Tìm giải pháp phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm

12:30 | 16/04/2021 Print
Các chuyên gia tài chính trong và ngoài nước cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động xếp hạng tín nhiệm như phương pháp, quy trình thực hiện, vai trò và các yếu tố ảnh hưởng đến định mức tín nhiệm của doanh nghiệp, sức tác động lên quyết định đầu tư…

mr duong

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) phát biểu khai mạc hội nghị. Ảnh Đỗ Doãn

Ngày 16/4 tại TP. Hồ Chí Minh, Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á tổ chức Hội nghị Phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam. Sự kiện thuộc chuỗi các hội nghị của Bộ Tài chính nhằm phổ biến, đào tạo và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư (NĐT), các đối tượng tham gia thị trường tài chính về hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam.

Hoạt động xếp hạng tín nhiệm có vai trò quan trọng đối với sự phát triển của thị trường tài chính nói chung và thị trường trái phiếu nói riêng. Thông qua việc xác định hệ số tín nhiệm, NĐT có thêm thông tin để đánh giá khả năng tài chính, khả năng thanh toán nợ của đối tượng được định mức tín nhiệm, của sản phẩm tài chính được định mức tín nhiệm, cũng như những rủi ro có liên quan.

Phát biểu khai mạc hội nghị, ông Nguyễn Hoàng Dương – Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, để phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2014/NĐ-CP về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, trong đó quy định đầy đủ các nội dung về tổ chức hoạt động, cung cấp dịch vụ, công bố thông tin của tổ chức xếp hạng tín nhiệm.

trao doi
DN thảo luận với các chuyên gia tài chính quốc tế về dịch vụ xếp hạng tín nhiệm. Ảnh: Đỗ Doãn

Luật Chứng khoán năm 2019 và các văn bản hướng dẫn đã có quy định cụ thể về các trường hợp DN phát hành trái phiếu ra công chúng phải được xếp hạng tín nhiệm và lộ trình thực hiện, đồng thời khuyến khích các DN phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) riêng lẻ sử dụng dịch vụ này nhằm tăng cường tính công khai, minh bạch của thị trường TPDN.

“Bộ Tài chính cũng đang nghiên cứu gắn các quy định về kết quả xếp hạng tín nhiệm với các quy định về phân loại, tiêu chí đầu tư đối với một số tổ chức tài chính đặc thù hoặc sử dụng kết quả xếp hạng tín nhiệm khi tính các chỉ tiêu an toàn vốn, tài sản của các tổ chức trên thị trường tài chính” – ông Nguyễn Hoàng Dương nói.

Tại hội nghị, các chuyên gia đến từ Ủy ban Chứng khoán và Đầu tư Australia, các tổ chức xếp hạng quốc tế S&P, Moody’s và tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fiin của Việt Nam đã trình bày về vai trò của tổ chức xếp hạng tín nhiệm trên thị trường tài chính, phương pháp, quy trình thực hiện xếp hạng tín nhiệm, các yếu tố ảnh hưởng đến định mức tín nhiệm của DN, các nội dung cần lưu ý để cải thiện bậc xếp hạng và tác động của kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với quyết định của NĐT.

Nhìn chung, các nội dung tại hội nghị đều nhằm cung cấp các thông tin đầy đủ về phát triển hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam và nâng cao nhận thức của thị trường đối với hoạt động này.

Được biết, theo Quyết định số 570/QĐ-TTg ngày 17/4/2015 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển dịch vụ xếp hạng tín nhiệm đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Bộ Tài chính sẽ xem xét, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch vụ xếp hạng tín nhiệm cho tối đa 5 DN.

Cho đến nay, đã có 2 DN của Việt Nam được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh và đang triển khai cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm trên thị trường. Bộ Tài chính cũng đã nhận được đề nghị quan tâm của một số tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế có uy tín và sẽ xem xét, thẩm định theo đúng quy định của pháp luật./.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam