Thắt chặt chi tiêu, triệt để tiết kiệm trong năm 2021

10:14 | 26/04/2021 Print
(TBTCVN) - Thực hành tiết kiệm chống lãng phí luôn là vấn đề được Bộ Tài chính coi trọng. Đây được cho là cách làm hiệu quả, thiết thực nhất để giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong năm 2021 này.

Hạn chế mua xe ô tô công là một trong những giải pháp góp phần tiết kiệm ngân sách trong năm 2021.

Hạn chế mua xe ô tô công là một trong những giải pháp góp phần tiết kiệm ngân sách trong năm 2021.

Tiết kiệm trong mọi lĩnh vực chi tiêu công

“Khéo ăn thì no, khéo co thì ấm”, phải “thắt lưng buộc bụng”, hay “ngân sách co kéo trong tấm chăn hẹp”, là những cụm từ hay được nhắc đến thời gian qua khi cơ cấu lại thu – chi ngân sách nhà nước (NSNN). Trong bối cảnh nhu cầu đầu tư của nước ta còn rất lớn, phải vay nợ cho đầu tư phát triển thì nhu cầu chi sẽ lớn hơn số thu. Nhưng nhiều năm qua, kinh nghiệm trong điều hành NSNN của Bộ Tài chính cho thấy, thực hành tiết kiệm chống lãng phí sẽ giảm chi thường xuyên, từ đó có thêm nguồn chi cho đầu tư phát triển, chi cho an sinh xã hội và nhiều nhiệm vụ cấp bách phát sinh.

Siết giảm chi tiêu ngân sách từ khâu dự toán


Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, dự toán chi thường xuyên đã giảm dần những năm gần đây. 5 năm (2016 - 2020) chi ngân sách nhà nước (NSNN) giảm khoảng 28 nghìn tỷ đồng. Việc siết giảm chi tiêu ngân sách ngay từ khâu dự toán được cho là những động thái quyết liệt, cụ thể của Bộ Tài chính trước tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách nói chung.

Hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2021 cho từng lĩnh vực chi, phải triệt để tiết kiệm, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Hàng năm, thực hiện chương trình của Chính phủ, Bộ Tài chính ban hành Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí với những chỉ tiêu cụ thể. Cũng như các năm trước, ngay từ đầu năm Bộ Tài chính đề ra một loạt giải pháp trọng tâm thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2021. Trong đó, ưu tiên hàng đầu là siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN. Đồng thời, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN theo hướng hiệu quả, bền vững; giữ cơ cấu hợp lý giữa tích lũy và tiêu dùng, tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đảm bảo chi cho con người, an sinh xã hội.

Bộ Tài chính cũng đặt mục tiêu tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện triệt để tiết kiệm, chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ. Chủ động rà soát các chính sách, nhiệm vụ trùng lắp, kém hiệu quả, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng và khả năng triển khai thực hiện trong năm 2021 để hoàn thành các nhiệm vụ, chương trình, dự án, đề án được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí cũng phải thực hiện trên nhiều lĩnh vực, trong đó có quản lý nợ công. Theo đó, việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng huy động, sử dụng nguồn vốn này trong từng thời kỳ. Đồng thời, thực hiện rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả…

5 năm giảm chi khoảng 28 nghìn tỷ đồng

Báo cáo kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020 đang được Bộ Tài chính tổng hợp để báo cáo Chính phủ. Nhìn lại 2 năm trước, năm 2019, theo báo cáo của Chính phủ, kết quả tiết kiệm NSNN, vốn nhà nước tại doanh nghiệp trên cả nước năm này đã đạt con số hơn 61 nghìn tỷ đồng, tăng 20,4% so với năm 2018. Về cải cách hành chính, trong những năm gần đây, các bộ, ngành, địa phương đã tiết kiệm hàng triệu công lao động với hàng nghìn tỷ đồng.

Nhiều năm nay, thực hiện chủ trương tiết kiệm, các bộ, ngành, địa phương phải tiết kiệm 10% chi thường xuyên; cắt giảm 100% việc tổ chức lễ động thổ, lễ khởi công, khánh thành các công trình xây dựng cơ bản... Bên cạnh đó, phải sử dụng hiệu quả kinh phí NSNN thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo; đầu tư cho các cơ sở giáo dục công lập cần có trọng điểm, tập trung ưu tiên cho giáo dục phổ cập... Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập, tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động; mục tiêu đến năm 2021 giảm tối thiểu 10% đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2015.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, dự toán chi thường xuyên đã giảm dần những năm gần đây. 5 năm (2016 - 2020) chi NSNN giảm khoảng 28 nghìn tỷ đồng. Việc siết giảm chi tiêu ngân sách ngay từ khâu dự toán được cho là những động thái quyết liệt, cụ thể của Bộ Tài chính trước tình trạng thất thoát, lãng phí trong chi tiêu ngân sách nói chung.

Hướng dẫn xây dựng dự toán NSNN năm 2021, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2021 cho từng lĩnh vực chi, phải triệt để tiết kiệm, đảm bảo đúng tính chất nguồn kinh phí, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng.

Đồng thời, phải thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ nhà nước đã ban hành, nhất là các chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh. Theo đó, dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành. Ngoài ra, hạn chế mua sắm xe ô tô công và trang thiết bị đắt tiền, tiếp tục thực hiện khoán kinh phí sử dụng xe ô tô công theo quy định...

Tiết kiệm, chống lãng phí trên tất cả các lĩnh vực luôn nhận được sự đồng tình của người dân và dư luận. Đây là việc không dễ, nhưng nếu kiên trì thực hiện và khi đã trở thành thói quen thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

Thu giảm thì không thể chi theo dự toán


Nhiều năm qua, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được thực thi hiệu quả, song cũng có ý kiến cho rằng, khó có thể tiết kiệm hơn nữa. Vào giữa năm 2020, trong điều kiện chi tiêu cho chống dịch tăng, Bộ Tài chính đã kiến nghị Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải tăng cường tiết kiệm chi thường xuyên. Ngoài cắt giảm 10% chi thường xuyên theo dự toán đã được Quốc hội thông qua, tiếp tục cắt giảm thêm 10%; tiết kiệm thêm 50% công tác phí nước ngoài; 30% kinh phí hội nghị, hội thảo. Số tiền này, riêng cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 nghìn tỷ đồng.

Tuy vậy, sau khi tính toán lại, Bộ Tài chính, Chính phủ quyết tâm cao hơn. Trên cơ sở đó, nghị quyết của Quốc hội đã quyết định mức tiết kiệm cao hơn, đó là cắt giảm tối thiểu 70% kinh phí hội nghị, đi công tác trong và ngoài nước còn lại của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương và tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên khác còn lại của năm 2020.

Trong điều hành chính sách chi NSNN, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị UBND cấp tỉnh, thành phố chỉ đạo sở tài chính tham mưu, điều hành đảm bảo cân đối ngân sách địa phương; chủ động sắp xếp, cắt giảm, giãn các nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết. Trong đó, chủ động đảm bảo nguồn ngân sách địa phương và sử dụng nguồn ngân sách trung ương bổ sung (nếu có) để thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, một số đại biểu Quốc hội khi trả lời phỏng vấn TBTCVN đều cho rằng, khi các nguồn thu sụt giảm, thì phải thực hiện nguyên tắc không thể giữ nguyên các nhiệm vụ chi theo dự toán.

Nhắc đến tinh thần tiết kiệm, chống lãng phí, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng, mặc dù báo cáo của Chính phủ đã đánh giá tương đối toàn diện trên nhiều lĩnh vực, nhưng cần đánh giá việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí ở khu vực xã hội, người dân. Theo đại biểu Phạm Văn Hòa, việc tiết kiệm chống lãng phí ở khu vực người dân, doanh nghiệp cũng hết sức cần thiết, bởi nếu huy động từ nguồn lực này kèm với cơ chế ưu đãi, sẽ thu hút được lượng tiền lớn để làm cầu, đường, giúp dân xoá đói giảm nghèo… sẽ giảm tải cho NSNN.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam