Kinh phí phòng, chống dịch Covid-19: Tiếp tục hỗ trợ địa phương từ ngân sách

23:53 | 06/04/2021 Print
(TBTCVN) - Năm 2020, ngân sách đã chi hơn 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19. Năm 2021, dự kiến ngân sách sẽ tiếp tục dành nguồn lực chi cho mua vắc xin, chi hỗ trợ các địa phương khó khăn trong thực hiện phòng, chống dịch.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, Hà Nội.

Tiêm vắc xin phòng Covid-19 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương 2, Hà Nội. Ảnh: WHO Vietnam

Sẽ hỗ trợ để các địa phương có đủ nguồn thực hiện

Bộ Tài chính trình và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành quyết định về nguyên tắc hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách trung ương (NSTW) cho ngân sách địa phương (NSĐP) trong phòng, chống dịch Covid-19.

Theo đó, NSTW hỗ trợ các địa phương khó khăn về ngân sách kinh phí thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 gồm: Kinh phí thực hiện các chính sách đặc thù (phần ngân sách nhà nước - NSNN đảm bảo) trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Điều 1 Nghị quyết số 37/NQ-CP ngày 29/3/2020. Kinh phí thực hiện cách ly y tế, khám, chữa bệnh và chế độ phụ cấp chống dịch (phần NSNN đảm bảo) trong phòng, chống dịch Covid-19 quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8/2/2021 của Chính phủ. Kinh phí hỗ trợ tiền ăn và bồi dưỡng chống dịch Covid -19 trong 5 ngày Tết Nguyên đán năm Tân Sửu năm 2021 (phần NSNN đảm bảo) quy định tại Điều 1 và Điều 2 Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 9/2/2021 của Chính phủ.

Tại quyết định này đã quy định cụ thể cơ chế hỗ trợ từ NSTW. Theo đó, với các tỉnh miền núi, Tây Nguyên, NSTW hỗ trợ 70% mức NSNN thực chi theo quy định. Các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương còn lại thì chi theo nguyên tắc sau: Đối với các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW từ 50% trở lên, chủ động sử dụng dự phòng NSĐP để thực hiện. Các tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết các khoản thu phân chia về NSTW dưới 50%, NSTW hỗ trợ 30% phần hỗ trợ từ NSNN. Đối với các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách còn lại, thì NSTW hỗ trợ 50% phần hỗ trợ từ NSNN.

Thủ tướng Chính phủ lưu ý các địa phương sử dụng tối đa 50% nguồn dự toán dự phòng NSĐP, tối đa 70% Quỹ dự trữ tài chính cấp tỉnh để thực hiện phòng, chống dịch Covid-19. Trường hợp các địa phương chi cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 ở mức độ lớn, nếu phần NSĐP đảm bảo vượt quá nguồn lực của địa phương, gồm: 50% nguồn dự toán dự phòng NSĐP còn lại sau khi đã sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ chi theo quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ từ nguồn 50% dự toán dự phòng của NSĐP (bao gồm cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã) và 70% Quỹ dự trữ tài chính địa phương, thì NSTW sẽ bổ sung thêm phần chênh lệch vượt quá nguồn lực của địa phương để các tỉnh, thành phố có đủ nguồn để thực hiện.

Địa phương cần chủ động trong điều hành

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định 507/QĐ-TTg trích 1.237 tỷ đồng từ nguồn dự phòng NSTW năm 2021 để bổ sung dự toán chi NSNN năm 2021 của Bộ Y tế thực hiện mua và tiêm vắc xin phòng Covid-19. Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính, Bộ Y tế chịu trách nhiệm toàn diện về tính chính xác của nội dung và số liệu báo cáo. Bộ Y tế có trách nhiệm thực hiện cơ chế mua vắc xin phòng Covid-19 theo đúng quy định, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, tiết kiệm, công khai, minh bạch.

Được biết trong năm 2021, Bộ Tài chính đã xác định tập trung mọi nguồn lực cho việc sớm kiểm soát được dịch bệnh, không để dịch lây lan, tăng cường chỉ đạo, điều hành đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đảm bảo nguồn lực mua vắc xin phòng chống dịch Covid-19 để tiêm chủng cho khoảng 80% dân số, dự kiến tổng nhu cầu kinh phí khoảng trên 25 nghìn tỷ đồng.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, trong năm 2020, NSNN đã chi hơn 18 nghìn tỷ đồng cho công tác phòng, chống dịch và hỗ trợ người dân vượt qua tác động của đại dịch Covid-19 theo các nghị quyết của Chính phủ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, ngay từ năm 2020 khi dịch Covid diễn biến phức tạp, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh, như: Nghị quyết số 37/NQ-CP; Quyết định số 437/QĐ-TTg, đã quy định rõ về chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19; nguyên tắc hỗ trợ từ NSTW cho NSĐP trong phòng, chống dịch Covid-19... Các cơ chế chính sách này đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương trong thực hiện chi cho phòng, chống dịch. Các địa phương đã chủ động sử dụng từ nhiều nguồn, chi cho công tác này. Ông Nguyễn Minh Phong cho rằng, trong bối cảnh khó khăn, cần tiếp tục thực hiện triệt để các khoản chi không cần thiết, dành cho các nhiệm vụ cấp bách, phát sinh như công tác phòng, chống dịch Covid-19. Đồng thời, các địa phương cần chủ động trong điều hành ngân sách để thực hiện nhiệm vụ này. Thời gian qua, chúng ta đã làm rất tốt điều này, do đó, với những quy định mới của Chính phủ, các địa phương tiếp tục thực hiện đúng mục đích, có hiệu quả chi cho phòng, chống dịch.

Sẽ xem xét hỗ trợ nếu địa phương khó khăn

Đề phòng trường hợp với những địa phương khó khăn, Thủ tướng chỉ đạo, kết thúc năm ngân sách, trường hợp ngân sách địa phương (NSĐP) hụt thu (sau khi đã điều chỉnh giảm một số khoản chi và sử dụng nguồn lực tài chính hợp pháp khác của địa phương theo quy định của Luật ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn mà phần hụt thu NSĐP lớn hơn dự toán dự phòng NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao), căn cứ vào khả năng cân đối ngân sách trung ương (NSTW) và ngân sách từng địa phương, Bộ Tài chính trình Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ một phần kinh phí từ dự phòng NSTW. Mức hỗ trợ từ NSTW không vượt quá 50% dự toán dự phòng NSĐP được Thủ tướng Chính phủ giao.

Minh Anh

Minh Anh

© Thời báo Tài chính Việt Nam