Chống gian lận xuất xứ, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp: Gỡ vướng chính sách để ngăn chặn gian lận

10:06 | 23/04/2021 Print
(TBTCVN) - Gần 1 năm qua, cuộc chiến chống gian lận xuất xứ hàng hóa đã có những chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, với chức năng quản lý nhà nước về hải quan, cơ quan hải quan đã phát hiện không ít vướng mắc, bất cập liên quan đến câu chuyện ghi xuất xứ… và đã kiến nghị với cơ quan chức năng.

Cán bộ Hải quan cửa khẩu kiểm tra hàng hóa xuất khẩu tại cảng.

Cán bộ Hải quan cửa khẩu kiểm tra hàng hóa xuất khẩu tại cảng.

Vướng mắc, chồng chéo trong quy định

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy, tính đến cuối năm 2020 toàn ngành Hải quan đã kiểm tra, điều tra, xác minh 76 vụ việc và phát hiện 24 vụ việc vi phạm về xuất xứ hàng hóa. Cơ quan hải quan đã tịch thu 3.590 xe đạp nguyên chiếc, hơn 4.000 bộ linh kiện xe đạp và hơn 12.000 bộ linh kiện lắp ráp tủ bếp là tang vật vi phạm. Ngoài ra, đã truy thu nộp ngân sách 33 tỷ đồng (bao gồm số tiền thu lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính và trị giá tang vật vi phạm bị tịch thu)…

Qua kiểm tra, điều tra, xác minh, cơ quan hải quan cũng đã phát hiện một số hình thức gian lận phổ biến, đó là doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất sơ sài, nhập khẩu đầy đủ linh kiện về và chỉ thực hiện một số công đoạn gia công đơn giản, sau đó lắp ráp thành sản phẩm hoàn chỉnh để lấy xuất xứ Việt Nam…

Cục trưởng Cục Kiểm tra sau thông quan (Tổng cục Hải quan) Nguyễn Tiến Lộc cho biết, mặc dù cơ quan hải quan đã tích cực và chủ động nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình kiểm tra, xác định vi phạm.

Điển hình, việc hướng dẫn tại Nghị định số 31/2018/NĐ-CP (NĐ 31) và một số văn bản khác còn có điểm chưa rõ ràng. Cụ thể, quy tắc xác định xuất xứ hàng hóa theo nguyên tắc CTC (chuyển đổi mã số) quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 6, Thông tư 05/2018/TT-BCT của Bộ Công thương còn mâu thuẫn với giải thích thuật ngữ quy định tại Khoản 9, Điều 3, NĐ 31. Quy định về tự chứng nhận xuất xứ chỉ đưa ra khái niệm (tại NĐ 31) nhưng không có hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 05. Do vậy, khó kết luận vi phạm về hành vi tự chứng nhận xuất xứ.

Bộ Công thương cũng chưa có hướng dẫn cụ thể về ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu và cách thức kê khai xuất xứ hàng hóa trong điều kiện hàng hóa xuất khẩu không đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam.

Bên cạnh đó, có sự không thống nhất giữa các văn bản quy phạm pháp luật về việc công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính. Cụ thể, Điều 34 “Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn” và Điều 72 “Công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng việc xử phạt đối với cá nhân, tổ chức vi phạm hành chính” của Luật Xử lý vi phạm hành chính chỉ quy định với các trường hợp vi phạm về an toàn thực phẩm; chất lượng sản phẩm, hàng hóa; dược; khám chữa bệnh; bảo vệ môi trường… không quy định đối với trường hợp cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ. Tuy nhiên, Điều 63 Nghị định 185/2013/NĐ-CP và khoản 26 Nghị định 124/2015/NĐ-CP sửa đổi Điều 63 Nghị định 185 về “hành vi vi phạm về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu” lại có quy định buộc cải chính thông tin sai sự thật về xuất xứ…

Thống nhất các quy định hướng dẫn về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa

Theo ông Nguyễn Tiến Lộc, trước tình hình đó, cuối năm 2020, ngành Hải quan đã đề nghị sửa đổi Nghị định 127/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính trong lĩnh vực hải quan và đã được Chính phủ chấp thuận bằng Nghị định 128/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm trong lĩnh cực hải quan (NĐ 128). Tại nghị định này, cơ quan hải quan đã đề xuất bổ sung thêm quy định xử phạt vi phạm về gian lận xuất xứ. Đặc biệt, cơ quan hải quan cũng đề xuất quy định bổ sung một số điều về xử phạt như khi doanh nghiệp xuất hàng đi rồi nhưng nếu qua kiểm tra cơ quan hải quan phát hiện mặt hàng đó gian lận xuất xứ thì xử phạt bằng biện pháp tịch thu bằng trị giá hàng hóa.

Đồng thời, Bộ Tài chính đã có hướng dẫn cụ thể về các trường hợp hàng hóa xuất khẩu đi nước ngoài đáp ứng tiêu chí xuất xứ Việt Nam theo quy định tại các hiệp định thương mại tự do hoặc theo quy định tại Thông tư 05/2018/TT-BCT quy định về xuất xứ hàng hóa của Bộ Công thương thì mới được khai báo xuất xứ Việt Nam trên tờ khai xuất khẩu - quy định này tạo sự minh bạch thông tin để doanh nghiệp tuân thủ và tránh gây nhầm lẫn về cách hiểu xuất xứ Việt Nam với các bạn hàng quốc tế.

“Với những giải pháp này sẽ giúp cơ quan hải quan, đặc biệt lực lượng kiểm tra sau thông quan thuận lợi hơn, có cơ sở trong công tác kiểm tra xử lý vi phạm” – ông Nguyễn Tiến Lộc nhấn mạnh.

Để công cuộc đấu tranh với hành vi gian lận xuất xứ đạt hiệu quả cao hơn nữa, cơ quan hải quan đã đề nghị Bộ Công thương cung cấp cho Tổng cục Hải quan và sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật quy định hướng dẫn về xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa đối với hàng hóa xuất khẩu; rà soát, sửa đổi và bổ sung các công đoạn gia công chế biến giản đơn quy định tại Điều 9 NĐ 31 để phù hợp với tình hình hiện nay. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể về việc tự chứng nhận xuất xứ theo quy định tại tại Điều 25 NĐ 31; rà soát, sửa đổi để thống nhất các quy định về cải chính thông tin…

Rà soát các trường hợp bất thường về xuất nhập khẩu


Trước diễn biến phức tạp về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, Tổng cục Hải quan yêu cầu cục hải quan các tỉnh, thành phố chỉ đạo các chi cục hải quan trực thuộc thực hiện rà soát, xác định doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến, giao dịch bất thường để áp dụng các biện pháp kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ; đặc biệt chú trọng đối với nhóm mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc..., xuất khẩu sang Hoa Kỳ, châu Âu, Canada...

* Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI):

Ngành Hải quan góp phần quan trọng đẩy lùi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp

Ông Vũ Tiến Lộc
Ông Vũ Tiến Lộc

Một thực tế mà tất cả các quốc gia đều phải đối mặt là xuất khẩu càng phát triển thì gian lận xuất xứ càng gia tăng. Việt Nam cũng không ngoại lệ, nhất là khi chúng ta vừa tham gia hàng loạt các hiệp định thương mại với những cơ hội rộng mở để tăng trưởng xuất khẩu. Thực tế cho thấy, gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đã và đang gây tổn hại không nhỏ đối với các doanh nghiệp sản xuất chân chính cũng như toàn bộ nền kinh tế. Do đó, cần phải có nhiều giải pháp quyết liệt, hiệu quả hơn nữa để đẩy lùi các hành vi này.

Theo thống kê của các cơ quan chức năng, mặt hàng xuất khẩu mà các hành vi gian lận xuất xứ hay nhắm vào đều là những mặt hàng xuất khẩu chủ lực, thế mạnh của nước ta. Đồng thời, tập trung vào các đối tác tiềm năng như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản…

Đáng chú ý, mới đây Chính phủ đã ban hành Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, ngăn chặn các hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa theo hướng toàn diện, đồng bộ và kịp thời, giúp khai thác hiệu quả các cam kết quốc tế, phát triển bền vững xuất nhập khẩu, bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.

Triển khai đề án trên, các cơ quan chức năng đã tích cực vào cuộc để ngăn ngừa tình trạng này. Điển hình, cơ quan Hải quan đã cảnh báo nguy cơ, đồng thời, liệt kê và thông báo về các nhóm mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ cao về gian lận, giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp bị giả mạo xuất xứ để doanh nghiệp nắm được, phối hợp cùng cơ quan quản lý có những giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn. Những thông tin và giải pháp này thực sự đã giúp ích rất nhiều cho hoạt động xuất nhập khẩu của doanh nghiệp.

* Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương):

Tăng cường công tác cấp và kiểm tra C/O

Ông Trần Thanh Hải
Ông Trần Thanh Hải

Có thể thấy, tình trạng giả mạo xuất xứ Việt Nam, chuyển tải bất hợp pháp và lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại có dấu hiệu gia tăng mạnh. Bộ Công thương đã chủ động phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, Tổng cục Hải quan thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh chống lại hành vi vi phạm.

Trong quá trình thanh tra, kiểm tra, các đơn vị thuộc Bộ Công thương đã phát hiện một số hành vi sai phạm như tẩy xóa, sửa chữa làm sai lệch nội dung C/O, điển hình như mặt hàng đồ gỗ xuất khẩu sang Hàn Quốc; hay làm giả C/O, điển hình là mặt hàng túi nhựa PP xuất khẩu sang Hàn Quốc…

Bộ Công thương cũng đã thực hiện nhiều giải pháp như khoanh vùng nhóm mặt hàng có nguy cơ gian lận, giả mạo giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa cao; rà soát xác định các giao dịch, doanh nghiệp xuất nhập khẩu có kim ngạch xuất nhập khẩu tăng đột biến so với năng lực, quy mô sản xuất để tiến hành phân tích, quyết định kiểm tra. Đồng thời, phối hợp với VCCI kiểm tra, rà soát việc cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa đối với một số hàng hóa có dấu hiệu nghi vấn...

Nhằm triển khai hiệu quả các nhiệm vụ được giao trong Đề án “Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra chặt chẽ hồ sơ đề nghị cấp C/O cho hàng hóa xuất khẩu để phòng chống các hành vi gian lận xuất xứ; thường xuyên theo dõi danh sách các mặt hàng có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, chống lẩn tránh thuế được thông báo và cập nhật hàng tháng.

Đặc biệt sẽ tiếp tục chủ trì, phối hợp với Tổng cục Hải quan, các tổ chức cấp C/O tăng cường công tác phối hợp kiểm tra, hậu kiểm đối với các mặt hàng xuất khẩu đòi hỏi tiêu chí xuất xứ chặt (xuất xứ thuần túy) hoặc các mặt hàng nằm trong danh sách đang bị điều tra, áp thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp của các nước trên thế giới.

Ngoài ra, sẽ theo dõi sát tình hình xuất khẩu, nhập khẩu một số mặt hàng có nguy cơ gian lận thương mại, giả mạo xuất xứ để kịp thời đề xuất biện pháp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách và quy định về vấn đề này. Tố Uyên (ghi)

* Ông Nguyễn Liêm – Phó Chủ tịch Hiệp hội chế biến gỗ tỉnh Bình Dương:

Chống gian lận xuất xứ để bảo vệ ngành gỗ Việt Nam

Ông Nguyễn Liêm
Ông Nguyễn Liêm

Đối với ngành sản xuất và chế biến gỗ, công tác chống gian lận xuất xứ rất quan trọng, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do được thực thi thì doanh nghiệp càng minh bạch về xuất xứ, càng được lợi.

Tôi cho rằng, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ đến việc khởi tố hình sự các vụ gian lận thương mại xuất xứ để bảo vệ ngành sản xuất trong nước. Chúng ta cần tìm sự công bằng cho doanh nghiệp chế biến gỗ. Việt Nam đón chào các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài đầu tư vào ngành gỗ với công nghệ hiện đại, kinh doanh minh bạch và công khai nhưng không chấp nhận sự gian dối cũng như gây thiệt hại tới mỗi doanh nghiệp gỗ nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Hiện nay, các nước trên thế giới hạn chế gian lận thương mại bằng cách yêu cầu chứng minh chuỗi cung ứng, một công ty xuất khẩu sản phẩm phải chứng minh được mình nằm trong chuỗi cung ứng của sản phẩm đó. Nếu không, chắc chắn công ty đó gian lận xuất xứ. Việt Nam cần phải làm như vậy mới có thể tránh được việc các công ty đầu tư nước ngoài chen ngang sản phẩm và mượn xuất xứ Việt Nam. Nhưng để làm được điều này, chúng ta cần phải kiểm soát cả đầu ra và đầu vào, cũng như cả các doanh nghiệp trong nước nữa.

Nhóm PV

Nhóm PV

© Thời báo Tài chính Việt Nam