Dự thảo nghị định về kiểm tra chuyên ngành: Cụ thể hóa nhiều nội dung cải cách có lợi cho doanh nghiệp

22:48 | 18/04/2021 Print
(TBTCVN) - Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu để trình Bộ Tài chính trình Chính phủ.

Cán bộ Hải quan Hà Nội kiểm tra thực tế lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành.

Cán bộ Hải quan Hà Nội kiểm tra thực tế lô hàng thuộc diện kiểm tra chuyên ngành. Ảnh: Hải Anh

Dự thảo có các quy định đã thể chế hóa chủ trương cải cách của Chính phủ, tại Quyết định 38/QĐ-TTg và vẫn đảm bảo quản lý nhà nước. Dự thảo nghị định kiểm tra chuyên ngành thể hiện được 7 nội dung cải cách trên cơ sở phát triển, ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin hiện có.

Rõ trách nhiệm của các bộ, ngành

Trên cơ sở thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Tài chính và tiếp thu ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cộng đồng doanh nghiệp (DN), Tổng cục Hải quan hoàn thiện dự thảo và tờ trình nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Nghị định KTCN) trình Bộ Tài chính đúng tiến độ về thời gian và chất lượng.

Dự thảo nghị định KTCN thể hiện được 7 nội dung cải cách (nêu tại Quyết định 38/QĐ-TTg) trên cơ sở phát triển, ứng dụng tối đa các hệ thống công nghệ thông tin hiện có để đơn giản hóa, hiện đại hóa thủ tục kiểm tra và đảm bảo minh bạch thông tin; đảm bảo áp dụng đầy đủ, hiệu quả các phương pháp kiểm tra tiên tiến như truy xuất nguồn gốc, quản lý rủi ro, phù hợp với thông lệ quốc tế, Công ước/hiệp định quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia.

Theo ban soạn thảo, điểm đáng quan tâm là dự thảo nghị định KTCN đã làm rõ phạm vi điều chỉnh của nghị định và trách nhiệm tham gia của các bộ, ngành vào quá trình kiểm tra hàng hóa nhập khẩu được đại diện các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có nhiều ý kiến tại các hội nghị. Cụ thể, nghị định quy định cơ chế quản lý, phương thức, trình tự, thủ tục kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm đối với hàng hóa thuộc danh mục hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm do các bộ quản lý ngành, lĩnh vực ban hành; làm rõ được phạm vi điều chỉnh diện hàng hóa được miễn kiểm. Trừ hàng hóa chuyên dùng phục vụ an ninh, quốc phòng, nguyên liệu sản xuất thuốc và thuốc cho người, thuốc thú y được thực hiện theo quy định hiện hành.

Đối với hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm, dự thảo nghị định KTCN đã quy định, thống nhất đầu mối cơ quan kiểm tra quản lý là Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNN).

Theo đó, Bộ NN&PTNN có trách nhiệm xây dựng chỉ tiêu chung cho hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chất lượng và/hoặc kiểm tra an toàn thực phẩm; thực hiện thông báo xác nhận kiểm dịch và kết quả kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm. Quy trình như vậy vẫn đảm bảo vai trò quản lý của cơ quan nhà nước và mang lại lợi ích cho DN, khi chỉ phải làm việc với một đầu mối là Bộ NN&PTNN.

Áp dụng tối đa phương pháp quản lý rủi ro

Theo tờ trình dự thảo nghị định KTCN, để tạo thuận lợi “cởi mở” cho DN, cơ quan quản lý nhà nước áp dụng tối đa phương pháp quản lý rủi ro, thống nhất các phương thức kiểm tra bao gồm: kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm.

Cụ thể, cơ quan quản lý thực hiện kiểm tra theo mặt hàng và được sử dụng kết quả kiểm tra của hàng hóa giống hệt để thực hiện thủ tục cho các lô hàng nhập khẩu tiếp theo.

Hơn nữa, về phương thức kiểm tra nhà nước (dự thảo) quy định hàng hóa nhập khẩu giống hệt hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố hợp quy, mã số tự công bố sản phẩm được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường. Phương thức kiểm tra thông thường áp dụng đối với hàng hóa giống hệt đã có 3 lần nhập khẩu liên tiếp đạt yêu cầu theo phương thức kiểm tra chặt và được áp dụng phương thức kiểm tra giảm khi chỉ kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu… Người nhập khẩu phải chịu trách nhiệm về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu.

Phương thức kiểm tra giảm cũng sẽ được áp dụng với hàng hóa đã được xác nhận đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước đã ký kết điều ước quốc tế thừa nhận lẫn nhau trong hoạt động kiểm tra an toàn thực phẩm mà Việt Nam là thành viên; có kết quả kiểm tra của cơ quan có thẩm quyền nước xuất khẩu đối với lô hàng, mặt hàng phù hợp với quy định của pháp luật Việt Nam.

Điểm sáng nữa trong quy định được DN hưởng ứng là hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký bản công bố sản phẩm thì các lần nhập khẩu hàng hóa giống hệt tiếp theo, các tổ chức, cá nhân được sử dụng mã số đăng ký bản công bố sản phẩm để được miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm.

Trách nhiệm kiểm soát hàng nhập khẩu của cơ quan hải quan

Cơ quan hải quan thực hiện kiểm tra nhà nước về chất lượng, kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm theo phương thức kiểm tra chặt, thông thường. Hàng hóa nhập khẩu sau khi lấy mẫu phải lưu giữ tại cửa khẩu nhập cho đến khi có kết quả kiểm tra và được cơ quan hải quan cho phép thông quan; trừ hàng hóa không thuộc danh mục phải lấy mẫu, kiểm tra tại cửa khẩu nhập được đưa về bảo quản với điều kiện địa điểm bảo quản hàng hóa phải đáp ứng yêu cầu về bảo quản hàng hóa, yêu cầu về giám sát hải quan.

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam