Động lực nào cho tăng trưởng kinh tế năm 2021?

10:11 | 07/04/2021 Print
(TBTCVN) - Hoạt động ngoại thương đang có sự phục hồi mạnh mẽ, cùng những tín hiệu tích cực trong hoạt động đầu tư… được kỳ vọng là những “lực kéo” tăng trưởng kinh tế trong những quý tiếp theo của năm 2021…

b8

Nguồn: Tổng cục Thống kê.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức ở phía trước, do dịch bệnh còn phức tạp, cần có giải pháp linh hoạt, phù hợp để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cả năm. Đây là chia sẻ của chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình – Giám đốc điều hành Economica Vietnam.

PV: Thưa ông, tăng trưởng GDP quý I/2021 đạt 4,48%, thấp hơn mục tiêu đã được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ là 5,12%, vậy có động lực tăng trưởng nào để có thể kỳ vọng tăng trưởng GDP đạt được kết quả khả quan hơn trong các quý tiếp theo?

Ông Lê Duy Bình: Từ cuối tháng 1 đến đầu tháng 3, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương, ảnh hưởng tiêu cực tới tình hình kinh tế - xã hội cả nước. Trong bối cảnh đó, tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, cao hơn tốc độ 3,68% quý I/2020 cho thấy nỗ lực của Chính phủ, doanh nghiệp (DN) và người dân để tiếp tục thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế”. Mặc dù tăng trưởng quý I thấp hơn mục tiêu được đặt ra tại Nghị quyết 01/NQ-CP, nhưng tôi cho rằng đây là kết quả rất đáng khích lệ trong bối cảnh khó khăn do dịch Covid-19 tái bùng phát.

binh

Ông Lê Duy Bình

Nhìn về những quý tiếp theo, theo tôi có một số động lực kỳ vọng sẽ hỗ trợ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Trước hết là động lực đến từ hoạt động ngoại thương, theo báo cáo của Tổng cục Thống kê (TCTK), quý I/2021 đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất khẩu (XK), với cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 2,03 tỷ USD. Cùng với đó, theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN do TCTK thực hiện cho thấy, về đơn đặt hàng XK, xu hướng quý II/2021 so với quý I/2021, có 37,5% số DN dự kiến tăng đơn hàng XK và 47,5% số DN dự kiến ổn định. Con số trên cho thấy dự báo hoạt động ngoại thương tiếp tục khả quan hơn trong thời gian tới.

Hơn nữa, cầu ngoại thương cũng được hỗ trợ từ chính sách của một số đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Mỹ, châu Âu, khi Mỹ tung gói kích thích kinh tế lên đến 1.900 tỷ USD hay châu Âu cũng đang cân nhắc ban hành gói cứu trợ với trị giá 700 – 800 tỷ Euro. Khi các đối tác thương mại lớn của Việt Nam có những gói hỗ trợ lớn như vậy sẽ kích thích tiêu dùng trong nước, từ đó tác động trở lại đến cầu nhập khẩu hàng hóa từ các nước khác, trong đó có Việt Nam. Cùng với đó là triển vọng từ việc thực thi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu và sắp tới là Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)…

Thứ hai là động lực đến các hoạt động đầu tư, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 đạt hơn 507 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm.

Cùng với đó, nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam cũng đang có những dấu hiệu tích cực. Theo thông tin từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hiện có khoảng 300 DN FDI đang có ý định đầu tư mở rộng sản xuất tại Việt Nam thời gian tới, trong đó có khoảng 100 DN đã thực sự mở rộng sản xuất kinh doanh ở Việt Nam. Như vậy, nguồn lực từ khối DN FDI đóng góp cho tăng trưởng cũng được tăng cường.

Mặt khác, đầu tư công cũng tiếp tục là một động lực tăng trưởng cho năm nay, đặc biệt, năm nay nguồn vốn này đã được thúc đẩy giải ngân tích cực ngay từ những tháng đầu năm… Ngoài ra, tiêu dùng trong nước cũng đang có những dấu hiệu phục hồi tích cực…

PV: Mặc dù vậy, trong bối cảnh hiện nay nền kinh tế vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức, thưa ông?

Ông Lê Duy Bình: Tôi cho rằng vẫn còn nhiều thách thức đối với nền kinh tế, trước hết là hoạt động của khu vực DN trong nước vẫn còn tương đối khó khăn, thể hiện ở đóng góp vào tăng trưởng kinh tế quý I vẫn chủ yếu đến từ khu vực DN FDI. Cùng với đó, số lượng DN tạm dừng hoạt động, giải thể do tác động của dịch Covid-19 vẫn tương đối lớn. Nếu tính như 3 tháng đầu năm 2021, mỗi tháng trung bình vẫn có khoảng gần 14 nghìn DN rút lui khỏi thị trường. Bên cạnh đó, nhiều ngành kinh tế khác vẫn còn rất khó khăn, chưa thể phục hồi mạnh mẽ ngay được như du lịch, hàng không…

Thứ hai là, thách thức về khả năng chống chịu của nền kinh tế nếu làn sóng lây nhiễm dịch bệnh quay trở lại, trong khi sức chịu đựng của nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào dư địa của các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Ngoài ra, quy mô chi tiêu ngân sách có thể gia tăng nếu đại dịch tái bùng phát và kéo dài, trong khi thu ngân sách trở nên khó khăn hơn do nền kinh tế rơi vào vòng xoáy suy giảm, theo đó, thâm hụt ngân sách và nợ công sẽ trở nên căng thẳng hơn, điều này khiến cho dư địa tác động của chính sách tài khóa sẽ bị thu hẹp lại. Trong khi đó, rủi ro kinh tế vĩ mô có thể gia tăng khi tiếp tục nới lỏng mạnh hơn chính sách tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế…

PV: Vậy cần phải làm gì để đảm bảo mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 mà Chính phủ đã đề ra, thưa ông?

Ông Lê Duy Bình: Tôi cho rằng, trước hết vẫn cần tiếp tục kiểm soát tốt dịch bệnh. Các động lực đã chia sẻ ở trên cũng được đặt trong giả định dịch bệnh được kiềm chế một cách tích cực ở trong nước cho đến hết năm 2021, do đó, nếu dịch bệnh bùng phát trở lại trong các quý tiếp theo thì các nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần xem xét và tiếp tục có những biện pháp, chính sách hỗ trợ DN phục hồi, tuy nhiên, chính sách hỗ trợ về tài khóa cần phải chi tiêu đúng trọng tâm, tiết kiệm, hỗ trợ các đối tượng thực sự cần thiết. Ngoài ra, với những ngành, lĩnh vực còn rất khó khăn như du lịch, hàng không, các cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu có các chính sách để mở cửa dần dần từng bước, tất nhiên là vẫn phải thận trọng và phải đảm bảo phòng chống dịch bệnh…

Bên cạnh đó, cần tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cũng như nỗ lực duy trì ổn định các nền tảng kinh tế vĩ mô như giữ lạm phát ở mức thấp, giữ tỷ giá, cán cân thanh toán ổn định…

PV: Xin cảm ơn ông!

Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ đặt ra mục tiêu, tăng trưởng GDP quý II đạt 7,11%, quý III đạt 6,71%, quý IV đạt 6,67% và cả năm 2021 là 6,5%.

Mạnh Nguyễn (thực hiện)

Mạnh Nguyễn (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam