“Đột phá” nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước

19:50 | 13/04/2021 Print
(TBTCVN) - Làm rõ khái niệm vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), tách bạch quản lý vốn và quản lý DN, thay đổi cơ chế quản trị để lãnh đạo DNNN làm việc chuyên nghiệp, hiệu quả hơn… là những đề xuất nổi bật trong hướng sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN.

8

Chính sách sẽ được sửa theo hướng phân tách được chức năng quản lý của chủ sở hữu với quản trị, điều hành của doanh nghiệp.

Xung quanh vấn đề này, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính.

PV: Thưa ông, các đề xuất về sửa đổi Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật 69) có nêu ra một số bất cập trong quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (DN), trong đó có nhấn mạnh việc phải làm rõ về khái niệm vốn nhà nước tại DN, xin ông cho biết cụ thể hơn về nội dung này?

Ông Đặng Quyết Tiến: Khái niệm vốn nhà nước là vốn từ ngân sách, đầu tư vào DN. Tuy nhiên, điều chưa được làm rõ là khi vốn nhà nước đầu tư vào DN thì do DN làm chủ sở hữu, quản lý, sử dụng, định đoạt hay Nhà nước vẫn là chủ sở hữu. Hiện nay, chúng ta vẫn coi vốn nhà nước đầu tư ở DN tức là Nhà nước có toàn quyền định đoạt, quyết định và như vậy DN không có quyền sử dụng, định đoạt. Đây là một vướng mắc nổi lên trong quá trình rà soát Luật 69, mà rất nhiều ý kiến cho rằng khi sửa đổi thì phải làm rõ nội dung này.

8
Ông Đặng Quyết Tiến

Chỉ khi phân định quyền của đại diện chủ sở hữu và quyền định đoạt của DN thì DN mới yên tâm. Đây là sự thay đổi đột phá, nếu không thì bất cứ DN nào khi làm đều “rất run” và để giảm thiểu rủi ro họ phải xin ý kiến của cơ quan đại diện chủ sở hữu đồng ý thì họ mới dám làm. Điều này dẫn đến DN không tự chủ trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh và né tránh trách nhiệm.

PV: Như vậy, vấn đề ở đây là phải tách bạch được rõ quyền về quản lý vốn của nhà nước và quyền quản lý, điều hành DN?

Ông Đặng Quyết Tiến: Theo cơ chế hiện nay, cơ quan đại diện chủ sở hữu đang can thiệp quá sâu vào hoạt động của DN. DN không được quyết định những cái gì thuộc về thẩm quyền của hội đồng thành viên/hội đồng quản trị (HĐTV/HĐQT), vô hình trung lãnh đạo không linh động. Có thứ can thiệp quá sâu, nhưng có thứ lại không can thiệp vì sợ trách nhiệm. Theo phân cấp thì chủ sở hữu chỉ duyệt những gì vượt thẩm quyền của DN. Đây là điểm chưa rõ ràng dẫn đến vấn đề quản lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu không được minh bạch dẫn đến sự đan xen, lúng túng. Tôi cho rằng, điều này không xử lý được khiến DN khó tăng hiệu quả hoạt động.

Mấu chốt của quản lý vốn nhà nước là phân định rõ quyền và trách nhiệm của DN với cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Với Luật 69, chúng ta tách được quản lý nhà nước với quản lý của chủ sở hữu. Tới đây, chính sách sẽ được sửa theo hướng phân tách được chức năng quản lý của chủ sở hữu với quản trị, điều hành của DN. Còn việc DN sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào đó an toàn, hiệu quả thế nào thì phải quản lý, giám sát thông qua các tiêu chí, hệ thống quản trị mà cơ quan quản lý nhà nước phải yêu cầu DN thực hiện. Nếu làm như vậy thì mọi vấn đề chi tiêu, lương thưởng, đầu tư đều được công khai, minh bạch, tài sản nhà nước được quản lý, giám sát chặt chẽ hơn. Còn hiện nay, với cơ chế này sẽ không cần phải minh bạch vì có vấn đề gì đã xin ý kiến chỉ đạo của chủ sở hữu vốn nhà nước rồi.

Vấn đề nữa là nếu không phân định rõ, vốn ở DN vẫn là sở hữu nhà nước và khi xảy ra thất thoát vốn, tài sản nhà nước thì là điều rất nghiêm trọng, liên quan đến việc hình sự hóa các giao dịch dân sự, kinh tế.

PV: Trong DN cổ phần, vẫn có quy định khi một cá nhân, tổ chức sở hữu vượt một tỷ lệ cổ phần nhất định thì sẽ có quyền điều hành DN. Điều này có nên được làm rõ khi sửa Luật 69 ?

Ông Đặng Quyết Tiến: Vấn đề điều hành hay không phải tiếp cận dưới góc độ của DN. Ví dụ, đại hội cổ đông ra nghị quyết ai chiếm đa số phiếu thì làm HĐTV/HĐQT thì Nhà nước cử người vào. Người được cử phải là người chuyên nghiệp trong điều hành DN không phải là người đại diện vốn nhà nước thông thường. Đó phải là những người am hiểu ngành nghề, lĩnh vực của DN tránh trường hợp như bây giờ có thể đưa bất kỳ ai, công chức, viên chức nhà nước vào DN làm chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc.

Anh làm đại diện vốn mà không hiểu gì về hoạt động của DN thì khó có thể hiệu quả. Hay nói cách khác, đây là tiền đề để mình thúc đẩy biến nghề điều hành DN (CEO) là nghề phải có sự đấu thầu, cạnh tranh. Đây là sự đột phá trong quản trị, điều hành DNNN, chấm dứt việc ai cũng có thể trở thành lãnh đạo DN nhà nước (DNNN). Chẳng hạn, không còn chuyện một viên chức, công chức chỉ am hiểu về lĩnh vực tài chính được cử xuống điều hành công ty điện lực. Người này chỉ có thể quản lý vốn nhà nước tại DN, là thành viên HĐQT để giám sát chứ không trực tiếp điều hành như giám đốc điều hành (CEO). Đây là sự đột phá để lãnh đạo DNNN làm việc chuyên nghiệp, phải chịu trách nhiệm và làm việc theo hợp đồng, thu nhập dựa vào kết quả kinh doanh của DN. Anh làm đúng, đủ, có hiệu quả thì được trả lương cao, nếu không còn bị phạt và khi để xảy ra thua lỗ thì xử lý dựa trên hợp đồng. Còn hiện nay những người giỏi không ai dám vào làm CEO DNNN vì nếu kinh doanh thua lỗ là bị vi phạm pháp luật, bất kể thua lỗ do khách quan và trước khi đầu tư đã xin ý kiến chỉ đạo của chủ sở hữu.

Sửa đổi Luật 69 lần này, chúng tôi rất muốn đưa quy định về cơ chế tiền lương theo thị trường, gắn liền trách nhiệm chủ sở hữu trong việc phê duyệt thang bảng lương cho lãnh đạo DN theo hiệu quả sử dụng vốn của DN. Đây là động lực khuyến khích nâng cao sử dụng hiệu quả đồng vốn để không chỉ lãnh đạo DN mà cả người lao động cũng được hưởng.

PV: Xin cảm ơn ông!

Người đại diện vốn nhà nước phải hiểu ngành nghề


“Người làm đại diện vốn mà không hiểu gì về hoạt động của doanh nghiệp thì khó có thể hiệu quả. Đó phải là những người am hiểu ngành nghề, lĩnh vực của doanh nghiệp; tránh trường hợp có thể đưa bất kỳ ai, công chức, viên chức nhà nước vào doanh nghiệp làm chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc, hoặc một viên chức, công chức chỉ am hiểu về lĩnh vực tài chính được cử xuống điều hành công ty điện lực”.

Ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính New Document

Hoàng Yến (thực hiện)

Hoàng Yến (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam