Các bộ, ngành phải đề xuất xử lý trụ sở cũ của đơn vị mình

20:58 | 29/04/2021 Print
Về những trụ sở bỏ trống do được xây dựng trụ sở mới ở địa phương bị xuống cấp, hư hỏng, Bộ Tài chính cho biết, các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đề xuất phương án xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, đơn vị mình quản lý theo đúng quy định.

nhà đất

Khi xây dựng trụ sở mới, các bộ, ngành phải đề xuất phương án xử lý đối với trụ sở cũ. Ảnh: TL.

Cử tri tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện nay tại địa phương có một số công trình được xây dựng bằng ngân sách nhà nước nhưng không đưa vào sử dụng trong thời gian khá dài do được xây dựng trụ sở mới, nên các công trình này đang để trống, xuống cấp, hư hỏng.

Cử tri Quảng Trị đề nghị Bộ Tài chính kịp thời có phương án quản lý và khai thác, sử dụng có hiệu quả tài sản công, tránh lãng phí ngân sách nhà nước.

Bộ Tài chính cho biết, triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 167/2017/NĐ-CP quy định viêc sắp xếp lại, xử lý tài sản công; Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư hướng dẫn số 37/2018/TT-BTC ngày 16/4/2018.

Đối với các cơ sở nhà, đất mà cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý không có nhu cầu sử dụng do được đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp tại địa điểm mới,... thì cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trực tiếp quản lý, sử dụng có thể đề xuất một trong các phương án: điều chuyển, bán tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển giao về địa phương để quản lý, xử lý hoặc thu hồi.

Căn cứ quy định nêu trên, các bộ, cơ quan trung ương có trách nhiệm đề xuất phương án xử lý đối với nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý; gửi Bộ Tài chính để xem xét, xử lý theo đúng quy định tại Nghị định số 167/2017/NĐ-CP của Chính phủ.

Trong quá trình thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo Quyết định số 09/2007/QĐ-TTg ngày 19/01/2007 của Thủ tướng Chính phủ (nay là Nghị định số 167), Bộ Tài chính đã phê duyệt phương án chuyển giao nhà, đất về địa phương quản lý, xử lý đối với 424 cơ sở nhà, đất (tương ứng với hơn 2 triệu m2 đất và hơn 178 nghìn m2 nhà).

Để đẩy nhanh tiến độ thực hiện việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công theo Nghị định số 167/2017/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 32/CT-TTg về đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật.

Trong đó quy định: Bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh chỉ đạo thực hiện sắp xếp lại, xử lý tài sản công (nhà, đất, xe ô tô, máy móc, thiết bị) để quản lý, sử dụng theo đúng tiêu chuẩn, định mức và quy định của pháp luật.

Đồng thời, chỉ đạo đẩy nhanh việc báo cáo kê khai, lập phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp (đặc biệt là các doanh nghiệp thuộc đối tượng cổ phần hóa) để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý theo quy định.

Các bộ, cơ quan trung ương, UBND cấp tỉnh phải tổ chức kiểm tra, rà soát việc thực hiện sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc phạm vi quản lý đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; xử lý dứt điểm tình trạng sử dụng chưa đúng quy định (cho thuê, cho mượn, bố trí nhà ở, đất ở, sử dụng sai mục đích…). Việc quản lý, sử dụng tài sản công sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án sắp xếp lại thực hiện đúng quy định của pháp luật. Thực hiện nghiêm quy định pháp luật về đấu giá khi bán, chuyển nhượng tài sản công; xử lý nghiêm các sai phạm.

Trong thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương để xử lý nhà, đất của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp thuộc trung ương quản lý trên địa bàn địa phương (trong đó có nhà, đất là trụ sở làm việc cũ sau khi đã được đầu tư xây dựng trụ sở mới) theo các hình thức chuyển giao về địa phương hoặc phối hợp với địa phương thu hồi nhằm quản lý hiệu quả, tiết kiệm tài sản công./.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam