Hải quan Quảng Bình: Thu ngân sách tăng hơn 171%

17:41 | 23/04/2021 Print
Nhờ chủ động các biện pháp vừa chống dịch Covid-19 vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, số thu ngân sách của Cục Hải quan Quảng Bình đã đạt 82% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao, tăng 171% so với cùng kỳ.

HQ Quảng Bình

Ban lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Bình tham gia hội nghị trực tuyến triển khai Nghị định 18/2021/NĐ-CP do Tổng cục Hải quan tổ chức. Ảnh: CTV. HQQB

Thu ngân sách tăng mạnh, chống buôn lậu hiệu quả

Đề cập đến hoạt động của đơn vị từ đầu năm 2021 đến nay, Phó Cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình Trần Văn Tráng cho biết, nhờ bám sát và triển khai có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan trong việc tiếp tục thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch Covid-19 vừa hỗ trợ, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) xuất nhập khẩu (XNK)...

Kết quả, đơn vị đã thu hút và tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu của hơn 200 DN, tăng 28 DN so với cùng kỳ; làm thủ tục thông quan hàng hóa cho 7.534 tờ khai, tăng 36% so với cùng kỳ năm 2020.

Do hoạt động xuất nhập khẩu của DN khởi sắc, mặt hàng có thuế suất cao như máy móc thiết bị, thạch cao nhập khẩu và tinh quặng Ilmenite, clinker xuất khẩu tăng nên kết quả thu ngân sách tăng cao so với cùng kỳ.

Cụ thể, đơn vị thu đạt 176,852 tỷ đồng, bằng 82% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao (215 tỷ đồng), bằng 35,3% so với chỉ tiêu UBND tỉnh Quảng Bình giao (500 tỷ đồng), tăng 171% so với cùng kỳ năm 2020.

Ông Trần Văn Tráng cho hay, đồng thời với nhiệm vụ thu ngân sách, thời gian qua, đơn vị đã chủ động phát hiện, xử lý nhiều vụ việc buôn lậu, vận chuyển hàng hóa trái phép, vi phạm pháp luật về hải quan.

Điển hình như Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo phát hiện, xử lý vụ việc không khai báo hải quan (300 thùng nước tăng lực Red lion); khởi tố 2 vụ tự ý tiêu thụ 563 con lợn nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành. Chi cục Hải quan cửa khẩu Cha Lo xác định, hành vi trên có dấu hiệu buôn bán hàng cấm quy định tại Điều 190, Bộ luật Hình sự, trị giá hàng hóa 2 vụ ước tính hơn 3,6 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Đội Kiểm soát hải quan, Cục Hải quan Quảng Bình phối hợp với Công an tỉnh Quảng Bình bắt giữ 1 vụ vận chuyển hàng do nước ngoài sản xuất không có hóa đơn chứng từ chứng minh được tính hợp pháp (tang vật vi phạm: máy cưa xích, dây xích).

Chủ động triển khai Nghị định 18/2021/NĐ-CP đến cộng đồng DN

Liên quan đến công tác phổ biến chính sách mới về thuế theo chỉ đạo của Bộ Tài chính và Tổng cục Hải quan, Phó cục trưởng Cục Hải quan Quảng Bình Nguyễn Văn Hệ cho biết, đơn vị đã triển khai quán triệt các nội dung quan trọng tại Nghị định 18/2021/NĐ-CP (Nghị định 18, có hiệu lực từ 25/4/2021) đến cán bộ công chức và DN trên địa bàn.

Cục Hải quan Quảng Bình đánh giá cao quy định miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Quy định này tiết giảm được thủ tục, khối lượng lớn hồ sơ khai báo, nộp thuế giữa cơ quan hải quan và DN phải thực hiện.

Đồng thời, Cục Hải quan Quảng Bình cũng đánh giá cao Nghị định 18 có bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất với hàng hóa XNK tại chỗ cho từng trường hợp để cơ quan hải quan cũng như DN có thể đối chiếu thực hiện, giải quyết vướng mắc phát sinh từ thực tiễn hoạt động XNK của DN.

Trước đây tại Điều 3 Nghị định 134 chưa có quy định liên quan đến xuất khẩu tại chỗ, do đó, để xử lý các vướng mắc phát sinh thời gian qua, Tổng cục Hải quan đã báo cáo Bộ Tài chính và có công văn hướng dẫn các đơn vị, DN áp dụng thuế suất MFN đối với hàng hóa nhập khẩu tại chỗ.

Theo Nghị định 18, hàng hóa xuất khẩu tại chỗ áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Tuy nhiên, lãnh đạo Cục Hải quan Quảng Bình cho rằng, việc thực hiện quy định tại khoản 7 Điều 1 Nghị định 18 quy định cơ sở để xác định đổi tượng miễn thuế là khó thực hiện cần được sự hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

Cụ thể, việc thực hiện các điều khoản miễn thuế đối với các dự án đầu tư có quy mô vốn từ 6.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và dự án đầu tư tại vùng nông thôn sử dụng từ 500 lao động trở lên (không bao gồm lao động làm việc không trọn thời gian và lao động có hợp đồng lao động dưới 12 tháng) có thể sẽ phát sinh khó khăn, vướng mắc cho cơ quan hải quan trong việc kiểm soát đối với dự án được miễn thuế.

Chính vì vậy, để Nghị định 18 được triển khai đạt yêu cầu, đơn vị đề xuất cần có sự phối hợp của cơ quan thuế, chính quyền địa phương, cơ quan thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đầu tư hỗ trợ cơ quan hải quan có thông tin về dự án, chủ đầu tư, xác định đúng số lao động tại địa phương mới có thể thực hiện được quy định miễn thuế./.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam