Thái Nguyên: Giảm giao dịch bằng tiền mặt tại kho bạc

12:00 | 19/04/2021 Print
Mở tài khoản chuyên thu, tài khoản thanh toán tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn, tuyên truyền, vận động các đơn vị và cá nhân thanh toán qua tài khoản… là những giải pháp đã được Kho bạc Nhà nước Thái Nguyên áp dụng để giảm lượng tiền mặt trong giao dịch.

kbnn thái nguyên

Phối hợp thu, chi NSNN với các NHTM, lượng tiền mặt giao dịch tại KBNN Thái Nguyên hầu như đã "vắng bóng". Ảnh: H.T

Giao dịch bằng tiền mặt giảm dần qua các năm

Báo cáo của Kho bạc Nhà nước (KBNN) Thái Nguyên cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, lượng tiền mặt giao dịch qua kho bạc đã giảm đi rõ rệt.

Cụ thể, năm 2015, giao dịch bằng tiền mặt qua KBNN Thái Nguyên là 6.757 tỷ đồng; năm 2016 là 6.450 tỷ đồng; năm 2017 là 5.602 tỷ đồng; năm 2018 là 4.048 tỷ đồng; năm 2019 là 2.248 tỷ đồng và năm 2020 chỉ còn 370 tỷ đồng.

Thực hiện giảm dần tiền mặt trong giao dịch, KBNN Thái Nguyên đang thực hiện rất tốt các quy định của Chính phủ về thanh toán không dùng tiền mặt. Ông Hà Quốc Thái - Phó Giám đốc KBNN Thái Nguyên cho biết, kết quả này là sự nỗ lực của KBNN Thái Nguyên khi triển khai đồng bộ các giải pháp trong kiểm soát thu, chi ngân sách.

Theo đó, đối với công tác thu NSNN, KBNN Thái Nguyên đã mở 26 tài khoản thanh toán, tài khoản chuyên thu tại các ngân hàng thương mại (NHTM) trên địa bàn. Đến nay, hầu hết số thu NSNN được thực hiện qua hệ thống thanh toán của các NHTM. Việc thu phạt vi phạm hành chính cũng được đẩy mạnh thực hiện trên Dịch vụ công quốc gia nên đã giúp giảm lượng tiền mặt giao dịch tại KBNN Thái Nguyên đi rất nhiều.

Bên cạnh đó, KBNN Thái Nguyên đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến các đơn vị giao dịch, phối hợp chặt chẽ với các NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán trong việc thu, nộp tiền mặt vào tài khoản tiền gửi tại KBNN qua NHTM; vận động, tuyên truyền các đơn vị thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản. Đến nay, nhiều đơn vị sử dụng ngân sách thuộc địa bàn chưa bắt buộc cũng tự nguyện thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản.

Đặc biệt, ông Thái cho biết, với các khoản chi tiền mặt từ 100 triệu đồng trở lên cho một lần giao dịch, KBNN Thái Nguyên đều ủy quyền thực hiện tại NHTM nơi KBNN mở tài khoản thanh toán. KBNN Thái Nguyên cũng yêu cầu các KBNN trực thuộc vận động các đơn vị giao dịch tự nguyện rút tiền tại NHTM đối với những lần giao dịch dưới 100 triệu đồng.

Tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt

Năm 2010, số lượng công chức trực tiếp làm công tác kho quỹ tại KBNN Thái Nguyên là 25 người.

Đẩy mạnh giao dịch không dùng tiền mặt tại tại kho bạc, đến năm 2020, mỗi đơn vị KBNN trực thuộc KBNN Thái Nguyên chỉ còn 1 công chức làm công tác kho quỹ, toàn tỉnh còn 9 công chức vừa là thủ kho kiêm thủ quỹ.

100% công chức làm công tác kho quỹ hiện đang công tác đã được KBNN Thái Nguyên cử đi đào tạo nghiệp vụ kế toán có trình độ đại học.

Phó Giám đốc KBNN Thái Nguyên cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên về chương trình chuyển đổi số của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, KBNN Thái Nguyên đã xây dựng kế hoạch để triển khai KBNN không giao dịch bằng tiền mặt.

Từ ngày 1/2/2021, KBNN Thái Nguyên đã triển khai thí điểm tại 1 KBNN cấp huyện, bước đầu đạt kết quả tốt. Dự kiến trong quý II/2021, KBNN Thái Nguyên sẽ thực hiện không giao dịch trực tiếp bằng tiền mặt tại tất cả các đơn vị KBNN trên địa bàn.

Để đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh toán không dùng tiền mặt cũng như xuất phát từ thực tế tại địa phương, ông Thái cho biết, KBNN Thái Nguyên đang đưa ra một số đề xuất.

Cụ thể là việc mở rộng địa bàn bắt buộc, đối tượng thực hiện thanh toán cá nhân qua tài khoản. Theo KBNN Thái Nguyên, hiện các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, mua bán trực tuyến đã mở rộng rất nhiều nên không nhất thiết phải là địa bàn có cây ATM mới thực hiện bắt buộc trả lương qua tài khoản.

Đồng thời, đẩy mạnh việc sử dụng hình thức thanh toán bằng thẻ tín dụng đã được quy định tại Thông tư 13/2016/TT- BTC của Bộ Tài chính đối với các địa bàn đô thị. Tiến tới dừng thanh toán mua sắm bằng tiền mặt của các đơn vị sử dụng ngân sách tại địa bàn đô thị.

Bên cạnh đó, việc uỷ nhiệm thu, chi tiền mặt qua NHTM cần được đẩy mạnh vì hiện nay, hệ thống thanh toán song phương điện tử, các văn bản về trả phí, lãi… giữa KBNN và các NHTM đã tương đối hoàn chỉnh, đủ các điều kiện cần thiết để thực hiện ủy nhiệm toàn bộ việc thu, chi tiền mặt qua NHTM.

Vân Hà

Vân Hà

© Thời báo Tài chính Việt Nam