Giảm thời gian thông quan, tăng hiệu quả quản lý

11:44 | 14/04/2021 Print
(TBTCVN) -Việc trao thẩm quyền ký ban hành thông báo kết quả kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu cho lãnh đạo Cục Kiểm định hải quan và các chi cục kiểm định, trong Thông tư 17/2021/TT-BTC (thay thế Thông tư 14/2015/TT-BTC) được xem là thay đổi lớn trong quy định về kiểm tra chuyên ngành.

Kiểm tra mẫu hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Kiểm định Hải quan 3.

Kiểm tra mẫu hàng hóa nhập khẩu tại Chi cục Kiểm định Hải quan 3. Ảnh: Doãn Thiệu

Thay đổi này sẽ giúp công tác quản lý của ngành Hải quan hiệu quả hơn và thời gian thông quan cũng được rút ngắn.

Mỗi hồ sơ một phiếu yêu cầu

Ngày 12/4, Thông tư số 17/2021/TT-BTC (Thông tư 17) về phân loại hàng hóa, phân tích để phân loại hàng hóa; phân tích để kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu chính thức có hiệu lực. Thông tư mới này có 5 nhóm vấn đề chính cần lưu ý. Thứ nhất là về hồ sơ yêu cầu phân tích để phân loại. Theo quy định tại điểm 1, điểm 4 khoản 2 Điều 1 thì mỗi mặt hàng phải lập 1 phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm biên bản lấy mẫu hàng hóa. Đối với tài liệu kỹ thuật, trường hợp không có tài liệu kỹ thuật thì cơ quan hải quan phải nêu rõ lý do.

Thứ hai là về thời hạn ban hành các thông báo. Theo quy định tại khoản 4 Điều 1 của thông tư, thời hạn ban hành thông báo kết quả phân loại không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 20 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích. Riêng về thời hạn ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, Thông tư 17 quy định không quá 5 ngày làm việc, trường hợp thời gian phân tích phụ thuộc thời gian do yêu cầu quy trình kỹ thuật phân tích hoặc mẫu hàng hóa phức tạp thì không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận đủ hồ sơ và mẫu phân tích.

Thứ ba là về mẫu hàng hóa gửi phân tích để phân loại. Theo quy định tại mục b, mục c điểm 1 khoản 3 Điều 1 thì, số lượng mẫu gửi phân tích để phân loại phải đủ hai mẫu và không thực hiện lấy mẫu đối với trường hợp người khai hải quan chỉ nhập khẩu một mẫu. Cơ quan hải quan nơi yêu cầu phân tích là đơn vị gửi mẫu trực tiếp hoặc qua đường bưu điện, đặc biệt là không giao cho người khai hải quan chuyển mẫu. “Các dạng mẫu gửi trước đây chỉ cần một tờ khai hoặc một phiếu yêu cầu cho nhiều mẫu, giờ mỗi mẫu chỉ được một phiếu yêu cầu. Đây là một trong hai thay đổi chính của Thông tư 17 mới so với Thông tư 14, bởi quy định cụ thể hơn trách nhiệm của cơ quan hải quan khi muốn yêu cầu kiểm tra các mẫu hàng hóa của doanh nghiệp xuất nhập khẩu” - đại diện Cục Hải quan TP. Hồ Chí Minh cho biết.

Quy trình giải quyết nhanh và chuyên nghiệp hơn

Nhóm vấn đều cần lưu ý thứ tư là về biểu mẫu. Theo quy định tại khoản 7 Điều 1, có 4 mẫu liên quan gồm: Phiếu yêu cầu phân tích hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu kiêm Biên bản lấy mẫu hàng hóa; thông báo kết quả phân loại đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và mẫu thông báo kết quả phân tích kèm mã số đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu.

Nhóm vấn đề thứ năm là về thẩm quyền ban hành thông báo kết quả phân loại, thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Theo quy định tại khoản 4, khoản 5 Điều 1 của Thông tư, cục trưởng cục kiểm định hải quan được phép ban hành thông báo kết quả phân loại và thông báo kết quả kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm. Trong khi đó, chi cục trưởng chi cục kiểm định hải quan ban hành thông báo kết quả phân tích kèm mã số hàng hóa, thông báo kết quả phân tích kèm mã số đề xuất.

Chia sẻ về vấn đề này, một cán bộ chuyên trách của Chi cục Kiểm định hải quan 3 cho hay, trước đây, các kết quả thông báo đề xuất đều do lãnh đạo Tổng cục Hải quan ký, nhưng giờ Thông tư 17 trao thẩm quyền cho lãnh đạo cục kiểm định hải quan ký. Những thay đổi này có lợi cho doanh nghiệp rất nhiều bởi rút ngắn thời gian kiểm tra. Cụ thể, trước kia, các chi cục kiểm định đề xuất mẫu lên, Cục Kiểm định rà soát lại và sau đó chuyển sang Cục thuế Xuất nhập khẩu (XNK) rà soát tiếp, xong Cục thuế XNK mới trình lãnh đạo Tổng cục Hải quan ký. Quy trình như vậy mất nhiều thời gian, trong khi mẫu các chi cục đề xuất hầu như đều được Tổng cục Hải quan ký (hơn 99%). Tức là phải mất rất nhiều thời gian phục vụ cho việc chuyển giữa hai khâu đề xuất, trong khi rủi ro khác biệt kết quả giữa các bên (Cục thuế XNK và cục kiểm định hải quan) lại chưa đến 1%.

“Mức độ rủi ro thấp như vậy thì không cần phải mất thêm thời gian cho vấn đề này. Việc giao hẳn cho bên kiểm định ký sẽ giúp quy trình kiểm tra được rút ngắn do thuộc lĩnh vực chuyên môn nên bên được giao dễ dàng nắm rõ, khi cấp dưới chuyển lên để ký, thời gian rà soát sẽ ít hơn rất nhiều, trong khi các khâu trung gian được bỏ bớt càng giúp quy trình thực hiện được rút ngắn đáng kể…” – cán bộ Kiểm định Hải quan 3 thuộc Tổng cục Hải quan cho biết.

Quy trình kiểm tra được rút ngắn đáng kể

Việc giao hẳn cho bên kiểm định ký sẽ giúp quy trình kiểm tra được rút ngắn do thuộc lĩnh vực chuyên môn nên bên được giao dễ dàng nắm rõ, khi cấp dưới chuyển lên để ký, thời gian rà soát sẽ ít hơn rất nhiều, trong khi các khâu trung gian được bỏ bớt càng giúp quy trình thực hiện được rút ngắn đáng kể.

Đỗ Doãn

Đỗ Doãn

© Thời báo Tài chính Việt Nam