Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4, liệu có tiếp đà giảm?

10:49 | 09/04/2021 Print
(TBTCVN) - Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ 2020 đều là mức thấp nhất trong 5 năm gần đây. Sau đà tăng giá, gần đây, giá xăng dầu đang ở thế giằng co, cùng với việc giá lương thực, thực phẩm cơ bản ổn định, là những yếu tố làm giảm tác động lên giá tiêu dùng tháng 4.

12

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nhiều yếu tố giảm sức ép lên CPI

Lạm phát cơ bản tháng 3/2021 giảm 0,12% so với tháng 2/2021, tăng 0,73% so với cùng kỳ năm 2020. Bình quân quý I/2021 lạm phát cơ bản tăng 0,67% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 0,29%) chủ yếu do giá mặt hàng xăng, dầu và điện sinh hoạt giảm mạnh so với cùng kỳ 2020. Mức lạm phát cơ bản tháng 3 và quý I/2021 so với cùng kỳ 2020 đều là mức thấp nhất trong 5 năm trở lại đây.

Trong tháng 4 này, những yếu tố được cho là tác động làm tăng CPI trong những tháng đầu năm, như: tăng giá dịp lễ, tết; giá ăn uống ngoài gia đình tăng theo giá lương thực, thực phẩm; giá dịch vụ giáo dục quý I/2021 tăng 4,49% so với cùng kỳ 2020 do ảnh hưởng từ đợt tăng học phí năm học mới 2020 - 2021… được dự báo đều sẽ không gây áp lực lên lạm phát. Đây là những yếu tố thuận lợi để kiểm soát lạm phát ở mức thấp.

Đáng lo ngại nhất đó là giá xăng dầu tác động lên CPI khi liên tục tăng từ trong các kỳ điều hành gần đây. Dù liên tục phải điều chỉnh tăng do giá xăng dầu thế giới tăng, nhưng tính chung, giá xăng dầu trong nước bình quân quý I/2021 lại giảm 9,54% so với cùng kỳ 2020; giá dầu hỏa giảm 14,5% so với cùng kỳ năm 2020. Những ngày gần đây, giá xăng dầu thế giới cũng đang ở thế giằng co, khi tăng, khi lại trượt giảm nhẹ.

Hơn nữa, những lo ngại về chất lượng vaccine phòng bệnh Covid-19 tại khu vực Châu Âu đã ảnh hưởng đến kỳ vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu, dự báo về nhu cầu sử dụng xăng dầu giảm tác động làm giảm giá xăng dầu thế giới từ giữa tháng 3/2021. Sự kiện tắc nghẽn lưu thông tại kênh đào Suez vừa qua cũng đã làm gia tăng chi phí vận chuyển, lo ngại nguồn cung khiến giá xăng dầu thế giới tăng nhẹ trở lại. Giá xăng dầu thế giới trong 15 ngày trong kỳ điều hành cuối tháng 3 đã tăng giảm đan xen. Dù xu hướng chung là tăng nhẹ đối với các loại xăng, nhưng lại giảm nhẹ đối với các loại dầu.

Dù vậy, trong điều hành, liên Bộ Công thương, Tài chính cũng đã linh hoạt, chi sử dụng liên tục Quỹ Bình ổn giá ở mức khá cao, từ kỳ điều hành ngày 12/3/2021 đến 27/3 đang chi quỹ ở mức từ 600 - 2.000 đồng/lít/kg cho các mặt hàng xăng dầu. Nếu không tiếp tục chi quỹ, giá các loại xăng dầu sẽ tăng so với giá hiện hành khoảng 331 - 2.029 đồng/lít/kg.

Ngoài yếu tố xăng dầu, các mặt hàng như lương thực, thực phẩm dự báo giá cả sẽ không biến động trong tháng này. Thời điểm này, trong nước không xuất hiện dịch bệnh, thời tiết cơ bản thuận lợi nên hoa quả, rau xanh được mùa, giá cả nhìn chung không có xu hướng tăng. Đây là các yếu tố dự báo góp phần làm giảm sức ép lên chỉ số giá tiêu dùng trong tháng đầu tiên của quý II năm 2021.

Không chủ quan trong điều hành

Vào trung tuần tháng 3, nhiều tổ chức quốc tế dự báo CPI của Việt Nam năm 2021 chỉ xoay quanh mốc dưới 4%.

IMF nhận định, tại Việt Nam các chính sách tài khóa và tiền tệ được kỳ vọng sẽ vẫn tiếp tục hỗ trợ, mặc dù ở mức độ thấp hơn so với năm 2020 và lạm phát được dự báo sẽ vẫn gần với mục tiêu của Chính phủ là 4%. Ngân hàng HSBC dự báo lạm phát của Việt Nam trong năm 2021 khoảng 3%, trong đó chỉ lưu ý giá thực phẩm và chi phí vận tải là những yếu tố “cần theo dõi”.

Dù vậy, nhưng không thể chủ quan trong điều hành lạm phát, bởi năm 2021 mới chỉ đi qua 1/4 chặng đường. Trả lời báo chí gần đây, bà Vũ Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, Tổng cục Thống kê cho rằng, dù CPI bình quân quý I/2021 tăng chỉ 0,29%, mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua, nhưng mục tiêu kiểm soát lạm phát dưới 4% trong năm nay không dễ, bởi vì Mỹ và các quốc gia trong khu vực tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh. Theo tính toán, nếu giá dầu thô trung bình khoảng 60 USD/thùng thì CPI năm 2021 sẽ tăng thêm 0,9%.

Theo dự báo của các chuyên gia trong lĩnh vực này, trong năm 2021, thị trường, giá cả ở Việt Nam có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Trong đó, đáng lưu ý nhất là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo tăng trở lại khi các loại vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng và dịch được khống chế; kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Cùng với đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam được dự báo vẫn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường...

Theo dự báo của giới chuyên gia, CPI của Việt Nam bình quân năm 2021 so với năm 2020 sẽ tăng ở mức 3,2% - 3,8%.

Nhiều yếu tố làm tăng CPI


Theo dự báo của các chuyên gia, trong năm 2021, thị trường, giá cả ở Việt Nam có nhiều yếu tố làm tăng CPI. Trong đó, đáng lưu ý nhất là giá nhiều loại nguyên, nhiên vật liệu trên thị trường thế giới được dự báo tăng trở lại khi các loại vắc-xin Covid-19 được tiêm chủng trên diện rộng và dịch được khống chế; kinh tế thế giới tăng trưởng trở lại. Cùng với đó, tình hình thiên tai, dịch bệnh ở Việt Nam được dự báo vẫn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất nông nghiệp, cung - cầu hàng hóa trên thị trường...

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam