Doanh nghiệp tự chứng nhận C/O: Hải quan chủ động ngăn ngừa hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá

19:45 | 21/04/2021 Print
(TBTCVN) - Theo Tổng cục Hải quan, tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTAs), việc doanh nghiệp được áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích, nhưng đi đôi với những lợi ích đó là mối lo ngại về nguy cơ gian lận, giả mạo xuất xứ có thể xảy ra.

Cán bộ Hải quan Hải Phòng kiểm tra chứng từ C/O hàng xuất khẩu của doanh nghiệp.

Cán bộ Hải quan Hải Phòng kiểm tra chứng từ C/O hàng xuất khẩu của doanh nghiệp. Ảnh: Hải Anh

Cơ quan hải quan đã và đang chủ động triển khai các giải pháp phòng ngừa.

Tạo thuận lợi cho doanh nghiệp thực hiện FTAs

Theo bà Hoàng Thị Thủy - Trưởng phòng Giám sát, quản lý xuất xứ hàng hóa và sở hữu trí tuệ, Cục Giám sát quản lý về Hải quan (Tổng cục Hải quan), trong quá trình thực hiện các FTAs, Bộ Tài chính đã ban hành các văn bản hướng dẫn liên quan đến chứng nhận C/O (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa) hàng hóa nhập khẩu, theo hướng tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN), nhưng cũng đảm bảo quản lý nhà nước, chống các hành vi gian lận, trong đó đang được quan tâm là quy định DN tự chứng nhận C/O.

Theo cơ chế tự chứng nhận C/O, trách nhiệm chứng nhận nguồn gốc của hàng hóa sẽ chuyển từ các cơ quan chuyên trách sang DN (hoặc nhà nhập khẩu). DN (hoặc nhà nhập khẩu) sẽ tự thực hiện các thủ tục và đáp ứng điều kiện để tuyên bố hàng hóa đáp ứng các tiêu chuẩn về nguồn gốc C/O và tự chịu trách nhiệm về tính chính xác của tuyên bố đó.

Việt Nam đang tham gia áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ trong 3 FTAs là Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Điển hình như EVFTA áp dụng cơ chế tự chứng nhận C/O đối với DN xuất khẩu được cấp mã số REX, có nghĩa là DN có mã số REX sẽ được tự chứng nhận C/O cho hàng hóa của mình trên chứng từ thương mại. Cơ quan hải quan căn cứ mã số REX của DN, kiểm tra trên trang điện tử của EU và hồ sơ hải quan để xác định C/O hàng hóa.

Theo đó, đối với các lô hàng từ Việt Nam xuất khẩu vào EU có giá trị không quá 6.000 Euro thì bất kỳ nhà xuất khẩu nào cũng được phép tự chứng nhận C/O. Sau đó, thương nhân có trách nhiệm báo cáo, đăng tải chứng từ tự chứng nhận C/O và chứng từ liên quan đến lô hàng xuất khẩu lên trang web: www.ecosys.gov.vn.

Áp dụng tự chứng nhận C/O hàng hóa là cơ chế “mở” có rất nhiều ưu điểm và mang lại nhiều lợi ích, đây là cơ hội phát triển thị trường, gia tăng xuất khẩu mà Chính phủ và các bộ, ngành tạo thuận lợi cho DN…

Tiềm ẩn nguy cơ gian lận C/O

Cũng theo bà Hoàng Thị Thủy, thực tế cho thấy, cơ quan hải quan đã phát hiện và phối hợp với lực lượng chức năng khởi tố hàng chục vụ liên quan đến gian lận C/O, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp để được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong đó nhiều vụ việc DN Việt Nam (bao gồm cả DN FDI) nhập khẩu hàng hóa/nguyên vật liệu để sản xuất, gia công hàng hóa xuất khẩu nhưng hàng hóa không trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc chỉ trải qua công đoạn gia công, sản xuất hoặc lắp ráp đơn giản không đáp ứng tiêu chí C/O theo quy định, nhưng khai C/O Việt Nam hoặc hợp thức hóa bộ hồ sơ để xin cấp giấy chứng nhận C/O của Việt Nam để xuất khẩu.

Thách thức đặt ra đối với cơ quan chức năng và cơ quan hải quan hiện nay là thay vì hàng hóa xuất khẩu sẽ được cơ quan có thẩm quyền của nước xuất khẩu kiểm tra, xác định C/O hàng hóa, thì DN chủ động tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa trên chứng từ thương mại. Theo đó, rủi ro gian lận, giả mạo C/O hàng hóa sẽ nhiều hơn so với cơ chế cấp C/O truyền thống (cấp C/O giấy theo mẫu quy định). Cơ quan hải quan sẽ thực hiện kiểm tra, xác định C/O hàng hóa căn cứ theo các thông tin mà DN cung cấp.

Nhằm ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo C/O hàng hóa, bà Hoàng Thị Thủy cho biết, cơ quan hải quan phải thay đổi phương thức quản lý so với cách thức kiểm tra C/O truyền thống, chủ yếu chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” để không làm tăng thời gian kiểm tra hồ sơ hải quan, kéo dài thời gian thông quan mà vẫn đảm bảo hiệu quả quản lý. Bên cạnh đó, cơ quan hải quan áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ như kiểm tra, điều tra, xác minh làm rõ đối với các trường hợp gian lận, giả mạo C/O.

Về tổng thể, Tổng cục Hải quan tiếp tục chủ động thu thập thông tin về các mặt hàng bị các thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản,... áp dụng thuế chống bán phá giá cụ thể đối với từng nước. Thực hiện phân tích, đánh giá số liệu để kịp thời phát hiện mặt hàng, DN nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến các mặt hàng trùng với các mặt hàng bị áp thuế chống bán phá giá hoặc đang điều tra... để thực hiện kiểm tra, giám sát, ngăn chặn tình trạng gian lận, giả mạo C/O.

“Để ngăn chặn gian lận C/O hiệu quả, các bộ, ngành liên quan cũng cần nêu cao vai trò quản lý và trách nhiệm. Tổng cục Hải quan kiến nghị Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) siết chặt công tác quản lý cấp giấy chứng nhận C/O…”, bà Hoàng Thị Thủy nói.

Ngăn chặn từ sớm các trường hợp gian lận C/O

Tổng cục Hải quan tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan như Bộ Công thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Công an, VCCI để xác định trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng nhập khẩu, xuất khẩu tăng đột biến về số lượng, kim ngạch so với cùng kỳ, thực hiện kiểm tra, xác định C/O, nhằm phát hiện, xử lý sớm các trường hợp gian lận, giả mạo C/O.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam