Thành phố Thủ Đức: Cần cơ chế đột phá để thu ngân sách đạt 10.000 tỷ đồng

00:05 | 07/04/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2021, TP. Thủ Đức đặt ra 26 chỉ tiêu phát triển kinh tế, trong đó thu ngân sách phấn đấu đạt từ 8.500 đến 10.000 tỷ đồng. Lãnh đạo TP. Thủ Đức cho biết, chỉ tiêu phấn đấu trên có khả năng đạt được, nhưng cần cơ chế, điều kiện đặc thù để làm được điều này.

TP. Thủ Đức chú trọng công tác quy hoạch phát triển thị trường.

TP. Thủ Đức chú trọng công tác quy hoạch phát triển thị trường. Ảnh: Gia Cư

Tạo đột phá trong xây dựng phát triển

Sau hơn 2 tháng thành lập, vận hành, mọi hoạt động TP. Thủ Đức thuộc TP. Hồ Chí Minh đều đã cơ bản ổn định, nề nếp. Nhiệm vụ đặt ra từ nay đến cuối năm 2021 với hàng loạt chỉ tiêu phát triển kinh tế đang là bài toán khó cho địa phương này, bởi đây là năm đầu tiên thành lập và là tiền đề để phát triển TP. Thủ Đức cho những năm tiếp theo.

Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức Hoàng Tùng cho biết, trước khi bước vào vận hành bộ máy, thành phố (TP) đã xây dựng 7 chương trình, đề án phát triển gồm: xây dựng đề án đề xuất cơ chế, chính sách, điều kiện công tác quản lý nhà nước để TP. Thủ Đức phát triển nhanh, bền vững; xây dựng đồ án quy hoạch chung TP. Thủ Đức; hoàn chỉnh bộ máy và đặc biệt là công tác thu ngân sách để tạo thêm nguồn lực tái đầu tư phát triển… Đối với các công trình, dự án trọng điểm, trong năm 2021 TP. Thủ Đức phấn đấu hoàn thành 15 công trình và khởi công 16 công trình.

Ông Hoàng Tùng cũng cho biết, hiện những vấn đề còn vướng mắc, TP đang tập trung chỉ đạo, phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan đẩy nhanh tốc độ các dự án này. Trước mắt khi chưa thay đổi được các quy định, UBND TP đã chủ động làm việc với các sở, ngành và thống nhất sẽ có những ưu đãi, ưu tiên cho TP, như việc rà soát các đồ án quy hoạch, các dự án liên quan đến giá, đăng ký các dự án đầu tư công…“Trong lúc chờ cơ chế đột phá thì phải thay đổi cách làm việc để đảm bảo tiến độ giải quyết công việc”, Chủ tịch UBND TP Hoàng Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, các dự án giao thông hiện nay vướng mắc lớn nhất vẫn là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án đấu thầu, khởi công một thời gian nhưng việc bàn giao mặt bằng vẫn chưa hoàn thành. Hiện UBND TP. Thủ Đức đã đề xuất những cơ chế rất đột phá và được lãnh đạo các sở, ngành, UBND TP. Hồ Chí Minh thống nhất cao. Một số vấn đề phát sinh thêm, TP. Thủ Đức cũng đang kiến nghị TP. Hồ Chí Minh cho phép UBND TP với sự năng động của mình có thể tiếp xúc, làm việc với các cơ quan, tổ chức ngoại giao (chủ yếu là chuyên gia, nhà đầu tư quốc tế) và định kỳ báo cáo Sở Ngoại vụ, UBND TP. Hồ Chí Minh thay vì phải xin phép trước như quy định hiện nay sẽ làm chậm tiến độ, giảm hiệu quả.

Thu ngân sách 10 nghìn tỷ đồng, làm được nhưng cần cơ chế

Ông Nguyễn Văn Hiếu, Ủy viên dự khuyết Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP. Thủ Đức cho biết, trong các chương trình đầu tư, phát triển, TP. Thủ Đức hết sức quan tâm việc tham gia lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, phát triển hạ tầng. Về mức thu ngân sách 10 nghìn tỷ đồng, TP. Thủ Đức có khả năng đạt được, nhưng cần cơ chế, điều kiện để làm được điều này. Bởi nếu không có cơ chế phù hợp, chưa nói đến cơ chế đặc thù, thì mọi công việc sẽ ách tắc.

Theo đó, để đạt được mức thu phấn đấu 10 nghìn tỷ đồng trong năm 2021, TP đang bám sát, thúc đẩy mô hình phát triển kinh tế theo hướng phát triển (dịch vụ - thương mại - công nghiệp công nghệ cao - nông nghiệp đô thị). Cùng với đó, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế trên địa bàn cũng phải tuân thủ theo hướng chú trọng chất lượng, giá trị gia tăng cao, hiệu quả kinh tế lớn, ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, năng suất lao động cao. Trong đó, các dịch vụ chất lượng cao có dư địa lớn, như du lịch, logistics…

Mới đây, UBND TP. Thủ Đức đề xuất UBND TP. Hồ Chí Minh phân cấp cho địa phương được chủ động sử dụng 100% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản dôi dư sau khi sắp xếp do TP. Thủ Đức quản lý dùng làm nguồn đầu tư phát triển hạ tầng. Đồng thời phân cấp cho UBND TP. Thủ Đức được chủ động sử dụng 50% nguồn thu được từ bán đấu giá tài sản, trụ sở công sản do TP. Hồ Chí Minh quản lý nằm trên địa bàn TP. Thủ Đức; giao thẩm quyền cho địa phương chủ động triển khai các dự án từ nguồn thu này.

UBND TP. Thủ Đức dự kiến dùng nguồn thu này cho phát triển hạ tầng và thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng tạo nguồn đất sạch để kêu gọi đầu tư dự án mới. Qua rà soát, TP. Thủ Đức xác định có 29 địa chỉ nhà đất dôi dư, không có kế hoạch và nhu cầu sử dụng cho các công trình công cộng, phúc lợi xã hội do địa phương quản lý với tổng diện tích 21.520m². Nếu được UBND TP. Hồ Chí Minh chấp thuận chủ trương, dự kiến năm 2023 sẽ hoàn tất công tác bán đấu giá quyền sử dụng đất với số tiền thu được khoảng 1.000 tỷ đồng.

Dự án đầu tư quy mô lớn đầu tiên đã được trao giấy phép

Cuối tháng 3/2021 UBND TP. Hồ Chí Minh đã trao giấy phép đầu tư cho Công ty Lotte Properties HCMC triển khai dự án Khu phức hợp thông minh - Thủ Thiêm Eco Smart City tại khu chức năng số 2A trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm, thuộc TP. Thủ Đức. Tổng vốn đầu tư 20.100 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án nhằm hình thành và phát triển khu trung tâm tài chính, thương mại - dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng. Đây là dự án quy mô lớn đầu tiên của nhà đầu tư nước ngoài kể từ khi TP. Thủ Đức được thành lập.

Gia Cư

Gia Cư

© Thời báo Tài chính Việt Nam