Hệ thống thu phí tự động không dừng: Phải giải quyết triệt để các bất cập trong tháng 4/2021

11:44 | 18/04/2021 Print
(TBTCVN) - Công tác vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng hiện nay vẫn còn nhiều lỗi, một số bắt nguồn từ công tác quản lý, vận hành không đúng quy trình. Để khắc phục triệt để, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ tập trung giải quyết những bất cập ngay trong tháng 4/2021.

8

Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình gặp lỗi không giao dịch được thanh toán thu phí tự động không dừng.

Hệ thống ETC vẫn còn nhiều lỗi

Theo ông Nguyễn Viết Huy - Phó Vụ trưởng Vụ Đối tác công tư (Bộ Giao thông vận tải), thời gian qua, một số xe dán thẻ thu phí tự động không dừng đi qua trạm thu phí trên đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình, Bắc Giang - Lạng Sơn, Hà Nội - Hải Phòng... gặp tình trạng không giao dịch được thanh toán thu phí tự động không dừng.

Để giải quyết tình trạng trên, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã thành lập 2 tổ công tác kiểm tra việc vận hành ETC tại các trạm thu phí trên cả nước để đánh giá kỹ các tồn tại, bất cập phát sinh trong quá trình vận hành hệ thống ETC; sự phối hợp giữa các nhà cung cấp dịch vụ ETC với nhau và với các nhà đầu tư BOT trong tổ chức thu phí; kết nối liên thông giữa 2 hệ thống trung tâm dữ liệu ETC.

Ông Huy cho biết, lỗi đọc thẻ gặp nhiều tại các trạm do nhà đầu tư BOT lắp đặt thiết bị Front-end (đầu cuối) kết nối với Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC). Nguyên nhân do thời gian tham gia dự án của VDTC chưa nhiều, nên còn gặp các lỗi trong quá trình dán thẻ cho khách hàng, như đưa thẻ cho khách hàng tự dán, dán ở các vị trí không đảm bảo về mặt kỹ thuật, không kiểm tra chất lượng đọc thẻ sau khi dán. Có một số xe dán thẻ VDTC thu sai mệnh giá (theo thống kê có khoảng 100 xe: Xe loại 5 nhưng dán thẻ mức giá là xe loại 1).

Cùng với đó, các phương tiện dán thẻ VDTC kết nối ViettelPay thường bị lỗi khi qua các trạm của Công ty TNHH Thu phí tự động (VECT) quản lý, do không thể kiểm tra được số dư trong tài khoản giao thông dẫn đến barie không mở.

Do vậy, Vụ Đối tác công tư yêu cầu VDTC rà soát, điều chỉnh lại quy trình dán thẻ, cũng như tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong quá trình dán thẻ dịch vụ; cử cán bộ thường trực tại các trạm thu phí xử lý, thay thế các thẻ dán bị lỗi cho khách.

Thừa nhận thực trạng này, ông Nguyễn Quốc Phong - Phó Tổng giám đốc VDTC cho biết, sau 3 tháng triển khai, VDTC đã dán được khoảng hơn 400.000 thẻ, trong số này có khoảng 40% chủ phương tiện nạp tiền và sử dụng tài khoản. Với tốc độ phát triển “nóng” như vậy không tránh khỏi lỗi phát sinh. Ngay sau đó, VDTC đã khắc phục các lỗi dán thẻ như dán sai mệnh giá, dán thẻ không đúng vị trí, bố trí cán bộ kỹ thuật tại trạm xử lý các sự cố có thể xảy ra.

Cần quy định rõ về quản lý vận hành trạm thu phí không dừng

Để giải quyết thực trạng trên, ông Nguyễn Mạnh Thắng - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, tổng cục đã yêu cầu VDTC chấn chỉnh lại việc dán thẻ và bố trí nhân viên thường trực tại các trạm, thẻ nào bị lỗi dán lại ngay cho chủ phương tiện.

Hiện nay, Tổng cục Đường bộ Việt Nam giao 2 nhà cung cấp dịch vụ trên xây dựng quy chế phối hợp, vận hành hệ thống thu phí tự động không dừng, trong đó quy định rõ vai trò, trách nhiệm của các bên tham gia vào công tác vận hành hệ thống, cũng như xác định rõ quy trình xử lý các vấn đề khi phát sinh lỗi trong quá trình vận hành.

Theo ông Huy, Quyết định 19/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ chỉ quy định đầu tư mà chưa quy định việc vận hành khai thác. Đến Thông tư 15/2020/TT-BGTVT của Bộ GTVT về quản lý trạm thu phí, nhưng đây chỉ là quản lý trạm thu phí một dừng. Vì vậy, cần có quy định rõ ràng về quản lý vận hành trạm thu phí không dừng. Ngoài ra, cần hoàn thiện chi phí vận hành của nhà đầu tư BOT được hưởng. Bên cạnh đó, hiện đã phân làn riêng cho thu phí không dừng nhưng chưa xử phạt được xe không dán thẻ đi vào làn này.

Còn theo Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ, Bộ GTVT cũng đã yêu cầu hai nhà cung cấp dịch vụ tập trung cao độ, khắc phục các lỗi, giải quyết triệt để các bất cập trong tháng 4/2021. Đồng thời, trên cơ sở Quyết định 19 của Thủ tướng, Bộ GTVT cũng sẽ xây dựng thông tư quy định về đầu tư, xây dựng, quản lý, vận hành và khai thác trạm thu phí không dừng.

Có 91 trạm vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng

Theo Bộ Giao thông vận tải, từ ngày 1/1/2021 đã có 91 trạm thu phí trên toàn quốc đưa vào vận hành hệ thống thu phí điện tử không dừng (56 trạm thuộc dự án BOO1 và 35 trạm thuộc dự án BOO2). Hệ thống dữ liệu của hai dự án BOO1 và BOO2 đã được kết nối để đảm bảo chủ phương tiện chỉ cần sử dụng một thẻ thu phí điện tử không dừng để lưu thông qua 91 trạm thu phí có lắp đặt hệ thống thu phí không dung.

Văn Nam - Trí Dũng

Văn Nam - Trí Dũng

© Thời báo Tài chính Việt Nam