Quảng Ninh - Mười năm và “hai nhất”

11:12 | 02/04/2021 Print
(TBTCVN) - Nghị trường ngót một thập kỷ trước, mỗi khi cái tên Quảng Ninh được nhắc đến là thu hút nhiều sự chú ý của đại biểu Quốc hội. Thời đó, địa phương này đã được biết đến bởi “hai nhất”, táo bạo nhất trong cải cách bộ máy và năng động nhất trong thu hút đầu tư tư nhân.

Quảng Ninh đang đi đầu trong cả nước về khơi thông các điểm nghẽn tăng trưởng.

Quảng Ninh đang đi đầu trong cả nước về khơi thông các điểm nghẽn tăng trưởng.

Là Phó Bí thư thường trực Quảng Ninh và là đại biểu Quốc hội (QH) khóa XIII, bà Đỗ Thị Hoàng mang đến diễn đàn QH những cảm nhận mới mẻ về một Quảng Ninh đang vươn lên mãnh liệt. Bà Hoàng cũng gần như là đại biểu duy nhất đưa ra những phát ngôn mạnh mẽ chưa từng có về nhất thể hóa bộ máy, nhìn từ kinh nghiệm của Quảng Ninh.

Năm 2014, sau khi được Trung ương cho phép, Quảng Ninh là địa phương đầu tiên trong cả nước đã thực hiện chủ trương nhất thể hóa các chức danh đến cấp quận huyện, đồng thời rà soát, tiến hành hợp nhất một số cơ quan tham mưu giúp việc của cấp ủy và cơ quan chuyên môn chính quyền cùng cấp, có nhiệm vụ tương đồng. Hàng loạt các chức danh trong toàn tỉnh được nhất thể hóa. Trong đó, thực hiện Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp huyện tại 2 địa phương (Cô Tô, Tiên Yên); Bí thư đồng thời là Chủ tịch HĐND cấp huyện tại 7/14 địa phương; Bí thư đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã ở 75/186 xã. Cùng lúc, triển khai nhất thể hóa một số chức danh tại huyện Cô Tô, như Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra đồng thời là Chánh thanh tra, Trưởng Ban Tổ chức đồng thời là Trưởng Phòng Nội vụ...

Ngay trong năm 2014, Quảng Ninh đã giảm được 101 phòng, ban, đơn vị, tinh giản 1.164 người hoạt động không chuyên trách cấp xã; không chi trả phụ cấp thường xuyên cho 17.697 người, giảm cho ngân sách cả trăm tỷ đồng. Việc này càng ngày càng quyết liệt khi tỉnh hoàn thành việc xây dựng và cho triển khai thực hiện Đề án 25. Để xây dựng Đề án này, tỉnh đã nghiên cứu, quán triệt rất kỹ các chủ trương, đường lối của Đảng; các cơ sở pháp lý liên quan, tham khảo nhiều ý kiến chuyên gia trong nước và xem xét, tham khảo kinh nghiệm các nước có hệ thống chính trị tương đồng như Lào, Trung Quốc... về các mô hình nhất thể hóa chức danh, sử dụng chung cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng với cơ quan chuyên môn của chính quyền...

Trong chuyến khảo sát thực tế tại Quảng Ninh về công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị để làm căn cứ cho Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh có những tổng kết trong thực tiễn, vào tháng 7/2018, Giám đốc Học viện, ông Nguyễn Xuân Thắng, ghi nhận Đề án 25 của Quảng Ninh là một sáng kiến táo bạo, khẳng định khát khao đổi mới của Quảng Ninh. Giải pháp của tỉnh Quảng Ninh mở ra lộ trình nhất thể hóa, nhập một số tổ chức Đảng với Nhà nước để Đảng “hóa thân” làm nhiệm vụ, nhằm tinh giản biên chế, giải quyết chế độ chính sách phù hợp cho số dôi dư.

Tại Hội nghị T.Ư 6 khóa XII (tháng 10/2017), bàn về việc sắp xếp lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy, Trung ương ghi nhận thực tiễn từ Quảng Ninh đã được coi là một kinh nghiệm quý. Tháng 9/2018, khi Phó Bí thư Đỗ Thị Hoàng nghỉ hưu theo quyết định của Ban Bí thư, đích thân Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã về Quảng Ninh trao quyết định này. Ông Chính cũng là người được Bộ Chính trị phân công giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhiệm kỳ 2011 – 2016.

Tại buổi lễ này, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhìn nhận trong những năm gần đây, Quảng Ninh đã có bước phát triển nhanh, mạnh ấn tượng trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, là tỉnh luôn đi đầu trong việc tìm ra mô hình mới, cách làm hay cả về phát triển kinh tế - xã hội cũng như trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị. Đặc biệt, Quảng Ninh có đội ngũ lãnh đạo tỉnh với tinh thần dám nghĩ, dám làm, tư duy đổi mới mạnh mẽ đã mạnh dạn đề xuất nhiều ý tưởng mới, góp phần giúp cho Trung ương trong việc xây dựng và triển khai thực hiện các nghị quyết cũng như các văn bản pháp luật.

Từ “ba không” đến sức mạnh “Phù Đổng”


10 năm trước, Quảng Ninh vẫn còn là “3 không”, không đường cao tốc, không cảng hàng không, không cảng tàu biển quốc tế. Nhưng sau một thập kỷ, địa phương này đã có được sức mạnh “Phù Đổng”, đến cuối năm 2021, Quảng Ninh sẽ có khoảng 200km đường cao tốc, trở thành địa phương có tốc độ phát triển giao thông nhanh nhất trong cả nước.

Tuyến cao tốc dài nhất Việt Nam, sẽ hiện diện ở Quảng Ninh. Đó là cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, một dự án được thực hiện trong chiến dịch mang tên "500 ngày đêm" để hoàn thành, bắt đầu từ tháng 8/2020. Ngay khi mở màn, chỉ vỏn vẹn trong 15 ngày, Quảng Ninh đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng dự án, thu hồi gần 190ha đất, liên quan đến gần 1.200 hộ dân, tại 5 huyện.

Trước đó, Quảng Ninh đã từng mở “chiến dịch Quang Trung” cho dự án Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, cũng với mục tiêu thần tốc và thần tốc. Khí thế thần tốc còn thấy ở hơn 1.000 ngày thi công cầu Bạch Đằng, cây cầu đặc biệt, với thiết kế 3 trụ tháp là 3 chữ “H” Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long”, công trình có nhiều yếu tố kỹ thuật cực kỳ phức tạp, lần đầu tiên được tổ chức thi công tại Việt Nam. Kể từ khi hoàn thành vào tháng 9/2018 đến nay “3 H” đã thực sự trở thành biểu tượng kết nối tam giác kinh tế 3 tỉnh trọng điểm khu vực phía Bắc. “3 H” đưa Quảng Ninh trở thành cửa ngõ giao thông của vùng kinh tế Bắc Bộ trong giao thương với các nước Đông Nam Á, khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng và là điểm kết nối khu vực mậu dịch tự do ASEAN với Trung Quốc.

Còn rất nhiều câu chuyện có thể kể về sức mạnh Phù Đổng của Quảng Ninh trong phát triển kinh tế. Luôn đầy ắp ý tưởng, tinh thần chủ động, tích cực, dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm, bám sát các định hướng của Trung ương để mạnh dạn đề xuất, xây dựng và triển khai các mô hình mới, cách làm mới; phát huy và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội, Quảng Ninh đang đi đầu trong cả nước về khơi thông các điểm nghẽn tăng trưởng.

Đây cũng là tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương) tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư; huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng.

Vào năm 2013, trong khi khung pháp lý về đầu tư theo phương thức đối tác công - tư chưa đầy đủ và đồng bộ, với mục tiêu đẩy mạnh huy động nguồn lực xã hội hóa để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân và thí điểm đầu tư theo phương châm “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, với các hình thức: Lãnh đạo công - quản trị tư: nhà nước định hướng, ban hành cơ chế chính sách; hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra, giám sát...; các nhiệm vụ đầu tư phát triển, quản lý, điều hành do tư nhân đảm nhiệm…

Kể từ đó đến nay, Quảng Ninh đứng đầu cả nước trong triển khai đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) với 44 dự án có tổng số vốn 47.000 tỷ đồng, trong đó, vốn nhà nước tham gia chiếm 10% (chủ yếu tập trung cho công tác giải phóng mặt bằng). Như vậy cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra có thể huy động được từ 8,9 đồng từ khối tư nhân tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Tổng vốn đầu tư xã hội giai đoạn 2016 - 2018 đạt 183.654 tỷ đồng, dự kiến giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 340.850 tỷ đồng, tăng hơn 1,5 lần so giai đoạn 2011 - 2015.

Năm 2017, Đà Nẵng - thành phố được mệnh danh là đáng sống nhất cả nước, đã phải đứng sau Quảng Ninh chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Giành được ngôi vị quán quân, Quảng Ninh đã và đang giữ vững vị trí dẫn đầu này trong 3 năm qua, trở thành địa phương có môi trường kinh doanh hấp dẫn nhất cả nước.

Nguyên Mẫn

Nguyên Mẫn

© Thời báo Tài chính Việt Nam