Quản lý vốn nhà nước không phải là “ôm” mọi hoạt động doanh nghiệp

10:36 | 09/04/2021 Print
(TBTCVN) - Nhà nước chỉ nên tập trung vào hiệu quả “vốn nhà nước” đầu tư vào doanh nghiệp, chứ không phải quản lý mọi vấn đề liên quan đến quản trị, vận hành của doanh nghiệp nhà nước.

sx

Sau khi đầu tư vào doanh nghiệp, vốn nhà nước trở thành vốn của doanh nghiệp, do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và định đoạt.

Đây là quan điểm được các chuyên gia đồng thuận cao tại hội thảo “Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp: Kết quả 5 năm triển khai và định hướng sửa đổi, bổ sung”, do Bộ Tài chính phối hợp cùng với Ngân hàng Thế giới (WB) tổ chức hôm 7/4.

Doanh nghiệp bị “bó chân, bó tay”

Sau hơn 5 năm triển khai, Luật Quản lý sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (Luật số 69) đã tạo hành lang pháp lý đồng bộ, hoàn thiện hơn cho việc đầu tư vốn nhà nước vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp (DN). Cơ chế, chính sách quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước đầu tư tại các DNNN đã được xây dựng đồng bộ phù hợp với yêu cầu đổi mới, hội nhập; các cơ chế, chính sách tạo môi trường pháp lý đầy đủ, ổn định cho hoạt động quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại cơ quan nhà nước và DN. Cơ chế, chính sách đã đảm bảo tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của DN cùng việc tăng cường sự kiểm tra, giám sát của Nhà nước trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại DN.

Tuy nhiên trong giai đoạn triển khai, một số chủ trương, quan điểm chỉ đạo và hệ thống pháp luật có liên quan đến việc quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN đã thay đổi.

Đồng thời, theo ông Đặng Quyết Tiến - Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), Luật và các văn bản hướng dẫn cũng đã bộc lộ những tồn tại, hạn chế như: việc xác định vốn nhà nước đầu tư tại DN; thẩm quyền quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua bán tài sản cố định; thẩm quyền quyết định đầu tư vốn ra ngoài DN; quy định về đầu tư ra nước ngoài của DN; phương thức chuyển nhượng vốn đầu tư, phân phối lợi nhuận sau thuế; nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của DNNN; bảo toàn và phát triển vốn của DN; các phương thức chuyển giao, cơ cấu lại vốn nhà nước tại DN…

Khái quát về bất cập lớn nhất của Luật, ông Nguyễn Minh Khoa, Trưởng ban Pháp chế, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho rằng, đây không phải là Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại DN mà là “Luật Quản lý DNNN”, vì các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện vốn chủ sở hữu nhà nước quản lý mọi hoạt động của DNNN gồm cả tổ chức, bộ máy, nhân sự, ban lãnh đạo, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị đến kế hoạch, chiến lược, phương án sản xuất, kinh doanh; đầu tư vốn, thoái vốn, đầu tư xây dựng… lẫn tiền lương, thu nhập của người lao động. Đây được cho là một trong những nguyên nhân khiến DNNN không dám mạnh dạn mở rộng đầu tư và sản xuất kinh doanh.

“Quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh của DNNN rất ít, làm gì cũng phải báo cáo, tới mức khi tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ muốn thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện cũng đều phải báo cáo đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước”, ông Nguyễn Minh Khoa cho hay.

Cần tách bạch quản lý vốn và quản lý doanh nghiệp

Có thực tế này, theo TS. Lê Đăng Doanh, là do mô hình giám sát vốn nhà nước vẫn chưa đảm bảo được yêu cầu về sự tách bạch giữa quyền sở hữu vốn và quyền quản lý, giám sát vốn nhà nước tại DN. Bộ, ngành, UBND cấp tỉnh vừa có quyền của cơ quan đại diện chủ sở hữu, vừa có quyền quản lý nhà nước đối với DN, do đó vẫn chưa đảm bảo tính khách quan, minh bạch trong hoạt động giám sát của chủ sở hữu với giám sát trong vai trò quản lý nhà nước.

TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng CIEM thì cho rằng, các khái niệm về vốn hiện không còn phù hợp, lẫn lộn và sai lệch về các loại vốn, tài sản, sở hữu tài sản thuộc sở hữu nhà nước và sở hữu DN. Nhà nước giống như bất cứ nhà đầu tư khác đều có thể sử dụng mọi loại vốn có thể để đầu tư. “Quy định hiện hành đang làm lẫn lộn và không phân biệt được về mặt pháp lý tài sản của DN và tài sản nhà nước. Trong DN, chỉ có vốn DN mà không có vốn nhà nước tại DN”, ông Nguyễn Đình Cung nói.

Đề xuất về hướng sửa đổi những bất cập, các chuyên gia, đại biểu tham gia hội thảo nhấn mạnh trước tiên cần đảm bảo các nguyên tắc thị trường. “Phải quay về, hiểu đúng và áp dụng trúng các khái niệm cơ bản của kinh tế thị trường”, TS Nguyễn Đình Cung đề nghị.

“Nhà nước chỉ nên tập trung vào quản lý “vốn nhà nước” đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, không nên quan tâm các vấn đề liên quan đến quản trị, vận hành của DNNN tương tự như cách quản lý DNNN của các nước trên thế giới”, TS. Phan Đằng Chương, Phó Tổng giám đốc Dịch vụ tư vấn, Công ty TNHH Ernst & Young Vietnam đề xuất.

Theo TS. Lê Đăng Doanh, phương thức quản lý DNNN cần đổi mới theo nguyên tắc thị trường, đảm bảo nguyên tắc ở đâu có vốn nhà nước ở đó có sự quản lý, giám sát của cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước thông qua người đại diện vốn nhà nước tại DN. Xác định nội dung quản lý nhà nước đối với DN, tránh can thiệp hành chính, can thiệp về nhân sự vào DN.

Cùng với đó, đánh giá hiệu quả hoạt động đầu tư vốn nhà nước cũng phải thực hiện theo các nguyên tắc thị trường, đánh giá dựa trên giá trị gia tăng của vốn đầu tư và cổ tức, lợi nhuận được chia hàng năm – hiệu quả đầu tư vốn của cổ đông nhà nước. “Không thể đòi hỏi DNNN “trăm trận trăm thắng”, phải giám sát yêu cầu hiệu quả nhưng đó là hiệu quả hoạt động chung của DN chứ không phải soi từng dự án để thấy có dự án không hiệu quả mà cho là DN không hiệu quả”, TS. Nguyễn Thường Lạng (Trường Đại học Kinh tế Quốc dân) nhấn mạnh.

Làm rõ khái niệm vốn nhà nước theo quy trình của dòng vốn


Theo ông Đặng Quyết Tiến, cần phân định, làm rõ khái niệm vốn nhà nước theo quy trình của dòng vốn. Theo đó, sau khi đầu tư vào doanh nghiệp, vốn nhà nước trở thành vốn của doanh nghiệp, do doanh nghiệp quản lý, sử dụng và định đoạt. Nhà nước trở thành chủ sở hữu của phần vốn góp, cổ phần tương ứng tại doanh nghiệp. “Quản lý vốn khác với quản lý doanh nghiệp. Quản lý vốn chỉ tính toán hiệu quả như một nhà đầu tư tính toán giá trị gia tăng của đồng vốn, không đánh giá cách quản lý cụ thể của doanh nghiệp, hay của từng dự án một” - ông Đặng Quyết Tiến phân tích.

Hoàng Yến

Hoàng Yến

© Thời báo Tài chính Việt Nam