Cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát

11:11 | 02/04/2021 Print
(TBTCVN) - Trả lời phỏng vấn của phóng viên TBTCVN, PGS. TS Phạm Thế Anh - Kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) nhận định, lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là bắt đầu từ tháng 4.

9

Hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ tiêu dùng đã nhộn nhịp trở lại.

Chính sách tiền tệ cần cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Ông cho rằng, mục tiêu của Chính phủ nên ở mức 5,5% phù hợp hơn so với đặt mục tiêu 6,5%, đó là mục tiêu tham vọng.

PV: Tổng cục Thống kê vừa công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội quý I/2021 cho thấy, quý I/2021, GDP của Việt Nam đạt 4,48%. Ông có bình luận gì về về bức tranh kinh tế Việt Nam quý I/2021?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Con số tăng trưởng trên là tương đối tốt, vì quý I/2020 Việt Nam gần như chưa bị ảnh hưởng bởi Covid-19, trong khi bối cảnh quý I năm nay, mấy tuần sau tết phải thực hiện giãn cách xã hội tại Hải Dương, Quảng Ninh, Hà Nội, hàng không du lịch quốc tế hoàn toàn không có, ngừng các lễ hội sau tết đã ảnh hưởng tới hoạt động tiêu dùng của người dân, tức hoạt động kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Tuy vậy, GDP quý I vẫn tăng 4,48% là một con số rất tích cực, khá bất ngờ, vượt ngoài tầm mong đợi.

pv9
PGS.TS Phạm Thế Anh

Nếu xét về mặt tổng cầu, tăng trưởng trong quý I có động lực từ xuất khẩu, với vai trò dẫn dắt từ khu vực FDI. Ngoài ra, điều trực tiếp nhìn rõ tác động tới trăng trưởng trong quý I là đầu tư công. Đầu tư công vẫn đang tiếp tục đà tăng trưởng của cuối năm 2020 và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, một điểm trừ của bức tranh kinh tế Việt Nam trong quý I/2021 là đầu tư tư nhân giảm sút. Trong điều kiện bệnh dịch vẫn còn diễn ra, khu vực đầu tư tư nhân nhìn chung vẫn bi quan, họ không xuống tiền đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh mà chủ yếu dùng tiền đầu cơ tài sản vào đất đai, chứng khoán. Do vậy, nguy cơ bong bóng giá tài sản đang hình thành.

PV: Theo quan sát của mình, xin ông cho biết động lực tăng trưởng của Việt Nam quý tiếp theo là gì?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Động lực tăng trưởng trong quý tiếp theo vẫn là xuất khẩu, đầu tư công còn các lĩnh vực khác chưa thể phục hồi ngay được với tình hình hiện nay mà sẽ được cải thiện dần dần. Có thể tăng trưởng của Việt Nam trong quý II, quý III sẽ đạt mức cao hơn quý I vì lý do rất đơn giản, quý II, quý III năm ngoái, kinh tế Việt Nam bị phong tỏa, các hoạt động thương mại, kinh tế, đầu tư bị gián đoạn trong khi năm nay có nhiều tín hiệu tích cực hơn. Hy vọng Việt Nam sẽ không tái lập tình trạng đó vì chúng ta đã có kinh nghiệm khống chế bệnh dịch và các chiến lược đối phó bệnh dịch của chúng ta đã thay đổi, không phong tỏa toàn xã hội như năm trước nữa. Các hoạt động kinh tế, đầu tư, thương mại nếu có bị gián đoạn thì sự gián đoạn đó chỉ trên diện nhỏ chứ không diễn ra trên toàn quốc. Do vậy, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam khả năng sẽ khả quan hơn, đầu tư công vẫn tiếp tục đà của năm trước, xuất khẩu vẫn đang tốt nhờ sự năng động, hiệu quả của khu vực FDI trên thị trường quốc tế; các hoạt động tiêu dùng của Việt Nam đang từng bước hồi phục.

Cùng với việc tiêm vắc-xin và sự hồi phục của nền kinh tế, tôi kỳ vọng tăng trưởng của Việt Nam trong quý II, quý III tới đây sẽ cao hơn quý I và trung bình cả năm mức tăng trưởng có thể đạt xấp xỉ 6%.

PV: Về lạm phát, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2021 tăng chỉ 0,29%- mức tăng thấp nhất trong 20 năm qua. Vậy có rủi ro nào về lạm phát cần lưu ý trong quý tới không, khi mà Mỹ và các quốc gia trong khu vực tung ra nhiều gói kích thích kinh tế, giá dầu thô thế giới có xu hướng tăng mạnh, thưa ông?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Lạm phát sẽ có xu hướng tăng trở lại, đặc biệt là bắt đầu từ tháng 4. Năm ngoái, xu hướng lạm phát giảm từ tháng 4 - 5 trở đi do phong tỏa nên tiêu dùng sụt giảm dẫn tới giá cả tiêu dùng giảm. Năm nay thì khác, so với cùng kỳ năm ngoái sẽ tăng trở lại, xu hướng từ nay tới cuối năm giá cả sẽ tăng lên. Do vậy, mục tiêu tăng trưởng 6,5% của Chính phủ là tham vọng. Nếu dùng các giải pháp kích thích tiền tệ tiếp tục như năm ngoái thì có thể giá cả tiêu dùng sẽ không đạt được mục tiêu dưới 4% vào cuối năm. Do vậy, chính sách tiền tệ phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng và kiểm soát lạm phát. Tôi cho rằng, mục tiêu của Chính phủ nên ở mức 5,5% phù hợp hơn so với đặt mục tiêu 6,5%, đó là mục tiêu tham vọng.

PV: Vậy theo ông, để đảm bảo các mục tiêu tăng trưởng của năm 2021 như Chính phủ đã đề ra cần lưu ý điều gì?

PGS.TS Phạm Thế Anh: Như tôi đã nói ở trên, mục tiêu mà Chính phủ đề ra khá tham vọng. Muốn đạt được có thể phải dùng các nỗ lực kích thích tài khóa về tiền tệ. Tuy nhiên, như vậy sẽ gây ra các rủi ro khác cho nền kinh tế, đặc biệt là rủi ro liên quan tới lạm phát và bong bóng giá tài sản. Mở rộng (nới lỏng) tiền tệ không giúp kích thích được đầu tư tư nhân trong bối cảnh hiện nay khi mà Covid-19 còn thì mở rộng tín dụng, mở rộng tiền tệ không giúp cho đầu tư tư nhân tăng trở lại mà có thể gây ra bong bóng giá tài sản.

PV: Xin cảm ơn ông!

Chỉ số giá hàng hóa chung của thế giới đã tăng 21%


Theo dữ liệu của IMF, so với cùng kỳ năm trước, trung bình trong 2 tháng đầu năm 2021 chỉ số giá hàng hóa chung của thế giới đã tăng khoảng 21%, trong đó giá hàng hóa phi nhiên liệu tăng 22% (lương thực và đồ uống +22%, giá kim loại cơ bản +48%, giá nguyên liệu thô trong nông nghiệp +10%, giá phân bón +31%...) còn giá nhiên liệu tăng 19,5%.

Mỹ, châu Âu và Nhật Bản về cơ bản vẫn tiếp tục cam kết giữ lãi suất chính sách quanh mốc 0% và thực hiện các chương trình mua vào tài sản với quy mô lớn. Trong khi đó, ở Việt Nam, lãi suất tiền gửi hiện ở quanh mốc 3 - 3,5% với kì hạn 6 tháng trở xuống và 5-6% với kì hạn từ 1 năm trở lên. Nếu lạm phát kì vọng bắt đầu vượt qua các ngưỡng này thì lãi suất sẽ buộc phải tăng trở lại nếu như Ngân hàng Nhà nước không muốn “thả gà ra đuổi”.

PGS. TS Phạm Thế Anh


Thảo Miên (thực hiện)

Thảo Miên (thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam