Tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng doanh nghiệp thẩm định giá

17:04 | 24/04/2021 Print
Hiện cả nước có 409 doanh nghiệp thẩm định giá. Đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện được quan tâm hiện nay. Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường giám sát, nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp này.

thẩm định giá

Cục trưởng Cục Quản lý giá trao Bằng khen của Bộ Tài chính cho các doanh nghiệp thẩm định giá. Ảnh: VB.

409 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thẩm định giá

Tính đến ngày 1/1/2021, cả nước có 409 doanh nghiệp đã được Bộ Tài chính cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ thẩm định giá. Trong đó có 333 doanh nghiệp đang hoạt động kinh doanh dịch vụ thẩm định giá, với 1.723 thẩm định viên đang đăng ký hành nghề tại các doanh nghiệp này (Bộ Tài chính đã cấp 2.352 thẻ thẩm định viên về giá, tỷ lệ thẩm định viên đăng ký hành nghề trên 73%).

Kinh doanh dịch vụ thẩm định giá với đặc điểm là một hoạt động kinh doanh có điều kiện, kết quả thẩm định giá được sử dụng làm một trong những căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc có quyền sử dụng tài sản theo quy định của pháp luật và các bên liên quan xem xét, quyết định hoặc phê duyệt giá đối với tài sản.

Do đó, có thể thấy đây là một trong những loại hình dịch vụ tài chính phức tạp, có ảnh hưởng lớn đến nhiều hoạt động kinh tế, đòi hỏi kết quả dịch vụ có độ tin cậy và đảm bảo tính khách quan, trung thực.

Tuy nhiên, trong hoạt động cung cấp dịch vụ thẩm định giá của các doanh nghiệp thẩm định giá đã xuất hiện không ít hiện tượng tiêu cực, tình trạng cạnh tranh không lành mạnh bằng cách hạ thấp giá và chất lượng dịch vụ dẫn đến tình trạng không bảo đảm lợi ích hợp pháp của các bên liên quan, gây bức xúc trong dư luận và xã hội.

Một số thẩm định viên hành nghề thiếu kinh nghiệm, chưa chủ động cập nhật, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn dẫn đến những sai phạm về chuyên môn nghiệp vụ. Vẫn còn một số doanh nghiệp thẩm định giá có điểm đánh giá chất lượng thấp, cá biệt còn những doanh nghiệp có điểm đánh giá chất lượng thẩm định giá dưới 50 điểm…

Chính vì vậy, những năm vừa qua, Bộ Tài chính luôn quan tâm đến việc bổ sung, sửa đổi, hoàn thiện thể chế và khung pháp lý đầy đủ cho hoạt động thẩm định giá phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, phù hợp với thông lệ quốc tế và khu vực, bước đầu đáp ứng được nhu cầu của xã hội. Đồng thời, Bộ Tài chính cũng tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát và đánh giá chất lượng hoạt động thẩm định giá.

Từ năm 2016 đến nay, Bộ Tài chính đã tổ chức thành công Hội nghị thường niên Giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá. Hội nghị chính là diễn đàn trao đổi, tiếp xúc trực tiếp giữa cơ quan quản lý nhà nước với các giám đốc doanh nghiệp thẩm định giá và giữa các doanh nghiệp thẩm định giá với nhau để cùng tương tác, chia sẻ thông tin, kinh nghiệm nhằm thúc đẩy nghề thẩm định giá phát triển lành mạnh, chấn chỉnh kịp thời những mặt còn hạn chế trong hoạt động nghề thẩm định giá.

Hội nghị đã được các doanh nghiệp thẩm định giá đánh giá cao về vai trò quản lý, hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước đối với hoạt động nghề thẩm định giá; vai trò trong việc gắn kết các doanh nghiệp thẩm định giá và tạo môi trường hoạt động để các doanh nghiệp thẩm định giá phát triển nghề một cách bền vững.

Với tinh thần nêu trên, Hội nghị thường niên Giám đốc các doanh nghiệp thẩm định giá lần thứ 5 đã diễn ra vào trung tuần tháng 4/2021 với sự tham gia của hơn 300 đại biểu đến từ các đơn vị thuộc Bộ Tài chính, Hội Thẩm định giá Việt Nam, đặc biệt là sự tham gia của gần 200 doanh nghiệp thẩm định giá.

Tại hội nghị này, 21 doanh nghiệp thẩm định giá đã có những đóng góp tích cực trong việc xây dựng nghề thẩm định giá, tham gia các hoạt động quản lý điều hành giá trong giai đoạn 2015 - 2019 được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Tài chính.

Định hướng phát triển dịch vụ thẩm định giá tại Việt Nam

Dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá, hội nghị đã tập trung thảo luận về một số nội dung, như: tổng kết, đánh giá kết quả hoạt động của các doanh nghiệp thẩm định giá năm 2019, 2020; báo cáo kết quả kiểm tra doanh nghiệp thẩm định giá năm 2020 và Công bố kết quả đánh giá chất lượng của các doanh nghiệp thẩm định giá năm 2020.

Tại hội nghị, Cục Quản lý giá đã giới thiệu nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến các doanh nghiệp thẩm định giá. Đồng thời, hội nghị đã ghi nhận nhiều ý kiến trao đổi, đóng góp về chính sách, chuyên môn nghiệp vụ để hoàn thiện và đẩy mạnh hơn nữa vai trò quản lý, giám sát và hỗ trợ của cơ quan nhà nước; tăng cường sự chủ động của các doanh nghiệp trong chấp hành pháp luật và nâng cao công tác chuyên môn trong hoạt động thẩm định giá, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về giá...

Một trong những vấn đề trọng tâm được bàn thảo đó là tăng cường kiểm soát, giám sát và nâng cao chất lượng hoạt động thẩm định giá của các doanh nghiệp trong thời gian tới.

Đáng lưu ý, hội nghị cũng đã trao đổi và đưa ra những định hướng trong phát triển dịch vụ thẩm định giá như: phát triển dịch vụ thẩm định giá tài sản ở Việt Nam đảm bảo tuân thủ quy định của hệ thống pháp luật của Nhà nước, tạo môi trường pháp lý ổn định và thuận lợi để đưa nghề thẩm định giá tài sản thành một nghề có tính chuyên nghiệp cao; phát triển dịch vụ thẩm định giá tài sản ở nước ta thành công cụ hữu hiệu giúp cho thị trường tài sản trở nên công khai, minh bạch. Từ đó, giúp cho việc quản lý và sử dụng hiệu quả các tài sản và các nguồn lực; giảm thiểu những rủi ro trong đầu tư; bảo đảm lợi ích hợp pháp và chính đáng của các bên tham gia thị trường thông qua việc xác định đúng giá trị của các tài sản.

Bên cạnh đó, những định hướng trong phát triển dịch vụ thẩm định giá tại Việt Nam trong thời gian tới cũng được quan tâm, bàn thảo, như: việc tăng cường vai trò quản lý nhà nước; sự quản lý, giám sát thống nhất của Bộ Tài chính trong lĩnh vực dịch vụ thẩm định giá tài sản; tôn trọng quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, tôn trọng nguyên tắc độc lập, khách quan, trung thực trong hành nghề của thẩm định viên.

Phát triển dịch vụ thẩm định giá tài sản ở nước ta đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với các nguyên tắc, thông lệ quốc tế và điều kiện thực tiễn của Việt Nam; hội nhập khu vực và quốc tế sâu hơn trong lĩnh vực thẩm định giá tài sản cũng là những vấn đề cần quan tâm trong thời gian tới./.

Văn Bình (Cục Quản lý giá)

Văn Bình (Cục Quản lý giá)

© Thời báo Tài chính Việt Nam