Việt Nam có dư địa để “tung” các gói kích thích kinh tế tiếp theo

19:59 | 13/04/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, GS. TS Andreas Stoffer - Giám đốc Quốc gia Viện Friedrich Naumann Foundation for Freedom (FNF) tại Việt Nam cho rằng, Việt Nam có dư địa để tung ra các gói kích thích kinh tế tiếp theo.

du

Nguồn: Liên Hợp quốc

PV: Trong năm qua, để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp khôi phục kinh tế, Chính phủ Việt Nam đã tung ra các gói kích thích kinh tế lớn trong bối cảnh ngân sách còn hạn hẹp. Ông đánh giá như thế nào về tác động của các gói kích thích kinh tế này?

GS. TS Andreas Stoffers: Tôi cho rằng các gói kích thích kinh tế của Việt Nam vừa qua là thận trọng và đủ tính hiệu quả. Tác động tích cực của các biện pháp này có thể được nhìn thấy ở các khía cạnh khác nhau và Việt Nam đã xử lý khủng hoảng tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên toàn thế giới. Điều này bao gồm chính sách kích thích tài khóa cũng như chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Về chính sách tiền tệ, Việt Nam đã sáng suốt trong việc kìm chế lạm phát do không đẩy nhiều tiền ra thị trường và không hạ mức lãi suất bằng 0. Vì vậy, Nhà nước vẫn còn nhiều dư địa để điều hành nền kinh tế.

9
GS. TS Andreas Stoffers

Trong khi các nền kinh tế khác trên thế giới sụt giảm nghiêm trọng về kinh tế, tăng trưởng kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ở mức dương. Năm 2020 nợ công bùng nổ ở các nơi khác (Đức 71%, Hy Lạp 205%, Ý 161%), nợ công của Việt Nam vẫn ở mức 55,3% GDP (theo số liệu từ Bộ Tài chính) và vẫn dưới mức trần của Quốc hội cho phép.

Theo tôi, viện trợ khẩn cấp cho người dân và doanh nghiệp đang gặp khó khăn là cần thiết. Tuy nhiên, tất cả các biện pháp, chính sách tài khóa và tiền tệ cần được thực hiện hết sức thận trọng. Việc cung tiền ra thị trường nhằm kích cầu sẽ có tác động tiêu cực đến nền kinh tế Việt Nam trong trung và dài hạn. Thay vào đó, các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ cần được ưu tiên hỗ trợ để có thể phục hồi.

PV: Hiện tại, quá trình phục hồi của kinh tế Việt Nam đang diễn ra khá tích cực. Tuy nhiên, những bất định vẫn còn ở phía trước khi dịch bệnh chưa được kiểm soát hoàn toàn. Như vậy, theo ông, với tình hình hiện tại, liệu rằng Việt Nam có cần thiết phải tung ra các gói kích thích kinh tế như đợt vừa qua hay không?

GS. TS Andreas Stoffers: Như đã nói ở trên, với những dư địa chính sách, Chính phủ có thể có các tung ra các gói kích thích kinh tế mà không có vấn đề gì, nhưng cần dựa trên các biện pháp thành công của năm vừa qua. Cụ thể là không được để vượt quá mức trần nợ công do Quốc hội quy định. Tin tốt là nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng vào năm 2020 và có tiềm năng tăng trưởng mạnh hơn nữa vào năm 2021. Điều này sẽ giúp tăng thêm ngân quỹ và Chính phủ sẽ có nhiều ngân sách hơn cho bất kỳ biện pháp kích thích nào so với năm trước mà không làm tăng tỷ lệ nợ trên GDP.

Tôi cho rằng, nền kinh tế Việt Nam đủ mạnh để tự mình thoát ra khỏi khủng hoảng. Bên cạnh các biện pháp đã thực hiện cho đến nay, để mở cửa nền kinh tế, điều quan trọng là phải tăng hiệu quả hoạt động của nền kinh tế, số hóa nền kinh tế và thành lập cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Tuy nhiên, thách thức lớn nhất đối với Việt Nam nằm ở sự phát triển của nền kinh tế toàn cầu. Nếu nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng sẽ tạo thuận lợi cho sự tăng trưởng của Việt Nam, đặc biệt là tại thời điểm đất nước đã có vị thế rất tốt trên toàn cầu với những gì làm được trong năm 2020.

Bên cạnh việc cần duy trì một chính sách kinh tế cởi mở và tự do như năm ngoái, trong năm 2021, Việt Nam cần tiếp tục duy trì sự cân bằng ở hai yếu tố: sức khoẻ người dân và sức khỏe nền kinh tế. Theo tôi, Việt Nam đã tính đến tất cả những điều này và không để nền kinh tế bị suy sụp vào năm 2020. Đó là công thức đúng để đồng hành với chúng ta vào năm 2021.

PV: Trong bối cảnh ngân sách của Việt Nam còn eo hẹp, theo ông, Chính phủ nên hỗ trợ như thế nào cho quá trình phục hồi kinh tế để sự phục hồi này vững chắc và không bị gián đoạn?

GS. TS Andreas Stoffers: Tôi đồng quan điểm với nguyên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông đề cập cấu phần của “cỗ xe tam mã” để đạt tăng trưởng kinh tế là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. Những yếu tố này vẫn được kỳ vọng sẽ là sức mạnh tổng hợp của nền kinh tế vào năm 2021.

Về đầu tư, năm ngoái Việt Nam sử dụng đầu tư công làm yếu tố thúc đẩy tăng trưởng để vượt qua những thời điểm khó khăn của Covid-19. Tuy nhiên, trong năm nay, vai trò chủ đạo sẽ quay trở lại với đầu tư của khu vực tư nhân trong quý tiếp theo của năm 2021. Điều này đòi hỏi phải cải cách luật. Luật Đầu tư mới cùng với hội nhập sâu rộng được kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình cải cách này.

Về xuất khẩu, năm 2020 Việt Nam vẫn xuất siêu 19,95 tỷ USD. Trong đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm ưu thế với hơn 60%, tuy nhiên khu vực trong nước cũng rất cố gắng để bắt kịp. Các hiệp định thương mại tự do như: EVFTA, RCEP, CPTPP là những “mảnh đất tốt” để các công ty Việt Nam tìm kiếm cơ hội cho mình.

Công nghệ cũng là một ngôi sao đang lên ở tất cả mọi nơi trên thế giới và Việt Nam cũng không nằm ngoài cuộc. Đặt phát triển công nghệ làm chìa khóa cho tăng trưởng là bước đi đúng đắn mà Việt Nam đang thực hiện, chẳng hạn như kế hoạch phủ sóng 5G do chính doanh nghiệp trong nước cung cấp là tín hiệu tốt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Việt Nam sẽ tiếp tục câu chuyện thành công của mình vào năm 2021

“Thế giới tin tưởng rằng Việt Nam đã và sẽ tiếp tục vượt qua khủng hoảng. Nhưng cũng như năm trước, Việt Nam cũng sẽ không tránh khỏi việc phải đối mặt với những thách thức lớn trong năm 2021. Mục tiêu cần làm là tiếp tục phát triển kinh tế tích cực như trong những năm qua và vươn lên mạnh mẽ hơn nữa từ những khó khăn kinh tế toàn cầu. Những thành tố quan trọng giúp Việt Nam tiếp tục phát triển kinh tế trong năm 2021 sẽ là: tự do hóa thương mại và các hiệp định thương mại tự do; chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, khôn khéo; Luật Đầu tư hấp dẫn các nhà đầu tư. Cuối cùng, một điểm nhỏ, nhưng rất cần thiết là Việt Nam nên xem xét cho phép các doanh nhân nước ngoài nhập cảnh trở lại. Bởi thực tế, Việt Nam đã kiểm soát rất tốt dịch, tỷ lệ tử vong thấp và nền kinh tế đang phát triển trở lại. Chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan.

Nếu tiếp tục thực hiện các chính sách như trên thì sẽ không có nghi ngờ gì vào việc Việt Nam sẽ tiếp tục câu chu
yện thành công của mình vào năm 2021” - GS. TS Andreas Stoffers.

Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam