Nhất trí một số phương án sử dụng ngân sách năm 2020

19:43 | 27/04/2021 Print
(TBTCVN) - Chiều 27/4, sau khi xem xét, thảo luận tại phiên họp thứ 55, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với các đề xuất của Chính phủ về phương án sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương năm 2020...

BVC

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình của Chính phủ tại phiên họp thứ 55 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Không xét thưởng vượt thu năm 2020 do ngân sách khó khăn

Theo tờ trình của Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tại phiên họp, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) phương án phân bổ, sử dụng nguồn tiết kiệm chi và kinh phí còn lại của ngân sách trung ương (NSTW) năm 2020 là 64,76 nghìn tỷ đồng, trong đó: nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang là 15,6 nghìn tỷ đồng, tiết kiệm chi NSTW năm 2020 là 12,1 nghìn tỷ đồng, kinh phí cải cách tiền lương NSTW chưa sử dụng là 14,6 nghìn tỷ đồng và dự toán chi NSTW năm 2020 chưa sử dụng là 22,46 nghìn tỷ đồng.

Trong đó, Chính phủ đề nghị sử dụng nguồn tiết kiệm chi của NSTW năm 2020 để chi nhiệm vụ cần thiết, cấp bách là mua vắc xin phòng Covid-19 (12,1 nghìn tỷ đồng) và bù hụt thu cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) với tỉnh Quảng Ngãi (500 tỷ đồng); sử dụng dự toán chi thường xuyên NSTW năm 2020 chưa sử dụng (21,2 nghìn tỷ đồng) và 15,1 nghìn tỷ đồng nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang để giảm bội chi NSTW.

Đồng thời, Chính phủ cũng đề nghị chuyển 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng sang năm 2021 để hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương đã ban hành cần phải chi trong năm 2021 và dành nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2022.

Ngoài ra, do không có nguồn tăng thu của NSTW đối với các khoản thu phân chia giữa NSTW và NSĐP, không bảo đảm được nguyên tắc tổng thu NSTW tăng so với dự toán Quốc hội quyết định theo quy định của Luật NSNN, Chính phủ đề nghị không xét thưởng vượt thu năm 2020 đối với 3 địa phương: Hưng Yên, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu và không thực hiện đầu tư trở lại cho các địa phương có cơ chế tài chính đặc thù (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ).

Chuyển 14,6 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ thực hiện chính sách tiền lương

Thẩm tra các nội dung này, Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội (UBTCNS) cơ bản thống nhất với các đề xuất của Chính phủ.

Cụ thể, đối với việc giảm chi 21,2 nghìn tỷ đồng kinh phí chi thường xuyên chưa sử dụng, UBTCNS thống nhất với đề nghị của Chính phủ vì nguồn kinh phí này là dư chi, phải hủy dự toán để giảm bội chi NSTW là phù hợp với quy định tại khoản 3 Điều 64 của Luật NSNN.

Về việc giảm chi 15,1 nghìn tỷ đồng từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi NSTW năm 2019 chuyển sang để giảm bội chi NSNN năm 2020, đa số ý kiến trong UBTCNS cho rằng, đây là nguồn kinh phí còn lại sau khi đã thực hiện các nhiệm vụ theo Nghị quyết số 936/NQ-UBTVQH14 ngày 5/5/2020 của UBTVQH. Đồng thời, số còn lại phải hủy dự toán, giảm bội chi cũng tạo dư địa cho việc xử lý NSNN năm 2021 và các năm tiếp theo. Vì vậy, cơ quan thẩm tra thống nhất với đề nghị của Chính phủ.

Đối với việc chuyển nguồn 14,6 nghìn tỷ đồng kinh phí cải cách tiền lương chưa sử dụng sang năm 2021 để hỗ trợ các địa phương có khó khăn về nguồn trong quá trình thực hiện chính sách tiền lương đã ban hành cần phải chi trong năm 2021 và dành nguồn thực hiện chính sách tiền lương năm 2022, đa số ý kiến trong UBTCNS cho rằng, trong điều kiện khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương hụt thu NSNN, việc sử dụng nguồn kinh phí trên để chủ động nguồn cải cách tiền lương năm 2022 và xử lý nhu cầu bổ sung cho các địa phương khó khăn về nguồn thực hiện các chính sách, chế độ tiền lương hiện hành do hụt thu NSNN năm 2020 là hợp lý. Do đó, UBTCNS nhất trí với đề nghị của Chính phủ và xin UBTVQH cho phép trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn khoản kinh phí này sang năm 2021.

Qua nghe các báo cáo, thảo luận và ý kiến giải trình tại phiên họp, UBTVQH đã thống nhất với Chính phủ và cơ quan thẩm tra về các phương án sử dụng ngân sách được đề xuất./.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam