Tài chính bền vững, đất nước mạnh giàu

09:09 | 12/04/2021 Print
(TBTCVN) - Muốn rộng đường phát triển đất nước tiến lên giàu mạnh thì phải phát triển được nguồn lực tài chính quốc gia bền vững.

Xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh

Xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh sẽ đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển của đất nước.

Thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu thực hiện các mục tiêu, chiến lược, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra trong nhiệm kỳ mới, nhiều cơ hội và thách thức đang đặt ra với ngành Tài chính để đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

Vì một nền tài chính quốc gia minh bạch, hiệu quả

Trong 10 năm trở lại đây, Bộ trưởng Bộ Tài chính đều kinh qua chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước, là thông điệp rất rõ cho quyết tâm của Đảng và Nhà nước trong việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương ngân sách, trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước.

Vào tháng 8/2011, Chính phủ khóa mới với nhiều gương mặt mới, trong đó có tân Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ, người vừa kết thúc nhiệm kỳ Tổng Kiểm toán Nhà nước (KTNN) (từ tháng 7/2006 đến tháng 8/2011). Không lâu sau đó, Tổng KTNN Đinh Tiến Dũng thay thế ông Vương Đình Huệ làm Bộ trưởng Bộ Tài chính. Trước đó, ông Đinh Tiến Dũng là Tổng KTNN từ tháng 8/2011 đến tháng 5/2013.

Hơn 8 năm sau, thêm một lần nữa, ngành Tài chính có người đứng đầu nguyên là Tổng KTNN. Ngày 8/4/2021, tại Kỳ họp thứ 11 của Quốc hội Khóa XIV, trong ngày họp cuối cùng, Quốc hội thông qua danh sách 14 thành viên Chính phủ mới, trong đó có tân Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, người là Tổng KTNN nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc vừa trải qua nhiệm kỳ Tổng KTNN rất thành công. Việc chỉ đạo điều hành hoạt động kiểm toán của Tổng KTNN trong cả giai đoạn 2016 - 2021 được thực hiện quyết liệt, thường xuyên và liên tục. Tại Nghị trường Quốc hội Kỳ họp thứ 11, các đại biểu đánh giá, trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán của KTNN đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đã dành cho Tổng KTNN Hồ Đức Phớc những đánh giá rất cao. “Thẳng thắn, cương trực, bản lĩnh” là 6 từ mà vị đại biểu này dùng để khái quát về khí chất của những người đứng đầu cơ quan KTNN. “Chúng ta phải khách quan đánh giá rằng, thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan kiểm toán. Những buổi thảo luận, tranh luận tại hội trường, có những số liệu cụ thể để đưa ra tranh luận về biểu hiện của thất thoát, của tham nhũng, chúng ta đều phải dựa trên số liệu của kiểm toán. Các đợt đi giám sát, các thông tin có chất lượng nhất giúp các Đoàn giám sát cũng phải dựa vào số liệu của kiểm toán”, đại biểu Cường phát biểu, “chúng ta cần phải đánh giá rất cao những thành quả đã đạt được của kiểm toán, thể hiện tính chất thẳng thắn, cương trực và bản lĩnh của kiểm toán cũng như của Tổng KTNN trong nhiệm kỳ vừa qua”.

Xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh

“Thẳng thắn, cương trực, bản lĩnh” là những tố chất mà dư luận thấy được ở Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ 10 năm trước như khi ông quyết liệt truy vấn về giá xăng dầu; là những tố chất mà dư luận thấy được ở Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng trong suốt hơn 8 năm qua, như khi ông thẳng thắn phát biểu trước Nghị trường Quốc hội mùa hè năm 2019, “những năm gần đây, bội chi, nợ công được quản lý rất nghiêm túc, nhiều khi mất anh em, bạn bè vì địa phương thì ai cũng muốn vay. Nhưng vì lợi ích quốc gia, chúng ta không thể làm khác”. Tiếp nối các thế hệ đứng đầu ngành Tài chính, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc sẽ tiếp tục tập trung phát triển nguồn lực tài chính quốc gia bền vững để đảm bảo tiềm lực cho đất nước tiến lên giàu mạnh.

Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trong nội dung tổng kết nhiệm kỳ Đại hội XII, quản lý tài chính, ngân sách nhà nước là một trong những điểm nhấn về thành tựu của đất nước 5 năm qua. Kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách nhà nước được tăng cường đã góp phần quan trọng làm nên một trong 5 bài học kinh nghiệm quý báu qua 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Thời điểm hiện nay có ý nghĩa rất quan trọng, là năm đầu thực hiện các mục tiêu, chiến lược, nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đặt ra trong nhiệm kỳ mới. Đây vừa là khó khăn, thách thức, cũng là cơ hội đối với ngành Tài chính. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc trong lần trả lời phỏng vấn đầu tiên với TBTCVN khi Quốc hội tán thành phê chuẩn ông giữ chức Bộ trưởng Tài chính nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã có những chia sẻ về nhiệm vụ và trọng trách mới được Đảng, Nhà nước và Nhân dân tin tưởng giao phó, trong đó tân Bộ trưởng Tài chính nhấn mạnh việc tập trung xây dựng và phát triển nguồn lực tài chính quốc gia vững mạnh, đóng góp ngày càng hiệu quả vào sự nghiệp phát triển, đổi mới của đất nước.

“Trải qua hơn 75 năm hình thành và phát triển, ngành Tài chính Việt Nam luôn vững bước qua các giai đoạn lịch sử của đất nước và đã có những bước đột phá mạnh mẽ để tăng cường tiềm lực tài chính quốc gia... Với đội ngũ cán bộ công chức toàn Ngành trách nhiệm và chuyên nghiệp. Tôi tin tưởng rằng, ngành Tài chính và cá nhân tôi trong thời gian tới sẽ phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao” - Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam