Dự thảo Nghị định cải cách kiểm tra chuyên ngành: Lợi ích của doanh nghiệp là mục tiêu cải cách

11:01 | 09/04/2021 Print
(TBTCVN) - Tổng cục Hải quan đã hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu lần 2 để trình Bộ Tài chính xem xét trên cơ sở tiếp thu tối đa ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, cộng đồng doanh nghiệp...

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng trực tiếp.

Cán bộ hải quan kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu thuộc diện kiểm tra chất lượng trực tiếp. Ảnh: Phi Vũ

Doanh nghiệp hưởng ứng nhiều nội dung cải cách

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành cho biết, từ đầu tháng 3/2021, cơ quan hải quan đã khẩn trương triển khai việc xây dựng hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu (Nghị định KTCN) theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai, với mục tiêu là đảm bảo tiến độ, chất lượng, tính khả thi khi đưa vào thực tiễn trên tinh thần lắng nghe, tiếp thu ý kiến của doanh nghiệp (DN).

Tại 2 cuộc hội nghị lấy ý kiến DN và 3 cuộc họp Ban soạn thảo lấy ý kiến các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, các bên liên quan đã đồng thuận trên nhiều vấn đề cốt lõi trong cải cách nhằm tạo thuận lợi về thủ tục, giảm thời gian và chi phí tuân thủ cho DN.

Ông Đặng Vũ Thành, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam cho rằng, dự thảo nghị định có nhiều nội dung mới, sát thực và khi nghị định đi vào thực tế sẽ là một bước cải cách lớn, thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu (XNK) trong việc đẩy nhanh tiến độ, cắt giảm chi phí KTCN khi có sự vào cuộc cùng lúc của nhiều cơ quan quản lý, trong đó chủ đạo là cơ quan hải quan.

Ông Mai Xuân Thành cho biết, DN đã đánh giá cao quy định tại điều 12 và điều 13 Chương III về công bố hợp chuẩn, hợp quy, công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Tại các hội nghị, lấy ý kiến đóng góp về dự thảo nghị định, đại diện các hiệp hội DN cũng đánh giá cao các quy định tại điều 6, chương I, cho phép áp dụng mạnh mẽ các phương pháp quản lý rủi ro trong hoạt động kiểm tra hàng hóa, giảm tỷ lệ kiểm tra hàng hóa dưới 5%. Điểm sáng nữa được cộng đồng DN ghi nhận là quy định về công bố hợp chuẩn, hợp quy, công bố sản phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu mang lại nhiều lợi ích cho DN khi hàng loạt thủ tục được cắt giảm. Dự thảo nghị định cho phép đơn giản hóa tối đa thủ tục thông quan cho DN khi áp dụng phương thức kiểm tra thông thường, kiểm tra giảm khi chỉ kiểm tra ngẫu nhiên không quá 5% trên tổng số lô hàng nhập khẩu…

“Đặc biệt là cải cách KTCN khi thực hiện kiểm tra theo mã hàng hóa. Khi hàng hóa đã được cấp mã số đăng ký tại bản công bố sản phẩm thì các lần nhập khẩu tiếp theo, DN được thực hiện phương thức kiểm tra thông thường, miễn kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm nếu có lịch sử tuân thủ tốt pháp luật về XNK và hải quan”, ông Mai Xuân Thành cho biết thêm.

Giải quyết hầu hết các nội dung bộ, ngành quan tâm

Cũng theo ông Mai Xuân Thành, tiếp thu ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực, dự thảo Nghị định KTCN đang được hoàn thiện trình Bộ Tài chính đã làm rõ khái niệm hàng hóa giống hệt nhau; quy định đối với hàng hóa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chất lượng; làm rõ được phạm vi điều chỉnh diện hàng hóa được miễn kiểm. Đồng thời, loại trừ hàng hóa thuộc diện an ninh, quốc phòng; hàng hóa XNK tại chỗ; loại trừ hàng thuốc và nguyên liệu thuốc do phải kiểm tra đặc thù theo đề xuất của bộ quản lý chuyên ngành.

Nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, dự thảo bổ sung thêm chương VI quy định về trình tự thủ tục đối với hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch vừa thuộc diện kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Việc bổ sung thêm chương VI sẽ tháo gỡ được vướng mắc đối với hàng hóa nông nghiệp vừa phải kiểm dịch vừa phải kiểm tra chất lượng hàng hóa phù hợp với quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật, Luật Thú y...

Tại dự thảo nghị định lần 2 trình Bộ Tài chính, Ban soạn thảo bổ sung làm rõ hơn các quy định, trách nhiệm của các bộ quản lý ngành và cơ quan hải quan trong quá trình thông quan hàng hóa; trách nhiệm khi xảy ra khiếu nại của DN; quy định chặt chẽ đối với trách nhiệm cá nhân, tổ chức nhập khẩu; quy định việc chia sẻ thông tin cảnh báo của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực cũng được chú trọng và phát huy hiệu quả, đảm bảo môi trường hoạt động minh bạch, bình đẳng cho DN.

Thống nhất hải quan là đầu mối kiểm tra chuyên ngành


Theo dự thảo Nghị định kiểm tra chuyên ngành, cơ quan hải quan sẽ là đầu mối tiếp nhận hồ sơ kiểm tra chất lượng (KTCL), kiểm tra an toàn thực phẩm (ATTP) đối với hàng hóa nhập khẩu. Theo đó, hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ quản lý ngành, lĩnh vực xây dựng cơ sở dữ liệu, hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và áp dụng quản lý rủi ro “tích hợp” trong KTCL, kiểm tra ATTP, công khai, kết nối, chia sẻ thông tin với các cơ quan liên quan. Đồng thời, cơ quan hải quan sẽ thực hiện công bố trên Cổng thông tin một cửa quốc gia danh mục các mặt hàng được áp dụng phương thức kiểm tra thông thường nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc làm thủ tục nhập khẩu hàng hóa...

Hải Linh

Hải Linh

© Thời báo Tài chính Việt Nam