Mục tiêu quan trọng là tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp

11:03 | 02/04/2021 Print
(TBTCVN) - Bên hành lang cuộc hội thảo tham vấn dự thảo nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu do Tổng cục Hải quan tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh, phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với Phó Tổng cục trưởng Mai Xuân Thành về một số nội dung.

Toàn cảnh hội thảo

Toàn cảnh hội thảo

Cụ thể, đó là các nội dung cốt lõi, lộ trình, giải pháp thực hiện nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi nhất cho doanh nghiệp.

PV: Dự thảo Nghị định quy định kiểm tra nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu đang được Tổng cục Hải quan lấy ý kiến, xây dựng. Xin ông cho biết mục tiêu cốt lõi đặt ra đối với việc xây dựng dự thảo lần này?

Ông Mai Xuân Thành: Trước hết, chúng tôi muốn lắng nghe tiếng nói trực tiếp từ doanh nghiệp (DN), từ những người trong cuộc đã và đang làm thủ tục hải quan về lĩnh vực xuất nhập khẩu. Lắng nghe ý kiến của DN về cách thức tổ chức thực hiện những quy định nhà nước về chất lượng, an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu. Việc tổ chức thực hiện kiểm tra chuyên ngành là phải gắn chặt với thực tiễn. Vấn đề cốt lõi là phải áp dụng đồng bộ cả 3 phương thức gồm: Kiểm tra chặt, kiểm tra thông thường và kiểm tra giảm, trong khi thực tế đặt ra là phải áp dụng chuyển đổi các bước theo nguyên tắc quản lý rủi ro, quản lý mặt hàng đi đôi với chất lượng hàng hóa chứ không phải kiểm tra đối với con người, đối với DN.

Ông Mai Xuân Thành
Ông Mai Xuân Thành

Bên cạnh đó, thực tế hiện nay việc kiểm tra chuyên ngành vẫn kéo dài, thậm chí nhiều lần… vẫn còn diễn ra như một thói quen, dẫn đến tỷ lệ phát hiện sai phạm thấp, hiệu quả không cao. Một vấn đề đặt ra là hầu hết DN đều không muốn kiểm tra, hạn chế kiểm tra hoặc kiểm tra ở mức thấp nhất.

Vì vậy, trong lần tham vấn này, Tổng cục Hải quan đề nghị DN nói rõ nhu cầu cần kiểm tra thực tế. Sau cuộc hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội, chúng tôi đã nhận được rất nhiều ý kiến phản biện, đa chiều từ phía các DN, hiệp hội về các nội dung đặt ra trong dự thảo. Hầu hết các DN, hiệp hội đều thẳng thắn góp ý nhiều vấn đề còn hạn chế trong kiểm tra chuyên ngành. Đây thực sự là điều rất tốt để xây dựng được chính sách phù hợp thực tiễn.

PV: Vậy ông cho biết một số nhiệm vụ trước mắt và lâu dài trong quá trình triển khai thực hiện?

Ông Mai Xuân Thành: Lâu nay việc kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm các loại hàng hóa tại Việt Nam vẫn chỉ thực hiện áp dụng đối với hàng hóa khi nhập cảnh. Trong khi trên thế giới, nhiều quốc gia chỉ áp dụng kiểm tra một lần, từ gốc khi hồ sơ ban đầu được phía DN khai báo, được mã hóa đầy đủ nên sẽ không cần kiểm tra những lần sau. Hướng tới, Tổng cục Hải quan sẽ tích hợp đồng bộ mọi thủ tục hồ sơ ban đầu một lần lên cổng thông tin điện tử theo hướng công nghệ số tự động. Mục tiêu quan trọng nhất là tạo thuận lợi tốt nhất cho DN, đồng thời tất cả các DN trong và ngoài nước đều bình đẳng, đều phải tuân thủ quy chuẩn, pháp luật Việt Nam.

PV: Ông có thể cho biết lộ trình xây dựng, ban hành và triển khai thực hiện Nghị định này?

Ông Mai Xuân Thành: Mỗi cuộc hội thảo lấy ý kiến đóng góp cho nghị định, được thực hiện bốn phiên để thu hút nhiều DN, nhiều đối tượng tham gia theo hai hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo lộ trình, sau 45 ngày từ khi có Quyết định số 38/QĐ-TTg ngày 12/1/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định dự kiến trong tháng 6/2021.

Riêng về việc lấy ý kiến đóng góp cho dự thảo nghị định này, sau khi tổ chức hai cuộc hội thảo tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, tổ biên tập sẽ tổng hợp chủ trì làm việc với các bộ, ngành liên quan để tiếp tục hoàn thiện. Cũng trong thời gian này, tổ biên tập vẫn tiếp tục cầu thị, tiếp thu ý kiến phản biện, đóng góp của các hiệp hội, DN thông qua hộp thư điện tử Tổng cục Hải quan.

PV: Xin cảm ơn ông!

Các loại hàng hóa không thuộc diện kiểm tra chuyên ngành


Đề án “Cải cách mô hình KTCL, kiểm tra ATTP đối với hàng hóa nhập khẩu” được áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu tại cửa khẩu, trừ các hàng hóa sau:

- Hàng hóa thuộc đối tượng kiểm tra, quản lý liên quan đến an ninh, quốc phòng, kiểm dịch, văn hóa...;

- Hàng hóa vừa thuộc diện kiểm dịch, vừa thuộc diện kiểm tra chuyên ngành khác do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý;

- Hàng hóa thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng sau khi hàng hóa đã thông quan, hoặc hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng được các bộ quản lý ngành, lĩnh vực quy định việc kiểm tra thực hiện thông qua việc xem xét hoạt động công bố hợp quy của người nhập khẩu theo biện pháp: kết quả tự đánh giá phù hợp của tổ chức, cá nhân; kết quả chứng nhận, giám định của tổ chức chứng nhận, tổ chức giám định đã đăng ký hoặc được thừa nhận theo quy định của pháp luật (biện pháp 2a, 2b theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 Nghị định số 132/2008/NĐ-CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa).

Đối với hàng hóa nhập khẩu thuộc Danh mục hàng hóa thuộc diện kiểm tra nhà nước về chất lượng sau thông quan, trường hợp doanh nghiệp không áp dụng quy trình thủ tục kiểm tra chất lượng theo mô hình mới tại Đề án thì được lựa chọn áp dụng kiểm tra sau thông quan.

Gia Cư – Đỗ Doãn (Thực hiện)

Gia Cư – Đỗ Doãn (Thực hiện)

© Thời báo Tài chính Việt Nam