Ngành Tài chính chủ động hoàn thiện kiến trúc Chính phủ số

16:02 | 30/04/2021 Print
(TBTCVN) - Thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính đã ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số.

Hoạt động tại Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế

Hoạt động tại Trung tâm Giám sát hệ thống công nghệ thông tin của Tổng cục Thuế. Ảnh: Khánh Huyền

Bản kiến trúc sẽ làm cơ sở cho các đơn vị trong ngành hoàn thiện kiến trúc chính phủ số thành phần, hướng tới mục tiêu chung là kiến tạo Bộ Tài chính số, Chính phủ số tại Việt Nam.

Xây dựng các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thống nhất

Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính – Bộ Tài chính cho biết, đến nay, Bộ Tài chính đã xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính theo Đề án “Xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính” tại Quyết định số 2376/QĐ-BTC và Kiến trúc Cơ sở dữ liệu quốc gia về Tài chính tại Quyết định số 585/QĐ-BTC, dựa trên các nhóm yếu tố chính là nhân sự - dữ liệu - công nghệ - cơ chế, chính sách, lộ trình xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL) về tài chính.

Cũng theo ông Nguyễn Việt Hùng, đến hết năm 2020, riêng về mảng dịch vụ công trực tuyến có những bước tiến khả quan. Hiện tại toàn ngành Tài chính có 977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính là 583 (đạt tỷ lệ 60%). Rất nhiều dịch vụ công trực tuyến quan trọng của Bộ Tài chính phục vụ doanh nghiệp, người dân đã được kết nối thành công lên Cổng dịch vụ công quốc gia.

“Về việc triển khai CSDL quốc gia Tài chính, hiện tại đã có 6 cơ sở dữ liệu thành phần của cơ sở dữ liệu quốc gia về tài chính đã được hoàn thành và đi vào hoạt động. Chúng ta đang ở giai đoạn hoàn thiện nốt một số cơ sở dữ liệu thành phần” - ông Hùng cho biết.

Hiện nay, Bộ Tài chính đã hoàn thiện xây dựng các cơ sở dữ liệu chuyên ngành quan trọng của ngành Tài chính về thuế, hải quan, kho bạc gồm: CSDL chuyên ngành quản lý thuế được xây dựng theo công nghệ kho dữ liệu hỗ trợ công tác nghiệp vụ, công tác quản lý thuế, công tác chỉ đạo/điều hành và ra quyết định.

Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số được triển khai trong hai giai đoạn

Giai đoạn 2021 - 2025: Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện xây dựng Chính phủ điện tử ngành Tài chính hướng tới Bộ Tài chính số, Bộ Tài chính phục vụ, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm và nâng cao hiệu quả hoạt động toàn ngành thông qua Chính phủ số và các công cụ số hóa.

Giai đoạn từ 2026 tới 2030: Tiếp tục hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ xây dựng văn phòng không giấy tờ; xây dựng nền tảng Tài chính số dựa trên dữ liệu và dữ liệu mở; thiết lập hệ sinh thái ngành Tài chính số trong đó Chính phủ đóng vai trò kiến tạo và kết nối với các bên thông qua việc mở, chia sẻ dữ liệu và các nền tảng số hóa để cho phép nhiều bên tạo ra các dịch vụ Tài chính thông minh.

Đối với lĩnh vực thuế, theo ông Phạm Quang Toàn, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Tổng cục Thuế, hệ thống lưu trữ quản lý các nguồn dữ liệu thuế từ hệ thống bao gồm: quản lý thuế tập trung (TMS), báo cáo tài chính, quản lý ấn chỉ, thanh tra kiểm tra (TTR). CSDL hỗ trợ xây dựng 210 báo cáo tĩnh theo yêu cầu nghiệp vụ ngành Thuế từ khâu lập dự toán, đôn đốc kê khai – nộp thuế, quản lý thuế, thanh tra – kiểm tra. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng 20 báo cáo động đáp ứng yêu cầu phân tích 10 chủ đề dữ liệu: đăng ký thuế, nghĩa vụ kê khai thuế, kê khai thuế, kế toán thuế, theo dõi thu nộp, nợ và cưỡng chế nợ thuế, hoàn thuế, miễn giảm thuế, thanh tra thuế, quản lý ấn chỉ. Đến nay, hệ thống đã phân quyền cho 2.578 người sử dụng tại 63 cục thuế và Tổng cục Thuế để tham gia hệ thống. Trong đó đã có hơn 73.993 lượt báo cáo đã được khai thác phục vụ các công việc liên quan.

Việc sử dụng CSDL chuyên ngành quản lý thuế đã góp phần hỗ trợ công tác khai thác số liệu phục vụ quản lý thuế cũng như giảm áp lực lên hệ thống tác nghiệp trong việc lấy báo cáo, dữ liệu phục vụ yêu cầu nghiệp vụ, cung cấp thông tin cho các đơn vị bên ngoài thông qua cổng cung cấp thông tin về đăng ký thuế, nghĩa vụ kê khai, số thuế qua cổng thông tin ngành Thuế.

Về lĩnh vực kho bạc, theo đại diện Cục CNTT Kho bạc Nhà nước, CSDL chuyên ngành quản lý kho bạc đã hoàn thành việc xây dựng và triển khai rộng trong toàn hệ thống kho bạc nhà nước (KBNN) từ tháng 11/2018. Số lượng báo cáo được khai thác nhiều, trung bình hàng ngày có khoảng hơn 900 người sử dụng là cán bộ kế toán, kiểm soát chi vào khai thác báo cáo; số lượng báo cáo khai thác trung bình 1 ngày khoảng 20.000 đến 30.000 báo cáo, ngày cao điểm lên đến hơn 62.000 báo cáo. CSDL chuyên ngành quản lý Kho bạc đưa vào sử dụng góp phần giảm áp lực cho các hệ thống tác nghiệp, đặc biệt là hệ thống TABMIS vào thời điểm cuối năm; cung cấp số liệu về tình hình thu/chi NSNN gần như tức thời phục vụ cho việc điều hành ngân sách hàng ngày và đặc biệt vào thời điểm cuối năm. Báo cáo trên Kho dữ liệu chạy nhanh, trường hợp in toàn quốc với tham số cả năm với báo cáo nặng nhất chưa đến 10 phút nên đáp ứng kịp thời nhu cầu khai thác.

Riêng lĩnh vực hải quan, ông Lê Đức Thành - Cục trưởng Cục công nghệ thông tin và thống kê - Tổng cục Hải quan cho biết, CSDL chuyên ngành quản lý Hải quan (Hệ thống thông tin hỗ trợ ra quyết định nghiệp vụ Hải quan) được xây dựng theo công nghệ Kho dữ liệu dùng để xây dựng, cung cấp các báo cáo nhanh cho lãnh đạo Tổng cục Hải quan phục vụ báo cáo Bộ Tài chính và các cơ quan, lãnh đạo nhà nước.

Thống kê cho thấy, từ tháng 5/2018, CSDL chuyên ngành quản lý hải quan đã được các đơn vị hải quan trên toàn quốc sử dụng khai thác số liệu phục vụ các công tác quản lý hải quan. Số lượng báo cáo được khai thác nhiều liên quan chủ yếu đến việc tra cứu thông tin tổng hợp về tờ khai, kim ngạch, công tác thu thuế, các thông tin loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu theo loại hình... Trung bình hàng ngày có khoảng 200 người sử dụng là cán bộ nghiệp vụ vào khai thác báo cáo; số lượng báo cáo khai thác trung bình 1 ngày khoảng 500 đến 1.000 báo cáo, ngày cao điểm lên đến hơn 2.000 báo cáo. Số lượt truy cập trung bình hàng ngày đạt khoảng 700 đến 800 lượt. Cho đến nay đã cấp phát và phân quyền sử dụng cho hơn 3.000 tài khoản để truy cập hệ thống.

Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số

Bộ Tài chính cho rằng, việc ban hành Kiến trúc tổng thể hướng tới Bộ Tài chính số (tại Quyết định số 2366/QĐ-BTC ngày 31/12/2020 của Bộ Tài chính) mang lại cho ngành Tài chính ý nghĩa to lớn. Đó là đề ra một quy hoạch tổng thể hệ sinh thái số, hệ sinh thái CNTT để giúp nâng cao hiệu lực hiệu quả trong hoạt động quản lý nhà nước của ngành Tài chính, cũng như chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng dữ liệu mở và dữ liệu lớn, hướng tới ngành Tài chính số với mục tiêu lấy người dùng làm trung tâm. Tạo nền tảng cho ngành Tài chính tiếp cận nắm vai trò chủ động, kiến tạo trong xây dựng chính phủ số tại Việt Nam.

Dựa trên hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Quyết định số 2323/QĐ-BTTTT ngày 31/12/2019 ban hành khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, phiên bản 2.0, Bộ Tài chính đã nghiên cứu, tiếp thu và bổ sung một số cách diễn đạt, cách tổ chức theo đúng hướng dẫn tại Quyết định số

2323/QĐ-BTTTT. Đồng thời, Bộ Tài chính còn bổ sung 5 mô hình tham chiếu gồm: mô hình tham chiếu nghiệp vụ, mô hình tham chiếu dữ liệu, mô hình tham chiếu ứng dụng, mô hình tham chiếu công nghệ, mô hình tham chiếu an toàn thông tin; cập nhật bổ sung một số văn bản của Đảng, Chính phủ liên quan đến việc thực hiện xây dựng Chính phủ điện tử tiếp cận cách mạng công nghiệp 4.0.

“Đến hết năm 2020, riêng về mảng dịch vụ công trực tuyến có những bước tiến khả quan. Hiện tại toàn ngành Tài chính có 977 dịch vụ công trực tuyến, trong đó tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính là 583 dịch vụ công trực tuyến (đạt tỷ lệ 60%). Rất nhiều dịch vụ công trực tuyến quan trọng của Bộ Tài chính phục vụ doanh nghiệp, người dân đã được kết nối thành công lên Cổng dịch vụ công quốc gia”. Ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Cục trưởng Cục Tin học và thống kê tài chính – Bộ Tài chính

Đức Minh

Đức Minh

© Thời báo Tài chính Việt Nam