Khuyến khích đầu tư tư nhân, chi phí logistics sẽ rất cạnh tranh

16:11 | 24/04/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cho rằng, việc nâng cấp, cải thiện và hoàn thiện hơn nữa thể chế về đầu tư tư nhân vào logistics chắc chắn sẽ giúp chi phí logistics tại Việt Nam rất cạnh tranh hơn.

8

Chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn mức độ trung bình của các nước ASEAN 4.

Trong khi đó, tiềm năng đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này của Việt Nam hiện nay là tương đối lớn.

PV: Ông bình luận thế nào về chi phí logistics tại Việt Nam hiện nay?

Ông Phạm Minh Đức: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dựa nhiều vào xuất khẩu, do đó, logistics là lĩnh vực hết sức quan trọng nếu không nói là mũi nhọn cho tăng trưởng kinh tế. Hạ tầng logistics hiện đại không chỉ giúp giảm chi phí logistics và chi phí thương mại mà còn góp phần nâng cao độ tin cậy của các giao dịch thương mại của Việt Nam. Chi phí logistics ở Việt Nam được hiểu bao gồm chi phí liên quan đến vận chuyển, kho bãi, xếp dỡ hàng hóa tại các loại hình cảng. Chi phí này ở Việt Nam hiện tương đối cao, tùy thuộc vào các loại hình hàng hóa xuất - nhập khẩu. Xuất khẩu có mức độ riêng, nhập khẩu có mức độ riêng và từng loại hàng có chi phí riêng, nhưng mức độ trung bình của chi phí logistics ở Việt Nam cao hơn mức độ trung bình của các nước ASEAN 4.

pv8

Ông Phạm Minh Đức

PV: Nhiệm vụ điều phối phát triển logistics hiện được giao cho Ủy ban điều phối quốc gia về một cửa ASEAN, một cửa quốc gia và tạo thuận lợi thương mại (Ủy ban 1899). Xin ông cho biết, hoạt động của những cơ quan này tác động thế nào tới chi phí tuân thủ pháp luật trong hoạt động logistics?

Ông Phạm Minh Đức: Gần đây, hoạt động logistics được đưa vào một phần của trách nhiệm cũng như chỉ đạo của Ủy ban 1899. Tôi cho rằng, đây là một bước đi đúng đắn. Ngân hàng Thế giới cũng là một trong những đơn vị đề xuất ý kiến này. Chi phí logistics là một phần không thể tách rời của các chi phí hoạt động thương mại của Việt Nam. Việt Nam tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do cũng như ký Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại của WTO thì việc thúc đẩy hoạt động xuất - nhập khẩu liên quan đến thủ tục hành chính (TTHC), các cách thức cho hoạt động logistics hiện đại, nhanh chóng và chính xác hơn, góp phần làm giảm chi phí logistics là rất quan trọng.

Trong thời gian gần đây, những bước phát triển của Cơ chế một cửa quốc gia và một cửa ASEAN (với khoảng 200 TTHC của 13 bộ, ngành đã kết nối) đã góp phần làm giảm chi phí logistics, liên quan đến việc cắt giảm các hàng rào phi thuế quan, các TTHC liên quan đến quản lý chuyên ngành. Tuy nhiên, Ủy ban cần thúc đẩy hơn nữa việc đơn giản hóa và hài hòa hóa thủ tục liên quan đến các quy định quản lý nhà nước theo chuỗi một cách có hiệu quả giữa các khâu. Về hạ tầng logistics, chất lượng của kết nối và sự hiện đại của hạ tầng logistics là rất quan trọng, thể hiện trước tiên ở tầm nhìn đầu tư vào hạ tầng phải nhằm phục vụ cho các hoạt động sản xuất và thương mại, hơn thế nữa phải có tính tích hợp đa phương tiện (không chỉ riêng biệt đường bộ, đường không hay đường thủy...) nhằm tạo thuận lợi cho kết nối của các chuỗi giá trị đặc thù của Việt Nam.

PV: Từ những thực tế trên, ông có khuyến nghị gì cho việc giảm chi phí và nâng cao tính cạnh tranh của lĩnh vực logistics của Việt Nam?

Ông Phạm Minh Đức: Như đã phân tích, việc gắn các TTHC với việc hiện đại hóa cũng như nâng cấp và đảm bảo được điều kiện cho hoạt động logistics là rất quan trọng.

Tiếp đó cần nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp (DN) logistics. DN logistics của Việt Nam thường nhỏ, trình độ quản lý cũng như trình độ áp dụng công nghệ còn thấp, sự tương tác với các DN logistics truyền thống thường (là những DN quốc tế rất lớn, quy mô lớn và hiệu quả cao) đòi hỏi có sự nỗ lực của DN logistics trong nước.

Liên quan tới mức độ đầu tư vào hoạt động logistics nói riêng và hạ tầng cơ sở nói chung, có thể thấy, đầu tư của Chính phủ vào hạ tầng cơ sở hiện nay dù đã được đẩy mạnh nhưng vẫn chưa đủ do nguồn lực có hạn của ngân sách và hiệu quả đầu tư công cũng cần được cải thiện. Do đó, chiến lược trung và dài hạn là phải làm thế nào nâng cao hiệu quả của đầu tư tư nhân vào hạ tầng cơ sở. Tiềm năng đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này tương đối lớn. Hiện nay, hoạt động PPP hay BOT hay hoạt động đầu tư tư nhân vào xây dựng hạ tầng cơ sở, không chỉ là đường sá, cầu cống, bến cảng, sân bay, hải cảng, hệ thống tín hiệu giao thông và quản trị các hạ tầng này ở các nước phát triển tương đối phổ biến. Việt Nam cũng sẽ đi đến con đường đó tương đối nhanh. Tuy nhiên, để có thể thúc đẩy được sự phát triển của khu vực hạ tầng giao thông và logistics của Việt Nam cho thích ứng được với nền kinh tế đang hướng đến xuất khẩu, tăng trưởng dựa trên xuất khẩu đòi hỏi có những nỗ lực hơn nữa để làm cho thiết chế pháp luật về đầu tư tư nhân vào hạ tầng cơ sở được rành mạch.

Rành mạch ở đây theo 2 nghĩa, thứ nhất là có các quy hoạch, thiết kế rành mạch từ đầu với sự tham gia của khu vực tư nhân để từ đó gắn kết không chỉ mong muốn đầu tư vào khu vực hạ tầng giao thông từ phía Chính phủ mà còn thể hiện được cả nhu cầu phát triển của DN. Hai là liên quan tới cơ chế đóng góp, ăn chia. Ở đây có 3 đối tượng chủ yếu tham gia vào quá trình này là Chính phủ, người dân và DN với quyền lợi và nghĩa vụ của mỗi bên. Cho nên, việc này cần rất rõ ràng, chính xác. Tôi tin rằng, việc nâng cấp, cải thiện, hoàn thiện hơn nữa thể chế về đầu tư tư nhân vào khu vực hạ tầng cơ sở nói chung và logistics nói riêng, chắc chắn chi phí logistics tại Việt Nam sẽ rất cạnh tranh trong tương lai, một nền tảng quan trọng cho sự phát triển dài hạn của Việt Nam.

PV: Xin cảm ơn ông!

Bộ Tài chính có đóng góp tích cực cho tạo thuận lợi thương mại,
giảm chi phí logistics

“Bộ Tài chính có một vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo thuận lợi thương mại, giúp giảm chi phí logistics. Hải quan là khâu cuối cùng nhưng là khâu quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động liên ngành để có thể đảm bảo hoạt động xuất - nhập khẩu được thông thoáng, thuận lợi. Bộ Tài chính, cụ thể là Tổng cục Hải quan trong thời gian qua theo chúng tôi quan sát đã có những đóng góp hết sức tích cực, có những cải cách với những tiến bộ rõ ràng trong việc giảm thiểu thủ tục hành chính, áp dụng công nghệ thông tin, quản lý rủi ro, kiểm tra sau thông quan... Qua đó, làm giảm chi phí logistics, tạo thuận lợi thương mại. Trong thời gian tới, Bộ Tài chính nên phát huy vai trò không chỉ là cơ quan chủ quản về quản lý ngân sách (vì Hải quan ở mức độ nào đó chỉ là đơn vị thu) mà còn ở vai trò tạo thuận lợi thương mại thông qua việc hiện đại hóa, tiếp tục cải cách tổ chức và nguồn nhân lực”.

Ông Phạm Minh Đức, chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới
tại Việt Nam

Luyện Vũ (thực hiện)

Luyện Vũ (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam