Áp lực lạm phát gia tăng, nhưng chưa đến mức đáng lo ngại

16:22 | 24/04/2021 Print
(TBTCVN) - Dù chỉ số CPI quý đầu năm thấp nhất trong vòng 20 năm, tuy nhiên áp lực lên chỉ số này được dự báo sẽ tăng dần vào các quý tiếp theo của năm nay, đặc biệt là dựa trên mức nền thấp của năm trước.

9

Giá thực phẩm sẽ bù nhiệt cho giá giao thông tăng trở lại.

Mặc dù vậy, theo các chuyên gia, Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi để bình ổn lạm phát và dự báo CPI sẽ ở mức trung bình từ 3 - 3,5% trong năm 2021.

Mức tăng lạm phát thấp nhất trong 20 năm

Báo cáo kinh tế vĩ mô của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) cho biết, CPI bình quân quý I/2021 chỉ tăng 0,29% - đây là mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua.

Theo các chuyên gia của VCBS, trong quý I/2021 có nhiều yếu tố đẩy CPI tăng như: giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu; giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm; giá nhiên liệu trong nước biến động theo giá thế giới;… Tuy nhiên, cũng có nhiều nhân tố làm giảm CPI trong quý đầu năm, điển hình là giá điện sinh hoạt bình quân giảm 7,18% theo quý; giá xăng dầu trong nước cũng giảm 9,54% theo quý;…

b9

Đánh giá về mức tăng thấp của CPI quý I, các chuyên gia của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, mức tăng trưởng chỉ số giá tiêu dùng thấp trong thời điểm đầu năm tạo điều kiện cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục duy trì trạng thái nới lỏng tiền tệ và lãi suất ở mặt bằng thấp.

“Chỉ số CPI trong quý I/2021 tăng chủ yếu do giá lương thực thực phẩm tăng so với cùng kỳ, đặc biệt là giá gạo tăng theo giá gạo xuất khẩu, và giá dịch vụ giáo dục tăng do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học 2020 - 2021 theo lộ trình của Nghị định 86/2015/NĐ-CP. Tuy nhiên, việc giảm điểm của chỉ số giá nhóm giao thông và nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và vật liệu xây dựng đã giúp giảm áp lực lên đà tăng của chỉ số giá tiêu dùng” – chuyên gia BVSC phân tích.

Nhiều yếu tố thuận lợi để bình ổn

Theo các chuyên gia của BVSC, trên thị trường dầu thế giới, dự báo nhu cầu dầu sẽ tăng trở lại, với khả năng kinh tế thế giới mở cửa trở lại, nhiều nền kinh tế bước vào giai đoạn tăng tốc, khôi phục sản xuất, giao thông… Với kỳ vọng về phục hồi kinh tế, sự hồi phục của nhiều ngành cũng được chờ đón, bao gồm các ngành sử dụng nguyên liệu đầu vào là dầu, như giao thông vận tải và du lịch, đặc biệt là ngành hàng không.

Bên cạnh đó, trong năm 2021, giá điện cũng không còn được hỗ trợ và giá dịch vụ giáo dục cũng tăng theo lộ trình của Chính phủ, khi dịch Covid-19 vẫn đang được kiểm soát tốt và việc tiêm ngừa Covid vẫn đang được triển khai. Chính vì vậy, diễn biến này cũng được kỳ vọng sẽ kích thích cầu du lịch, qua đó, nhóm ngành văn hóa du lịch nhiều khả năng cũng sẽ ghi nhận hồi phục, tăng giá so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia BVSC vẫn cho rằng, trong các quý tiếp theo trong năm 2021, chỉ số CPI nhiều khả năng sẽ tăng trở lại, do mức nền thấp của CPI quý II và III/2020 và nhờ dịch Covid-19 được kiểm soát nên nhu cầu của nhiều mặt hàng trở lại nhịp bình thường. Như trong năm 2020, chỉ số giá nhóm ngành giao thông giảm mạnh 19,57% do giá xăng dầu giảm mạnh. Giá xăng 95 đóng cửa tháng 4/2020 tại đáy 11.631 đồng/lít. Hiện tại, kết thúc quý I/2021, giá xăng 95 đã tăng lên mức 19.045 đồng/lít, cao hơn 38,12% so với mức đáy hồi tháng 4/2020. Do đó, “chúng tôi cho rằng mức dự báo tăng trung bình 23% của giá xăng 95 cũng sẽ có tác động đẩy CPI trung bình năm 2021 tăng lên so với cùng kỳ” – chuyên gia của BVSC cho hay.

“Mặc dù CPI hiện tại vẫn đang ở mức thấp, chúng tôi duy trì quan điểm cho rằng, chỉ số này sẽ tăng trong các quý tiếp theo, đạt đỉnh vào khoảng quý II-quý III và đạt mức trung bình 3 - 3,5% trong năm 2021” – chuyên gia của BVSC nhấn mạnh.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác lại cho rằng, việc kiểm soát lạm phát trong năm 2021 vẫn “trong tầm tay” bởi được hậu thuẫn từ nhiều yếu tố thuận lợi.

Các chuyên gia của VCBS đánh giá, lạm phát có thể ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi như: Giá thịt lợn bình ổn khi Việt Nam đã có kinh nghiệm kiểm soát dịch tả lợn và thực hiện các hoạt động tái đàn; giá dịch vụ y tế, giá điện trong kiểm soát của Chính phủ; chính sách tiền tệ điều hành linh hoạt, giảm thiểu tối đa các tác động của lạm phát tiền tệ; cầu tiêu dùng dự báo không tăng đột biến;… “Diễn biến lạm phát sẽ ghi nhận nhiều yếu tố thuận lợi hơn những thách thức, theo đó dự báo lạm phát đạt 3 - 3,5% trong năm 2021” – chuyên gia VCBS dự báo.

Đồng thuận với quan điểm trên, ông Trần Đức Anh – Giám đốc Kinh tế vĩ mô và Chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) cho rằng: “Mặc dù xuất hiện một số yếu tố rủi ro tới lạm phát, chúng tôi kỳ vọng lạm phát của Việt Nam vẫn được kiểm soát tốt nhờ: Giá thực phẩm, bao gồm giá lợn, hạ nhiệt “bù đắp” cho giá giao thông tăng trở lại; giá dịch vụ y tế có thể sẽ giữ nguyên để giảm áp lực lạm phát; chính sách tiền tệ nới lỏng ở mức vừa phải nên không gây áp lực lên lạm phát lõi.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ như hiện tại. Mức lãi suất điều hành hiện tại được xem là phù hợp để tạo môi trường nới lỏng cần thiết giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà vẫn tránh tạo áp lực lạm phát lớn” – chuyên gia KBSV phân tích them.

Hải Băng

Hải Băng

© Thời báo Tài chính Việt Nam