Bàn giải pháp thích ứng với xu hướng tài chính toàn cầu

16:25 | 27/04/2021 Print
Các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính đã thảo luận về những yếu tố tác động đến sự thay đổi của hệ thống tài chính toàn cầu; đồng thời khuyến nghị chiến lược thích ứng phù hợp nhằm giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp có những chiến lược thích hợp.

thầy thành

Giáo sư Tiến sĩ Sử Đình Thành phát biểu tại hội thảo. Ảnh Đỗ Doãn

Ngày 27/4, Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh (UEH) và Báo Sài Gòn Giải Phóng đã phối hợp tổ chức hội thảo “Định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu và chiến lược của Việt Nam”. Sự kiện có sự tham gia của các thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia… cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu trong nước và quốc tế.

Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các nhà khoa học, chuyên gia, doanh nghiệp, các tổ chức cùng thảo luận về những chuyển động nói trên tác động như thế nào đến hệ thống tài chính toàn cầu và Việt Nam cần có những chiến lược nào để thích ứng với những thay đổi đó. Việc nhận diện các cơ hội và rủi ro từ sự định hình lại hệ thống tài chính toàn cầu sẽ giúp các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và doanh nghiệp có những chiến lược thích hợp.

Phát biểu khai mạc, GS, TS. Sử Đình Thành – Hiệu trưởng UEH chia sẻ, những thay đổi trong môi trường tài chính quốc tế gần đây, chẳng hạn như: các chính sách kinh tế mà chính phủ Mỹ sử dụng nhằm nỗ lực vực dậy nền kinh tế đang suy giảm trong đại dịch Covid-19; tham vọng vươn ra toàn cầu và quốc tế hóa đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc; những thay đổi trong xu hướng chuyển dịch của dòng vốn quốc tế và chuỗi cung ứng toàn cầu; hay khả năng tái định vị các trung tâm tài chính quốc tế sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế toàn cầu trong những năm tới.

Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo, công nghệ Blockchain… đang đưa đến những thay đổi lớn chưa từng có trong lịch sử tài chính tiền tệ. Sự phát triển các đồng tiền kỹ thuật số của Ngân hàng trung ương ở nhiều quốc gia và các tổ chức phi chính phủ, cùng với những biểu hiện về sự suy yếu của hệ thống tiền tệ toàn cầu hiện hành, có thể đe dọa sự chi phối của đồng đôla Mỹ trong các giao dịch tài chính, thương mại, đầu tư và dữ trự quốc tế.

“Những thay đổi như thế đang tạo ra những cơ hội lẫn thách thức rất lớn đối với Việt Nam” - ông Sử Đình Thành nói.

toan cảnh
Các chuyên gia kinh tế, tài chính thảo luận về xu hướng chủ đạo của hệ thống tài chính toàn cầu. Ảnh Đỗ Doãn

Tại hội thảo, các nhà khoa học, chuyên gia kinh tế - tài chính cùng thảo luận xoay quanh các nội dung như: Những thay đổi trong môi trường tài chính quốc tế gần đây; tái định vị các trung tâm tài chính quốc tế; các chính sách kinh tế mới của Trung Quốc, Mỹ; sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu hay sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư quốc tế; những thay đổi trong hành vi con người từ tác động của đại dịch hay sự thay đổi trong hành vi lựa chọn việc làm theo xu hướng của nền kinh tế việc làm tự do (gig economy).

Kế đến là một số nội dung khác như: tác động của sự phát triển các đồng tiền kỹ thuật số đến vị thế của các đồng tiền mạnh trên thế giới, đến sự sự ổn định của hệ thống tiền tệ quốc tế và Việt Nam; vấn đề chủ quyền tài chính của các quốc gia (sự độc quyền, hoạt động rửa tiền, khủng bố, an toàn dữ liệu cá nhân, tính độc lập của các ngân hàng trung ương…); nhận diện xu hướng, đánh giá các cơ hội và rủi ro từ việc định hình lại nền tài chính toàn cầu, các phản ứng thích hợp của các nhà hoạch định chính sách, giới đầu tư và doanh nghiệp; đề xuất chính sách thích nghi trong bối cảnh mới cho Việt Nam…

Liên quan đến hội thảo, ban tổ chức cũng đã nhận được nhiều bài tham luận từ các học giả, nhà nghiên cứu, các nhà hoạch định chính sách, giảng viên và nghiên cứu sinh. Tất cả được chuyển tới các nhà khoa học để cho ý kiến phản biện và đã có 68 bài tham luận có đóng góp về lý luận cũng như thực tiễn cho các chủ đề trọng tâm được chọn đăng trong kỷ yếu của hội thảo./.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam