Hải quan triển khai Nghị định 18 thi hành Luật Thuế xuất nhập khẩu

16:17 | 09/04/2021 Print
(TBTCO)- Ngày 9/4, Tổng cục Hải quan tổ chức Hội nghị trực tuyến tập huấn Nghị định 18/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 134/2016/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu, có hiệu lực từ 25/4/2021.

hải quan

Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng chủ trì phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Thu Bùi

Áp dụng thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu

Tại hội nghị, lãnh đạo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Lưu Mạnh Tưởng giới thiệu một số điểm mới của Nghị định 18/2021/NĐ-CP (NĐ 18) mà Nghị định 134/2016/NĐ-CP (NĐ 134) chưa có quy định.

So với NĐ 134, NĐ 18 đã giải quyết được bất cập, vướng mắc phát sinh trong việc thực hiện chính sách ưu đãi thuế đối với hoạt động gia công, sản xuất xuất khẩu và hoạt động xuất nhập khẩu tại chỗ.

Phó Tổng cục trưởng Lưu Mạnh Tưởng chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ, các cục hải quan tỉnh, thành phố tổ chức tập huấn cho các cán bộ công chức, doanh nghiệp nắm được nội dung Nghị định 18 để hợp tác thực hiện. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc các đơn vị báo cáo, đề xuất hướng xử lý về Tổng cục Hải quan để được hướng dẫn cụ thể, tránh phát sinh khó khăn trong quá trình thực hiện.

NĐ 18 có bổ sung quy định về áp dụng thuế xuất với hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) tại chỗ cho từng trường hợp để cơ quan hải quan cũng như DN có thể đối chiếu thực hiện.

Cụ thể, thuế suất đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu qua cửa khẩu, biên giới Việt Nam, hàng hóa xuất khẩu tại chỗ, nhập khẩu tại chỗ thực hiện theo quy định tại Điều 5, Điều 6 và Điều 7 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Hàng hóa xuất khẩu tại chỗ áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu quy định tại Nghị định 122/2016/NĐ-CP ban hành Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, Danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan, Nghị định 57/2020/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Hàng hóa đáp ứng điều kiện xuất xứ từ nước, nhóm nước hoặc vùng lãnh thổ thực hiện đối xử tối huệ quốc trong quan hệ thương mại với Việt Nam nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước; hàng hóa sản xuất, gia công, tái chế, lắp ráp tại khu phi thuế quan không đáp ứng các điều kiện để hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt nhập khẩu tại chỗ từ khu phi thuế quan vào thị trường trong nước, áp dụng mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi quy định tại Nghị định 125/2017/NĐ-CP, Nghị định 57/2020/NĐ-CP và văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế.

Thực thi hàng loạt điều khoản miễn thuế

Tại hội nghị, lãnh đạo Tổng cục Hải quan cũng lưu ý các đơn vị, các cục hải quan tỉnh, thành phố trong việc thực hiện các quy định điều khoản miễn thuế quy định tại NĐ 18 được sửa đổi, bổ sung so với NĐ 134.

Cụ thể, “Điều 5, miễn thuế đối với hàng hóa của tổ chức, cá nhân nước ngoài được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ thực hiện theo xác nhận của Bộ Ngoại giao.

Điều 8, miễn thuế đối với quà biếu, quà tặng của tổ chức, cá nhân nước ngoài cho cơ quan, tổ chức Việt Nam được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động theo pháp luật về ngân sách và được cơ quan có thẩm quyền cho phép tiếp nhận hoặc quà biếu, quà tặng vì mục đích nhân đạo, từ thiện là toàn bộ trị giá của quà biếu, quà tặng và không quá 4 lần/năm.”.

Điều 10, miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công, sản phẩm gia công xuất khẩu theo hợp đồng gia công được miễn thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 6 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

Điều 12, miễn thuế đối với hàng hóa nhập khẩu để sản xuất hàng hóa xuất khẩu được miễn thuế nhập khẩu theo quy định tại khoản 7 Điều 16 Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu. Điều 28, miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu để phục vụ đảm bảo an sinh xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, dịch bệnh và các trường hợp đặc biệt khác.

Đáng chú ý là việc thực hiện Điều 14, miễn thuế hàng hóa nhập khẩu để tạo tài sản cố định của đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư thực hiện theo quy định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Cơ sở để xác định miễn thuế của các đối tượng ưu đãi đầu tư khác quy định tại Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 thực hiện theo quy định của pháp luật đầu tư và pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Cơ sở để xác định đối tượng được miễn thuế theo dự án đầu tư thuộc ngành, nghề ưu đãi đầu tư hoặc ngành, nghề đặc biệt ưu đãi đầu tư; dự án đầu tư tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn hoặc địa bàn kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định tại Nghị định số 118/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Cơ quan hải quan nơi tiếp nhận Danh mục miễn thuế có trách nhiệm thực hiện kiểm tra việc giải ngân vốn đầu tư, các tiêu chí về tổng doanh thu và tiêu chí về sử dụng lao động tại trụ sở của chủ dự án theo trình tự, thủ tục kiểm tra sau thông quan.

Trường hợp dự án đầu tư chưa thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc dự án đầu tư đã thực hiện giải ngân tối thiểu 6.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư./.

Ngọc Linh

Ngọc Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam