi thực hiện qua DVCTT cũng được số hóa, giúp DN có thể cắt giảm được các chi phí về hồ sơ, giấy giờ, in ấn. Trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, việc giảm tiếp xúc vào hồ sơ cũng là góp phần ngăn ngừa sự lây lan của dịch bệnh.

DVCTT góp phần chống tham nhũng, phiền hà, sách nhiễu. Thực hiện TTHC qua các hệ thống DVCTT giúp cho người dân và DN không cần phải trực tiếp đến trụ sở cơ quan hải quan. Người dân và DN có thể nộp hồ sơ qua hệ thống từ thiết bị có kết nối mạng internet. Việc tiếp nhận, xử lý, trả kết quả đều được thực hiện qua mạng internet, nhờ đó có thể giảm được sự tiếp xúc trực tiếp của người làm thủ tục và công chức giúp giảm sự phiền hà, sách nhiễu.

Đối với cơ quan hải quan, DVCTT giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, cắt bỏ được các quy trình tiếp nhận, bố trí nhân lực xử lý hồ sơ thủ công, giảm chi phí cho ngân sách nhà nước, công khai minh bạch thông tin.

PV: Cùng với việc thực hiện DVCTT nêu trên, từ năm 2019, Tổng cục Hải quan đang nỗ lực trong việc tích hợp DVCTT lên Cổng Dịch vụ công quốc gia theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ Tài chính. Ông có thể cho biết đến nay, nhiệm vụ này đã được cơ quan hải quan thực hiện như thế nào?

- Ông Ngô Như An: Thực hiện chỉ đạo của Bộ Tài chính về việc phối hợp với Văn phòng Chính phủ triển khai kết nối thủ tục hải quan lên Cổng Dịch vụ công quốc gia (Cổng DVCQG), trong năm 2019, Tổng cục Hải quan đã chủ động rà soát, đánh giá tổng thể số lượng và chất lượng TTHC cung cấp DVCTT của ngành, đánh giá khả năng TTHC đáp ứng tiêu chí, yêu cầu có thể tích hợp, kết nối lên Cổng DVCQG.

Vào cuối năm 2019, ngành Hải quan đã lựa chọn và chính thức kết nối 2 DVCTT là “hủy tờ khai hải quan” và “khai bổ sung tờ khai hải quan” tích hợp DVCQG. Đây là DVCTT hải quan có nhiều người dân, DN thực hiện và đã được ngành Hải quan triển khai cung cấp theo hình thức trực tuyến 24/7 trên phạm vi toàn quốc từ 1/3/2017.

Trên cơ sở kết quả của năm 2019, năm 2020, Tổng cục Hải quan đã hoàn thành tích hợp và cung cấp 70 DVCTT lên Cổng DVCQG tại địa chỉ https://dichvucong.gov.vn, nâng tổng số DVCTT trong lĩnh vực hải quan được cung cấp trên Cổng DVCQG lên 72 DVCTT.

Việc tích hợp các DVCTT hải quan lên Cổng DVCQG có những thuận lợi nhất định, đó là sự đồng lòng nhất trí của lãnh đạo các cấp, sự phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan và hỗ trợ kịp thời của Văn phòng Chính phủ.

Tại Quyết định 172/QĐ-TCHQ, Tổng cục Hải quan đã ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Nghị quyết 02/NQ-CP, trong đó một trong các mục tiêu đến hết năm 2021 là tiếp tục cung cấp DVCTT mức độ 3,4 và phấn đấu áp dụng 100% cho dịch vụ công thiết thực đối với người dân, DN.

Theo kế hoạch triển khai DVCTT năm 2021, Tổng cục Hải quan đã đăng ký với Bộ Tài chính là tiếp tục cung cấp thêm DVCTT mức độ 3,4 đối với 22 TTHC và sẽ tích hợp thêm 26 DVCTT mức độ 3,4 lên Cổng DVCQG vào cuối năm 2021.

Như vậy với kế hoạch này, từ nay đến hết năm 2021, ngành Hải quan sẽ phấn đấu nỗ lực trong việc rà soát, lựa chọn 26 DVCTT, nâng cấp hệ thông công nghệ thông tin, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các bên liên quan đảm bảo kết nối 98 thủ tục tham gia Cổng DVCQG.

PV: Xin cảm ơn ông!

Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích dịch vụ công trực tuyến

Trên thực tế, dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) được Tổng cục Hải quan bắt đầu triển khai từ năm 2005 với việc thí điểm thủ tục hải quan điện tử. Theo đó, toàn bộ các khâu trong quy trình thủ tục hải quan từ khai tờ khai xuất nhập khẩu (XNK), phê duyệt, đến quyết định hình thức mức độ kiểm tra đối với một lô hàng XNK đều được thực hiện bằng phương thức điện tử.

Đến năm 2013, thủ tục hải quan điện tử đã được thực hiện trong phạm vi toàn quốc. Tháng 4/2014, Hải quan Việt Nam tiếp nhận và triển khai thành công Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) và từng bước đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, từ các khâu trong quản lý nghiệp vụ hải quan, thanh toán điện tử đến việc tích cực kết nối các bộ ngành trong triển khai Cơ chế một cửa quốc gia… Nhờ đó, các TTHC cốt lõi trong lĩnh vực hải quan liên quan đến thông quan hàng hóa đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, cho phép doanh nghiệp nộp hồ sơ và nhận kết quả thông qua mạng Internet. Đây là nên tảng, cơ sở để ngành Hải quan triển khai có hiệu quả DVCTT theo tinh thần Nghị quyết 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử và triển khai kết nối DVCTT hải quan trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Trong thời gian tới, Tổng cục Hải quan tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân và doanh nghiệp hiểu được những lợi ích của việc thực hiện các TTHC qua các Hệ thống DVCTT của ngành Hải quan và DVCTT hải quan trên Cổng DVCQG.

Bộ phận hỗ trợ thuộc Cục Công nghệ thông tin và thống kê hải quan sẽ tăng cường công tác hướng dẫn và luôn duy trì hỗ trợ 24/7 để tiếp nhận, xử lý vướng mắc của người dân và DN trong quá trình thực hiện các TTHC thuộc lĩnh vực hải quan thông qua số điện thoại 19009299; Email: [email protected].

Diệu Linh (thực hiện)

Diệu Linh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam