Tổng cục Dự trữ Nhà nước: Thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước

19:58 | 20/04/2021 Print
(TBTCVN) - Thời gian qua, quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước có nhiều sửa đổi, trong đó có các quy định về lĩnh vực dự trữ quốc gia. Trong giai đoạn chuyển tiếp sang thực hiện các quy định mới, việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước lĩnh vực dự trữ là rất quan trọng.

du

Quản lý mặt hàng gạo dự trữ quốc gia tại Chi cục dự trữ Nhà nước nam Hà Tĩnh

Hoạt động này sẽ giúp cán bộ, công chức trong ngành Dự trữ Nhà nước nâng cao nhận thức, hiểu rõ tầm quan trọng và thực hiện đúng quy định pháp luật. Phóng viên TBTCVN đã trao đổi với ông Nguyễn Văn Bình – Vụ trưởng Vụ Chính sách và Pháp chế - Tổng cục Dự trữ Nhà nước xung quanh nội dung này.

PV: Ông có thể cho biết, trong thời gian qua việc thực hiện quy định về bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành Dự trữ Nhà nước như thế nào?

Ông Nguyễn Văn Bình: Dự trữ quốc gia (DTQG) là một nguồn lực quan trọng của quốc gia để chủ động đáp ứng yêu cầu đột xuất, cấp bách và phục vụ quốc phòng, an ninh. Hoạt động DTQG có nhiều thông tin cần bảo mật theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Nhận thức được vấn đề này, trong suốt thời gian qua, Bộ Tài chính, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) rất quan tâm tới công tác bảo vệ bí mật nhà nước. Chính vì vậy, Bộ Tài chính, Tổng cục DTNN ban hành rất nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn liên quan tới công tác bảo vệ bí mật nhà nước.

binh
Ông Nguyễn Văn Bình

Qua thống kê nhanh, từ năm 2015 đến năm 2020, trung bình mỗi năm, Tổng cục DTNN ban hành từ 1 đến 2 văn bản để hướng dẫn, đôn đốc, chấn chỉnh các cục DTNN khu vực tổ chức thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, đặc biệt là xác định và cắm biển “khu vực cấm” đối với các điểm kho để bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Đây là một kết quả rất nổi bật trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Điểm nhấn thứ hai, qua theo dõi, kiểm tra thực tế cho thấy, trong thời gian qua hầu hết các đơn vị trong ngành DTNN chấp hành tốt quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước; đặc biệt, không phát hiện trường hợp để lộ, lọt thông tin thuộc danh mục bí mật nhà nước.

Hai điểm nhấn trên là tiền đề cho chúng tôi kế thừa, phát huy để chuyển tiếp sang thực hiện các quy định mới về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực DTQG một cách quyết liệt, hiệu quả hơn.

PV: Vậy ông có thể cho biết, quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực DTQG có thay đổi gì?

Ông Nguyễn Văn Bình: Về quy định pháp luật: Trước ngày 1/7/2020, quy định về danh mục bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực DTQG có nhiều thông tin thuộc về bí mật nhà nước ở cả 3 cấp độ tuyệt mật, tối mật và mật, như: chủ trương xây dựng dự toán ngân sách nhà nước đối với những lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại, dự trữ nhà nước thuộc bí mật nhà nước độ “tuyệt mật”; hay Kế hoạch dài hạn về DTQG, số liệu tuyệt đối về tồn kho các loại hàng DTNN” thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”. Ngoài ra còn có các thông tin, tài liệu thuộc cấp độ “mật” gồm: “Hệ thống mạng lưới và kế hoạch bảo vệ đối với các kho DTNN”; “số liệu tổng hợp tuyệt đối về số lượng, giá trị vật tư, hàng hóa DTNN hàng năm”; “tổng hợp kế hoạch tuyệt đối hàng năm về DTNN; tổng hợp số liệu tuyệt đối về vật tư, hàng hóa nhập kho, xuất kho hàng năm”. Bên cạnh đó, các khu vực kho DTQG thuộc về phạm vi bảo vệ bí mật nhà nước theo quy định về “khu vực cấm”, “địa điểm cấm”…

Từ ngày 1/7/2020, khi Luật Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2018 có hiệu lực thi hành (thay thế cho Pháp lệnh Bảo vệ bí mật nhà nước năm 2000), nhiều văn bản quy định pháp luật dưới Luật được ban hành, như: Nghị định số 26/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ bí mật nhà nước; Quyết định số 1923/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ quy định về danh mục bí mật nhà nước lĩnh vực tài chính, ngân sách (trong đó có lĩnh vực DTQG). Theo đó, thông tin về lĩnh vực DTQG thuộc bí mật nhà nước chỉ còn ở cấp độ Tối mật và cấp độ Mật. Trong đó, thông tin cấp độ “Mật” chỉ còn 3 loại: Quy hoạch tổng thể hệ thống kho DTQG; quy hoạch chi tiết hệ thống kho DTQG do các bộ ngành quản lý (trừ hệ thống kho DTQG do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an quản lý) và Kế hoạch tài chính ngân sách 3 năm, dự toán ngân sách nhà nước và quyết toán ngân sách hàng năm cho DTQG.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/2021/QĐ-TTg ngày 18/2/2021 bãi bỏ các quy định về khu vực cấm, địa điểm cấm và danh mục bí mật nhà nước độ tuyệt mật, tối mật.

Về quy chế nội ngành: Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1500/QĐ-BTC ngày 1/10/2020 về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Bộ Tài chính; Tổng cục trưởng Tổng cục DTNN đã ban hành Quyết định số 808/QĐ-TCDT ngày 31/12/2020 về Quy chế bảo vệ bí mật nhà nước của Tổng cục DTNN và Quyết định số 88/QĐ-TCDT ngày 9/2/2021 về khung quy chế quản lý kho DTQG;…

Như vậy, quy định pháp luật và quy chế nội ngành về công tác bảo vệ bí mật nhà nước đã có nhiều thay đổi kể từ ngày 1/7/2020 đến nay; đòi hỏi phải tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến quy định về công tác bảo vệ bí mật nhà nước đến toàn thể cán bộ, công chức trong ngành DTNN.

PV: Ngành DTNN thực hiện các hình thức tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực DTQG như thế nào, thưa ông?


Ông Nguyễn Văn Bình: Trước đây, nội dung tuyên truyền về thực hiện quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước trong lĩnh vực DTQG cũng rất đầy đủ, nhưng hình thức tuyên truyền chủ yếu là thông qua viết bài phổ biến, thông qua công tác kiểm tra, nhắc nhở trực tiếp hoặc ban hành văn bản chấn chỉnh, hướng dẫn.

Tuy nhiên, với nhiều văn bản pháp luật mới về bảo vệ bí mật nhà nước được ban hành trong thời gian qua; để hiểu và nhận thức đúng và đầy đủ thì cần phải đổi mới hình thức tuyên truyền, phổ biến. Chúng tôi đã để xuất và được lãnh đạo đồng ý cho tổ chức hội nghị tuyên truyền, phổ biến quy định về bảo vệ bí mật nhà nước thông qua hình thức trực tuyến, với các báo cáo viên đến từ Cục An ninh chính trị nội bộ - Bộ Công an và Vụ Pháp chế - Bộ Tài chính. Thông qua hình thức này, các báo cáo viên sẽ giúp cho cán bộ, công chức trong ngành DTNN hệ thống hóa các quy định mới về bảo vệ bí mật nhà nước.

Cũng thông qua hình thức tổ chức hội nghị, cán bộ, công chức trong toàn ngành DTNN có thể trao đổi, thảo luận, học hỏi kinh nghiệm trong quá trình thực hiện công tác bảo vệ bí mật nhà nước tại các đơn vị. Qua đó, nâng cao nhận thức quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước mới ban hành tới cán bộ, công chức ngành DTNN, tạo sự thống nhất về cách hiểu một số quy định pháp luật mới về bảo vệ bí mật nhà nước; tạo cơ sở để triển khai thực hiện đúng quy định, có hiệu quả công tác bảo vệ bí mật nhà nước trong ngành DTNN trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

Qua thống kê nhanh, từ năm 2015 đến năm 2020, trung bình mỗi năm, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (DTNN) ban hành từ 1 đến 2 văn bản để hướng dẫn, đôn đốc, chấn chỉnh các cục DTNN khu vực tổ chức thực hiện đúng quy định về bảo vệ bí mật nhà nước, đặc biệt là xác định và cắm biển “khu vực cấm” đối với các điểm kho để bảo vệ chặt chẽ, an toàn, bí mật theo đúng quy định của pháp luật. Đồng thời, thường xuyên phổ biến quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước. Đây là một kết quả rất nổi bật trong công tác hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện quy định pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

Đức Minh (thực hiện)

Đức Minh (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam